Quyết liệt hơn để thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng

10:46 | 14/06/2021 Print
Thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng được đẩy mạnh, nhiều vụ án tham nhũng lớn đã được xét xử. Tuy nhiên, việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt do tham nhũng vẫn còn là điểm yếu, đòi hỏi phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác này.

tham nhũng

Đảng và Nhà nước ta những năm qua đã rất quan tâm chỉ đạo, nhiều vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế lớn đã được đưa ra xét xử, với nguyên tắc “không có ngoại lệ, không có vùng cấm”. Tuy nhiên, tỷ lệ tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt do tham nhũng thu hồi lại được vẫn còn thấp. Cũng vì điều này mà còn nhiều cán bộ sẵn sàng “nhúng chàm”, bởi nếu có bị phát hiện, thì “hy sinh đời bố, củng cố đời con” - tài sản tham nhũng tẩu tán được cũng giúp cho đời con, cháu được “ngồi mát, ăn bát vàng”.

Tỷ lệ tài sản thu hồi được còn thấp

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chính đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở" để "không thể tham nhũng". Kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng...

Theo thông tin từ Hội thảo chuyên đề “Thu hồi tài sản tham nhũng” do Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao tổ chức năm 2020, kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát của thời gian trước năm 2013 ở mức rất thấp, trung bình chỉ đạt khoảng 10% trên tổng số phải thu hồi.

Đến nay, kết quả này đã được nâng lên, bình quân giai đoạn 2013-2020 đạt hơn 32%.

Đặc biệt là hai năm 2019 và năm 2020, khi có sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo; Ban Chỉ đạo đã thành lập 5 Đoàn kiểm tra tại nhiều địa phương, bộ, ngành kiểm tra, đánh giá đầy đủ, toàn diện kết quả thu hồi tài sản, từ đó chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn và chỉ đạo khắc phục. Riêng kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng do Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo năm 2020 thu hồi bằng 61% tổng số đã thu hồi được trước đây.

Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án kinh tế, tham nhũng còn thấp được Ban Bí thư chỉ rõ, nguyên nhân đầu tiên là do nhận thức và trách nhiệm của một số cấp uỷ, tổ chức đảng vẫn còn hạn chế.

Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách, pháp luật trong công tác này còn bất cập. Năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ làm công tác thi hành án dân sự chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và cơ quan thi hành án có lúc, có việc chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao; hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng bị tẩu tán ra nước ngoài còn khó khăn, vướng mắc...

Phải thay đổi từ nhận thức cho đến hành động

Từ những phân tích, đánh giá, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị yêu cầu thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó, việc đầu tiên là yêu cầu chuyển biến từ trong nhận thức.

Ban Bí thư yêu cầu nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Phải xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng. Đồng thời tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng.

Một lần nữa, trách nhiệm của người đứng đầu được yêu cầu nêu cao, khi chỉ thị nêu rõ: Người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác thu hồi tài sản tham nhũng tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình.

Tiếp đó, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế - đây là công việc rất quan trọng, tạo “vòng vây” khép kín về pháp lý, như lời Tổng Bí thư nói tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc, tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020, tổ chức cuối năm 2020, là: Phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng", một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để "không dám tham nhũng" và một cơ chế bảo đảm để "không cần tham nhũng".

Ban Bí thư đã chỉ ra các yêu cầu cụ thể cần rà soát, sửa đổi, nhất là các quy định về trình tự, thủ tục thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt; về cơ chế thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội; cơ chế xử lý tài sản bị kê biên, phong toả; khắc phục những bất cập trong kê biên tài sản, phong toả tài khoản, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản, thành lập, giải thể, phá sản doanh nghiệp.

Cùng với đó, nghiên cứu bổ sung cho thanh tra viên, kiểm toán viên thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế; xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong việc truy nguyên, truy tìm, kê biên tài sản, phong toả tài khoản ngay từ giai đoạn thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử. Hoàn thiện cơ chế tương trợ tư pháp về hình sự để thực hiện tốt công tác phát hiện, xử lý tài sản do phạm tội mà có ở nước ngoài.

Chỉ thị của Ban Bí thư cũng yêu cầu: Khẩn trương hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; quy định của pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt; nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu trong các lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, chuyển nhượng vốn góp, cổ phần để kiểm soát tài sản chặt chẽ, hạn chế việc tẩu tán, che giấu, hợp thức hoá tài sản do phạm tội mà có, tạo thuận lợi cho công tác thu hồi tài sản tham nhũng.

Chống tham nhũng, nhất là trong việc thu hồi tài sản tham nhũng, con người là một yếu tố rất quan trọng. Những con người có năng lực, có đạo đức, có tinh thần trách nhiệm mới có thể đảm nhiệm công tác trong lĩnh vực nhạy cảm, nhiều đụng chạm và trực tiếp “dính” đến tiền bạc, vật chất và nhiều cám dỗ mua chuộc này. Nếu những người chống tham nhũng lại bị đánh gục bởi cám dỗ mà trở thành tội phạm tham nhũng thì vừa mất cán bộ, vừa mất lòng tin trong nhân dân. Bên cạnh việc từng cá nhân, tổ chức làm việc công tâm, rất cần sự phối hợp hiệu quả, sự chia sẻ thông tin chính xác, kịp thời giữa các cơ quan chức năng vì công việc chung.

Nghiên cứu xây dựng cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội

Ngày 31/03/2021, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chỉ đạo giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, đánh giá sâu sắc toàn diện về khả năng xây dựng cơ chế tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội và đề xuất sửa đổi, bổ sung pháp luật có liên quan, với lộ trình, bước đi phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thu hồi tài sản, đặc biệt tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, rửa tiền, đồng thời bảo đảm phù hợp lộ trình đánh giá đa phương về phòng, chống rửa tiền trong giai đoạn tiếp theo của Nhóm châu Á-Thái Bình Dương về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố đối với Việt Nam.

Kim Thanh

Kim Thanh

© Thời báo Tài chính Việt Nam