Đừng là “giải cứu”

09:45 | 11/06/2021 Print
(TBTCVN) - Lần đầu tiên có một địa phương lên tiếng về việc họ không muốn dùng hai từ “giải cứu”, đó là Bắc Giang.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Trong công văn mới đây gửi Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị hỗ trợ thông tin, tuyên truyền tiêu thụ nông sản của tỉnh, UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị không dùng từ "giải cứu" trong các tin, bài, phóng sự… khi tuyên truyền về việc tiêu thụ nông sản nói chung và vải thiều nói riêng.

Theo UBND tỉnh Bắc Giang, trên thực tế, sau khi có các tin, bài, phóng sự có từ "giải cứu", giá các mặt hàng nông sản của tỉnh đều giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, thu nhập của người nông dân. Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nêu quan điểm: “Dư luận xã hội cho rằng nông nghiệp cần “giải cứu” là chưa đúng. Chúng ta đừng bao giờ dùng từ “giải cứu nông sản” vì nó sinh ra nhiều chuyện lôi thôi, làm giảm giá trị kinh tế, làm thương tổn người nông dân. “Giải cứu” mang tính chất thương cảm chứ chưa chú trọng đến công sức của bà con nông dân”. Ông Hoan nhìn nhận, để xóa bỏ suy nghĩ này, ngành nông nghiệp và các địa phương cần hành động cụ thể hơn.

Từ phía địa phương, khi không muốn nhận hai từ “giải cứu”, không phải là họ không muốn nhận hỗ trợ, mà là muốn có sự hỗ trợ để quật cường vươn lên chứ không phải duy trì sự tồn tại nhờ lòng trắc ẩn. Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, ông Dương Văn Thái cho biết, từ 20/6 trở đi bắt đầu vào mùa vải chính vụ và trong 1 tháng, Bắc Giang sẽ phải tiêu thụ khoảng 140.000 tấn. Địa phương hiện đã sẵn sàng 3 kịch bản tiêu thụ vải thiều ứng với các cấp độ diễn biến khác nhau của dịch Covid-19.

Dẫu rất áp lực trong tiêu thụ vải thiều chính vụ tới đây trong bối cảnh ảnh hưởng dịch Covid-19 thiếu nhân công thu hoạch, đóng gói, thiếu cả xe container vận chuyển, nhưng ông Thái khẳng định vẫn phải dốc lực để giữ gìn thương hiệu. Vải thiều Bắc Giang là nông sản đặc sản, hiện đã được xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới, vào được cả những thị trường khó tính nhất thế giới như Nhật Bản.

Sự quật cường vươn lên của các địa phương thời đại dịch, đang mang lại gam màu sáng, niềm lạc quan cho bức tranh chung đầy âu lo. Tại Hải Dương, nơi tháng 2 còn ngập tràn trong khó khăn vì dịch bệnh, đến mùa hè này, mặc dù chưa hết vụ nhưng tính đến thời điểm này, số lượng quả vải xuất khẩu được sang thị trường khó tính đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Đến ngày 2/6, toàn tỉnh đã thu hoạch được khoảng 30.000 tấn vải sớm, chiếm 90% sản lượng vải sớm và 55% lượng vải của toàn tỉnh. Hơn 17.000 tấn được xuất khẩu sang Trung Quốc, Lào, Campuchia; 8.000 tấn được phân phối cho các chợ đầu mối lớn trên cả nước; gần 3.000 tấn cung cấp cho chuỗi cửa hàng tiện ích, siêu thị; gần 2.000 tấn vải xuất khẩu sang thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, EU, Australia; gần 200 tấn bán qua sàn thương mại điện tử...

Tại tâm “bão” Bắc Ninh, mặc dù tình hình còn rất nóng, hàng trăm doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn quyết tâm duy trì sản xuất, triển khai cho người lao động ở, ăn và làm việc tại nhà máy theo Kết luận số 56 của UBND tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh đã quyết định thành lập 40 tổ công tác kiểm tra, hướng dẫn điều kiện an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong các khu công nghiệp và các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, kiểm tra, hướng dẫn các doanh nghiệp bố trí, sắp xếp đảm bảo đưa các hạng mục phục vụ chỗ ở tạm cho người lao động, vừa cách ly, vừa đi làm, đồng thời nhằm kéo giãn mật độ lưu trú của công nhân lao động trong các khu dân cư, giảm nguy cơ lây nhiễm…

Quảng Ninh, vừa gồng mình chống dịch, vừa hối hả chi viện cho các địa phương cùng chống dịch, trong 5 tháng đầu năm nay, chỉ thông qua hình thức tiếp xúc, thu hút đầu tư trực tuyến, tổng vốn thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế của tỉnh vẫn đạt gần 18.500 tỷ đồng; trong đó cấp mới cho 9 dự án, tổng vốn đăng ký gần 18.000 tỷ đồng, điều chỉnh tăng vốn cho 4 dự án với số vốn đầu tư tăng thêm trên 600 tỷ đồng…

Nguyên Mẫn

Nguyên Mẫn

© Thời báo Tài chính Việt Nam