AMRO: Tăng trưởng của Việt Nam sẽ phục hồi ở mức 7% trong năm 2021

17:08 | 19/05/2021 Print
Theo Báo cáo Tham vấn thường niên về Việt Nam năm 2020 do Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN + 3 (AMRO) công bố hôm nay, tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi ở mức 7% vào năm 2021 chủ yếu nhờ vào nỗ lực ngăn chặn đại dịch COVID-19 của đất nước.

amro

Dự báo một số chỉ số vĩ mô của Việt Nam qua các năm. Nguồn: AMRO

Lạm phát được dự báo vẫn ổn định ở mức 3,2%

Phân tích về những diễn biến gần đây của kinh tế Việt Nam và triển vọng, báo cáo cho biết, sau khi sụt giảm mạnh trong quý II/2020, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi trong nửa cuối năm với mức tăng trưởng cả năm đạt 2,9%. Đặc biệt, sản lượng sản xuất của Việt Nam tiếp tục được mở rộng nhờ xuất khẩu tăng mạnh và sự lan tỏa tích cực từ quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự phục hồi kinh tế dự kiến sẽ tiếp tục nhờ vào sự gia tăng tiêu dùng trong nước sau khi nới lỏng các hạn chế di chuyển và tăng tốc giải ngân đầu tư công.

Xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đang chững lại nhưng được bù đắp bởi nhu cầu tăng mạnh đối với các sản phẩm điện tử, đồ nội thất và đồ gỗ. Cơ cấu xuất khẩu tương đối đa dạng dẫn đến sự phục hồi mạnh mẽ của khu vực xuất khẩu và làm tăng thặng dư tài khoản vãng lai. Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh đã thúc đẩy thặng dư cán cân thanh toán, góp phần tích lũy thêm dự trữ ngoại hối.

Với những triển vọng tích cực cũng như thành công nhất định trong ngăn chặn Covid-19, AMRO dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi ở mức 7% vào năm 2021 và 6,8% vào năm 2022. Lạm phát được dự báo vẫn ổn định, duy trì ở mức 3,2% trong nay và năm sau. Xuất khẩu cũng được dự báo tiếp tục tăng trưởng và có thể đạt ở mức 318,9 tỷ USD trong năm 2021.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng, các rủi ro chính bên ngoài và trong nước chủ yếu xuất phát từ những bất định do đại dịch tiếp tục diễn biến phức tạp. Sự phục hồi chậm chạp và không đồng đều của kinh tế toàn cầu có thể ảnh hưởng tới sự phục hồi của nhu cầu từ bên ngoài. Trong khi nhu cầu trong nước đã tăng lên, việc phục hồi vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi nguy cơ những làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới. Hơn nữa, những “vết sẹo kinh tế” lâu dài do đại dịch, chẳng hạn như tác động đến việc làm và khủng hoảng tài chính của khu vực doanh nghiệp, có thể làm suy yếu sức mạnh của sự phục hồi.

Rủi ro trong lĩnh vực tài chính có thể phát sinh do tác động của các biện pháp đại dịch Covid-19 đối với chất lượng tài sản. Bất chấp những nỗ lực của các ngân hàng trong việc tái cơ cấu khoản vay, chất lượng tài sản của các ngân hàng này có thể sẽ tiếp tục xấu đi và làm xói mòn vùng đệm vốn tương đối mỏng của họ. Hơn nữa, chính sách của Ngân hàng Nhà nước cho phép hoãn phân loại nợ theo quy định với khoản vay bị ảnh hưởng bởi đại dịch khiến việc đánh giá chất lượng cho vay của các ngân hàng trở nên khó khăn.

Tiếp tục các chính sách hỗ trợ có mục tiêu

Báo cáo cho rằng, trong bối cảnh triển vọng tích cực dựa trên nhu cầu bên ngoài mạnh mẽ, nền kinh tế trong nước phục hồi và dòng vốn đầu tư ổn định, tiếp tục chính sách hỗ trợ vẫn là yếu tố cần thiết để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế.

Theo AMRO, với triển vọng tăng trưởng không chắc chắn, chính sách tài khóa cần tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế, thậm chí có thể tiếp tục cân nhắc một gói kích thích kinh tế mới để hỗ trợ sự phục hồi này. Việc hỗ trợ có mục tiêu cho các hộ gia đình có thu nhập thấp và các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa cần được tiếp tục và thường xuyên được xem xét về mức độ phù hợp và hiệu quả của các chính sách này. Việc giải ngân các chương trình hỗ trợ một cách có mục tiêu và phù hợp sẽ giúp tạo điều kiện sử dụng hiệu quả các nguồn vốn của Chính phủ. Ngoài ra, điều quan trọng là phải đảm bảo tiếp tục thực hiện chương trình đầu tư công.

Với triển vọng lạm phát ổn định, chính sách tiền tệ nên tiếp tục hỗ trợ cho sự phục hồi kinh tế. Việc mở rộng phạm vi giãn nợ sắp tới sẽ giúp giảm bớt áp lực cho những người đi vay bị ảnh hưởng. Các điều kiện về giá tài sản và đòn bẩy cần được theo dõi chặt chẽ và cân nhắc trong việc xác định thời điểm và cách thức điều chỉnh các chính sách.

Các chuyên gia AMRO nhấn mạnh, cải cách cơ cấu cần được đẩy mạnh để thúc đẩy phục hồi kinh tế và đảm bảo một con đường phát triển bền vững. Với việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đang chậm lại trong những năm gần đây, việc giải quyết các thách thức mang tính cấu trúc là rất quan trọng để cải thiện năng suất và tăng cường tiềm năng tăng trưởng.

Cũng theo AMRO, Việt Nam cần đẩy mạnh nỗ lực phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước nhằm tăng cường sự tham gia và nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Cuối cùng, điều cần thiết là phải cung cấp hỗ trợ liên tục cho các lĩnh vực phát triển dài hạn trong khi quản lý cẩn trọng các rủi ro đối với tính bền vững tài khóa.

Báo cáo được thực hiện dựa trên tham vấn thường niên của AMRO cho Việt Nam và dữ liệu và thông tin có sẵn đến ngày 11/02/2021.

Thảo Miên

Thảo Miên

© Thời báo Tài chính Việt Nam