Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: “Chính sách tài chính phải khơi thông nguồn lực, thúc đẩy sự phát triển”

10:31 | 04/06/2021 Print
(TBTCVN) - Ngày 2/6/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã chủ trì cuộc làm việc với các đơn vị trong khối thị trường tài chính thuộc Bộ. Thị trường tài chính có vai trò quan trọng trong huy động và phân bổ các nguồn vốn, do đó Bộ trưởng đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng thể chế.

Theo Bộ trưởng, chính sách tài chính phải làm cho “Tài chính nhà nước, tài chính doanh nghiệp và tài chính dân cư mạnh lên. Chính sách phải đảm bảo thị trường tài chính phát triển bền vững, khơi thông nguồn lực và thúc đẩy sự phát triển”.

“Chính sách phải đi trước đón đầu, không chạy theo bị động”

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính, như: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Cục Tài chính doanh nghiệp,… đã báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ thời gian qua và những vấn đề đặt ra trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc lưu ý các đơn vị bên cạnh việc tập trung hoàn thiện chính sách pháp luật, cần phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bộ trưởng cũng gợi mở một số định hướng lớn, các đơn vị cần “đi trước đón đầu” để không bị động trong công tác quản lý. Đối với các vấn đề “nóng” là tồn tại, hạn chế, người đứng đầu ngành Tài chính tỏ thái độ kiên quyết, ông nói: “phải khắc phục, phải làm hết sức quyết liệt và dùng biện pháp mạnh”.

Trên thực tế, thời gian qua, thị trường tài chính Việt Nam đã cơ bản được hình thành với đầy đủ các cấu phần và ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong huy động và phân bổ các nguồn vốn. Đặc biệt, trong giai đoạn 2011 - 2020, thị trường tài chính Việt Nam đã phát triển vượt bậc về cả chất và lượng, bảo đảm tốt chức năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng, phục vụ hiệu quả tái cấu trúc nền kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc. Ảnh: Đức Minh

Chính vì vậy, việc hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực này được người đứng đầu ngành Tài chính đặc biệt quan tâm. Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Bộ trưởng nhấn mạnh, “Bộ Tài chính là Bộ ban hành chính sách, chính sách ban hành phải đạt mục tiêu tài chính nhà nước, tài chính doanh nghiệp và tài chính dân cư mạnh lên. Cho nên, chính sách phải khơi dậy nguồn lực và thúc đẩy sự phát triển, giải quyết các vướng mắc, vượt mọi rào cản”.

Đối với các đơn vị, một điểm đáng chú ý được Bộ trưởng đặc biệt quan tâm đó là công tác xây dựng thể chế. Theo Bộ trưởng, “đây chính là một dòng chảy chính, là 1 trong 3 đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 đã xác định”. Đi trước, đón đầu trong xây dựng chính sách, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, các đơn vị cần phải nghiên cứu một số vấn đề mới, dự báo được các vấn đề sẽ nảy sinh trong thời gian tới “để chủ động trong điều hành, tránh bị động chạy theo”.

Đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế

Đánh giá cao sự phát triển nhanh, mạnh của thị trường chứng khoán (TTCK), Bộ trưởng cho rằng, TTCK những năm vừa qua đã tăng rất nhanh trên cả 3 lĩnh vực là cổ phiếu, trái phiếu và thị trường phái sinh. “Điều này đòi hỏi chúng ta phải vươn lên trong công tác quản lý, cả về năng lực, phương tiện mới đáp ứng được nhu cầu thực tiễn”, Bộ trưởng lưu ý.

Tuy nhiên, đối với việc nghẽn lệnh vừa qua, Bộ trưởng đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải đặc biệt quan tâm, “phải khắc phục, phải làm hết sức quyết liệt và dùng biện pháp mạnh”, bởi vì, “ách tắc là thiệt hại”.

Trong công tác quản lý lĩnh vực chứng khoán, Bộ trưởng nhấn mạnh, công tác quản lý nhà nước đã tương đối tốt, từ hoàn thiện thể chế, giám sát hoạt động đến điều hành linh hoạt. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng thao túng giá, giả mạo giấy tờ, vi phạm trong hợp đồng, do đó cần tập trung thanh tra, kiểm tra, giám sát. Theo Bộ trưởng, TTCK và thị trường tiền tệ gắn liền với nhau, do đó, trong quản lý điều hành, phải hạn chế tác động tiêu cực khi chính sách được ban hành, đảm bảo cân đối tài chính, cũng như các cân đối lớn trong nền kinh tế.

