Đảm bảo nguồn kinh phí để mua vaccine phòng Covid-19

20:28 | 03/06/2021 Print
Tới đây, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ khai trương và phát động các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ Quỹ vaccine, góp phần cùng NSNN đảm bảo đủ nguồn kinh phí để mua vaccine phòng COVID-19.

TXT

Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn phát biểu tại cuộc họp báo.

Chiều 3/6, tại cuộc họp báo thường kỳ của Văn phòng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn đã trả lời câu hỏi của phóng viên về Quỹ vaccine phòng Covid-19.

Theo Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn, vấn đề tiêm vaccine để phòng chống dịch rất quan trọng, nguồn kinh phí để mua vaccine cũng như để tiêm vaccine rất lớn. Theo tính toán sơ bộ của Bộ Y tế, chi phí mua và tiêm vaccine khoảng 25.000 tỷ đồng. Ngoài ra còn phải tiêm nhắc lại hằng năm. Quan điểm của Đảng và Nhà nước là sẽ dùng nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp thông qua xã hội hoá để mua và tiêm vaccine cho nhân dân.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Quỹ Vaccine phòng Covid-19. Ngay sau đó, Bộ Tài chính cũng có quyết định thành lập Ban Quản lý Quỹ, cũng như có thông tư hướng dẫn về cơ chế quản lý Quỹ đảm bảo công khai, minh bạch, rõ ràng.

Liên quan đến huy động nguồn Quỹ, Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn cho biết số dư của Quỹ hiện là gần 104 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã được các đơn vị tài trợ khoảng 1.000 tỷ đồng và sẽ chuyển vào Quỹ. Bộ Tài chính cũng đang tích cực làm việc với các đơn vị liên quan, như các doanh nghiệp thuộc Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cam kết ủng hộ cho Quỹ hơn 2.000 tỷ đồng.

Tới đây, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ khai trương và phát động các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ Quỹ vaccine. "Chúng tôi cũng đã làm việc với Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng như các bộ, ngành liên quan như Bộ Thông tin và truyền thông để ủng hộ Quỹ vaccine bằng nhiều hình thức đơn giản và thuận tiện nhất, góp phần cùng ngân sách nhà nước đảm bảo đủ nguồn kinh phí để chúng ta mua vaccine phòng, chống dịch COVID-19", Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn cho hay.

Cũng tại cuộc họp báo, phóng viên cũng đặt câu hỏi về việc tiến độ cổ phần hóa chậm, không đạt kế hoạch.

Về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra mục tiêu tiếp tục thực hiện, sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước và tập trung giữ vững những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, những địa bàn quan trọng về quốc phòng-an ninh, những lĩnh vực thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư, củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế Nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.

Căn cứ chủ trương của Đảng, hiện nay Thủ tướng Chính phủ đang giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng những tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước để làm cơ sở cổ phần hoá, thoái vốn cho các doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 theo hướng tổng kết giai đoạn trước, những gì làm tốt sẽ tiếp tục phát huy, những tồn tại, hạn chế sẽ khắc phục. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu tiêu chí sắp xếp doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá và thoái vốn, với tinh thần để các doanh nghiệp mạnh hơn, hoạt động hiệu quả hơn.

Dương An

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam