Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài

15:13 | 11/06/2021 Print
Sáng nay, 11/6, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành địa phương về giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của Chính phủ 5 tháng đầu năm 2021. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà chủ trì hội nghị.

giải ngân

Thứ trưởng Trần Xuân Hà phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Minh

Tiến độ đang rất chậm

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết, tình trạng giải ngân vốn đầu tư nói chung, vốn ODA và vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài nói riêng chậm sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, nhiệm vụ tài chính ngân sách cũng như quan hệ với các đối tác.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Quốc hội, ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều văn bản gửi các bộ, ngành và địa phương đề nghị đẩy nhanh phân bổ vốn đầu tư cho các chương trình dự án, đồng thời khẩn trương nhập phân bổ vào hệ thống TABMIS để kiểm soát chi.

Đồng thời, đề nghị các chủ dự án, ban quản lý dự án phải có khối lượng đầu tư xây dựng hoàn thành điều kiện thanh toán để gửi đơn rút vốn cho nhà tài trợ thực hiện giải ngân theo chế độ quy định.

“Tuy nhiên, với những giải pháp thực hiện từ đầu năm đến nay cho thấy, tình hình giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn vay nước ngoài vẫn chậm nên Bộ Tài chính tổ chức hội nghị này để làm rõ, trao đổi nguyên nhân của vấn đề giải ngân chậm để tìm ra giải pháp thúc đẩy” – Thứ trưởng Trần Xuân Hà nói.

Báo cáo tại hội nghị, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) đánh giá tỷ lệ giải ngân đang rất chậm. Tính đến hết ngày 10/6/2021, số liệu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 nguồn nước ngoài của các bộ, ngành là 1.253 tỷ đồng, đạt 7,53% so với dự toán được giao.

Mặc dù đã có 5/13 bộ, ngành có giải ngân nhưng số giải ngân tập trung chủ yếu ở 2 bộ là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (18,59%), Bộ Giao thông vận tải (14,46%). Đáng lưu ý, có đến 8/13 bộ, ngành đến nay vẫn chưa giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài năm 2021.

Đến nay, Bộ Tài chính mới chỉ nhận được 129 công văn đề nghị rút vốn, đã xử lý 129 đơn rút vốn với thời gian xử lý đơn rút vốn bình quân là 1,5 ngày.

giải ngân
Các bộ, ngành chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc khi triển khai giải ngân vốn. Ảnh: Đức Minh

Cần tích cực, quyết liệt

Chia sẻ tại hội nghị, đại diện Bộ Tài chính cũng như 11 bộ, ngành khác đã nêu ra nhiều nguyên nhân gây chậm, trong đó có cả khách quan và chủ quan.

Về chủ quan, nguyên nhân ảnh hưởng đến giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các bộ, ngành chủ yếu là dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, thậm chí chưa hoàn thành thủ tục đàm phán hoặc chưa ký hiệp định vay nhưng đã được bố trí vốn; dự án đã đề xuất dừng triển khai, nhưng vẫn được bố trí dự toán.

Bên cạnh đó, một số dự án dù đã được bố trí vốn, đã hoàn thành thủ tục đầu tư, nhưng chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư; thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay với các nội dung như gia hạn thời gian thực hiện, giải ngân, điều chỉnh tỷ lệ thanh toán ngoại tệ/nội tệ,...

Nguyên nhân khách quan là do dịch bệnh Covid-19 dẫn đến việc các chuyên gia tư vấn không sang được, các nhà tài trợ cũng gặp nhiều khó khăn trong việc phản hồi dự án dẫn đến ảnh hưởng tiến độ.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Trần Xuân Hà nhấn mạnh: Giải ngân nguồn vốn nước ngoài đạt thấp là vấn đề rất quan ngại.

Từ nay đến cuối năm 2021, Thứ trưởng đề nghị các chủ đầu tư, các Ban Quản lý dự án cần tích cực, quyết liệt triển khai, trong đó có việc hoàn tất các thủ tục đầu tư, triển khai giải phóng mặt bằng, tổ chức đấu thầu, ký hợp đồng, thẩm tra khối lượng hoàn thành, lập hồ sơ thanh toán theo quy định, hoàn lại chứng từ hồ sơ với khoản tạm ứng để ghi thu ghi chi,…

Các cơ quan chủ quản dự án tích cực chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các Ban quản lý dự án trong triển khai kể cả phê duyệt chủ trương, hồ sơ quyết định đầu tư, sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi,… Nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời phản ánh.

Với các vấn đề về cơ chế, chính sách, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo các cấp có thẩm quyền tháo gỡ. Đồng thời cũng sẽ phối hợp với các nhà tài trợ, các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ xử lý các thủ tục.

Mặt khác, để tăng cường giải ngân rút vốn, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Kho bạc Nhà nước và Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại thực hiện theo đúng chế độ quy định. Các hồ sơ thanh toán trước, kiểm soát sau thì thực hiện trong một ngày làm việc, còn đối với những hồ sơ kiểm soát chi thì thực hiện theo đúng quy định, tối đa không quá 3 ngày.

Nếu các bộ, ngành và các cơ quan chủ quản của các chủ dự án thấy khó khăn trong vấn đề kiểm soát chi và rút vốn, thì phản ánh về Bộ Tài chính sẽ có biện pháp xử lý. Đối với sự chậm trễ của các nhà tài trợ trong ý kiến không phản đối, cần phản ánh với nhà tài trợ để có giải quyết phù hợp.

Về phía Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp tháo gỡ khó khăn, trong đó, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin hơn nữa trong giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi; thực hiện tăng cường kiểm soát và rút ngắn thời gian hoàn chứng từ đối với hình thức thanh toán qua tài khoản đặc biệt; tiếp tục hoàn thiện quá trình kiểm soát chi, xử lý đơn rút vốn tại Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước đảm bảo đúng thời hạn quy định; không để tồn đọng hồ sơ mà không có lý do./.

Hồng Vân

Hồng Vân

© Thời báo Tài chính Việt Nam