Bộ trưởng gợi ý một số vấn đề, như: công tác quản lý tiền ảo; lập sàn giao dịch vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phát hành trái phiếu xanh; công trái xây dựng tổ quốc để huy động nguồn tiền nhàn rỗi trong dân…, các đơn vị cần phải tập trung nghiên cứu, đề xuất để chủ động trong chỉ đạo điều hành. Công tác thanh kiểm tra, giám sát thị trường tài chính cũng là vấn đề được Bộ trưởng lưu tâm, nhất là tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong quản lý, giám sát, như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công an…

Đối với quản lý lĩnh vực xổ số kiến thiết và trò chơi có thưởng, Bộ trưởng đề nghị cần quản lý chặt chẽ, gắn với phát triển du lịch, tránh phát sinh tệ nạn xã hội và theo như lời Bộ trưởng, “đây phải coi là mục tiêu cao nhất”.

Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh, trong công tác quản lý, phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới quản trị dựa trên quản lý dữ liệu lớn, tạo điều kiện cho công tác quản lý hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.

Thẳng thắn và quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện, người đứng đầu ngành Tài chính lưu ý các đơn vị: “Nhiệm vụ phải cụ thể, phải nêu cao chủ động, quyết liệt, nếu ai không chủ động, ì ạch thì đứng sang một bên. Các đơn vị phải đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ, đưa cán bộ giỏi, tâm huyết, năng động để thực hiện nhiệm vụ”.

* Thị trường chứng khoán tăng mạnh, nhưng vẫn còn rủi ro

Duy trì đà tăng trong năm 2020, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tiếp tục tăng mạnh từ đầu năm 2021 tới nay, với mức tăng 20,3%, đạt mức cao nhất trong lịch sử cả về quy mô, thanh khoản và điểm số.

Sự tăng điểm của TTCK nhờ việc Việt Nam đã hoàn thành được mục tiêu kép, trong đó, kinh tế năm 2021 được đánh giá là có cơ hội phục hồi cao. Cùng với đó, lãi suất tiết kiệm thấp đã góp phần tăng sức mua trên thị trường. Mặt khác, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp rất khả quan, riêng năm 2020 ghi nhận 87,1% doanh nghiệp báo lãi. Bên cạnh đó, hầu hết TTCK thế giới đã tăng điểm và hồi phục tích cực cũng góp phần hỗ trợ cho đà tăng của TTCK trong nước.

Mặc dù vậy, TTCK cũng đối diện với một số khó khăn, thách thức, đặc biệt là sau quá trình tăng trưởng rất mạnh vừa qua. Triển vọng tăng trưởng của TTCK vẫn phụ thuộc lớn vào diễn biến của dịch Covid-19 và sức phục hồi nền kinh tế trong nước, thế giới. Đồng thời, căng thẳng thương mại và sự phục hồi của chuỗi cung ứng toàn cầu cũng là một rủi ro lớn có thể tác động tiêu cực tới TTCK. Ngoài ra, sức cầu của thị trường, đặc biệt là sức mua của khối nội cần đủ lớn để giữ đà cho nhịp tăng trưởng, trong bối cảnh khối ngoại bán ròng mạnh.

* Tạo môi trường công khai, minh bạch cho thị trường bảo hiểm

Thời gian qua, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Tài chính xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm, góp phần tạo khuôn khổ pháp lý minh bạch, vững chắc cho thị trường bảo hiểm trong nước, phù hợp với các cam kết quốc tế, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp bảo hiểm. Nhờ đó, thị trường bảo hiểm duy trì được đà tăng trưởng tích cực.

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng đã tăng cường giám sát chất lượng dịch vụ bảo hiểm; đẩy mạnh công tác giám sát từ xa và thanh tra tại chỗ, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp bảo hiểm để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Nghẽn lệnh - dự kiến xử lý triệt để vào cuối tháng 6, đầu tháng 7

Từ cuối 12/2020, hệ thống giao dịch tại HOSE ghi nhận hiện tượng nghẽn lệnh, do thanh khoản tăng trưởng quá nhanh trong khi năng lực xử lý của hệ thống có giới hạn. Bộ Tài chính đã thành lập Ban Chỉ đạo xử lý sự cố nghẽn lệnh giao dịch và chỉ đạo triển khai đồng bộ 3 giải pháp.

Thứ nhất, các giải pháp cấp bách làm giảm nghẽn như: tăng lô giao dịch từ 10 lên 100; chuyển niêm yết tự nguyện; dừng niêm yết mới tại HOSE; cải tiến kỹ thuật để tăng năng lực hệ thống. Thứ hai, giải pháp kỹ thuật xử lý sự cố do FPT thực hiện: Dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 6, đầu tháng 7/2021 sẽ xử lý được triệt để hiện tượng nghẽn lệnh. Thứ 3, đẩy nhanh tiến độ dự án KRX: Đến nay đã lắp đặt xong phần cứng, cài đặt phần mềm, chuẩn bị sang giai đoạn kiểm thử và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2021.

Minh Anh - Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam