Tài chính quốc gia phải lấy dân làm gốc

14:46 | 19/05/2021 Print
Phải xây dựng nền tài chính nước ta dồi dào, trên cơ sở tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, phát triển sản xuất với phương châm lấy dân làm gốc - đó chính là tư tưởng chủ đạo về tài chính quốc gia của lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh.

bac ho

Bác Hồ đi thăm, động viên công nhân sản xuất. Ảnh: TL

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, hai nhiệm vụ phát triển sản xuất và thực hành tiết kiệm phải luôn luôn gắn kết, song hành. Bởi nếu tăng gia sản xuất mà lại chi tiêu hoang phí thì “có khác nào gió vào nhà trống”. Bác đề ra: Phải tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân đóng góp tiền tài, vật lực để tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế phục vụ kháng chiến, kiến quốc, giải quyết đời sống nhân dân.

Bác căn dặn: “Cán bộ khéo lãnh đạo và thiết thực giúp đỡ đồng bào tăng gia sản xuất và tiết kiệm thì dân sẽ no ấm, mọi việc làm trôi chảy, thuế má dễ thu, tài chính dồi dào, dân no thì nước giàu, dân giàu thì nước thịnh”. Phải thực hiện khẩu hiệu: “Tự lực cánh sinh dựa vào sức mạnh là chính; nhằm đảm bảo đủ no, đủ ấm cho toàn dân, đủ nuôi cán bộ, bộ đội ăn no, đánh thắng kẻ thù”.

Trong suốt chặng đường xây dựng, trưởng thành và phát triển, ngành Tài chính Cách mạng Việt Nam đã ghi nhận rất nhiều những công lao, cống hiến và đóng góp của các bậc lão thành cách mạng, của lớp lớp cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính, xứng đáng với 8 chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dành tặng “Cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư”. Hôm nay, nhớ lại những lời dạy của Bác Hồ, một lần nữa những người làm tài chính lại càng thấm thía hơn sự sáng suốt và ân tình Người đã dành cho những cán bộ ngành Tài chính.

Trong công tác tổ chức quản lý tài chính, quan điểm cơ bản của Bác là: Tài chính phải thống nhất và phải nắm vững nguyên tắc thống nhất quản lý tài chính, quy định chặt chẽ kỷ luật thu-chi. Bác thấu hiểu, trong công cuộc xây dựng nước nhà, việc quản lý kinh tế - tài chính là cực kỳ quan trọng. Ngay từ những ngày đầu kháng chiến, Bác đã có tầm nhìn xa trông rộng: “Phải ra sức nghiên cứu sớm và kiên quyết thực hiện việc cải tiến quản lý kinh tế - tài chính cho phù hợp với hoàn cảnh chiến tranh hiện nay, hợp với hướng tiến lên phía sau”.

Bác thường căn dặn cán bộ: “Đã tích lũy được vốn, phải biết quản lý đồng vốn, phải biết sử dụng đồng tiền, phải biết tiết kiệm chi tiêu để làm tăng thêm của cải cho xã hội. Cần phải dùng nhiều phương pháp để giữ gìn cho tiền bạc của chúng ta khỏi lãng phí, bị phân tán, bị dùng vào việc ngoài công việc xây dựng cơ bản”. Người nói rõ: “Làm ra nhiều, chỉ dùng ít, không cần thì không chi dùng, đó là chính sách tài chính của ta”.

Trong hoàn cảnh đất nước còn nghèo, nhiều nhiệm vụ phải chi tiêu, Bác kêu gọi: Các ngành, các cấp phải nắm vững và thực hiện tốt nguyên tắc quản lý tài chính, tìm mọi biện pháp tăng thu, giảm chi và quy định chặt chẽ kỷ luật thu chi.

Rèn luyện phẩm chất, năng lực cán bộ

Bác còn chỉ dẫn: “Phải khéo tính toán chi tiêu tiền bạc cho hợp lý, đó là một nghệ thuật quan trọng, nghệ thuật ấy không phải là dễ, các cán bộ ta chưa thông thạo nghệ thuật ấy, thậm chí còn rất kém, cần thừa nhận sự kém cỏi ấy để học tập, sửa chữa…”.

Rèn luyện phẩm chất đạo đức “cần, kiệm, liêm, chính” cho cán bộ hoạt động tài chính ở mọi lĩnh vực là điều Bác rất quan tâm. Người căn dặn đội ngũ cán bộ làm công tác tài chính một cách rất hình ảnh, dễ hiểu, dễ nhớ và thấm thía, rằng: “Tham ô, lãng phí, quan liêu là bạn đồng minh của thực dân, phong kiến, nó là kẻ thù của chúng ta, một loại kẻ thù không mang gươm, mang súng nhưng rất nguy hiểm, trộm cắp tiền bạc của nhân dân, tổn hại kinh tế của chính phủ, cũng là mật thám, phản quốc, nên việc đấu tranh chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như đánh giặc trên mặt trận”.

Đã bao năm trôi qua, những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn khắc sâu trong tâm khảm các thế hệ sau này, nhất là với những người làm công bộc của dân, hàng ngày hàng giờ tiếp xúc với tiền bạc: “Cán bộ, Đảng viên phải giữ vai trò tiên phong, gương mẫu trước quần chúng, ra sức rèn luyện đạo đức, thực hiện: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, không xâm phạm một đồng xu, một hạt thóc của Nhà nước, của nhân dân, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng thì chắc chắn cuộc vận động chống tham ô, lãng phí, quan liêu sẽ thành công”.

Cả cuộc đời Bác chính là tấm gương mẫu mực, cần kiệm liêm chính, là biểu tượng đẹp nhất của một con người hết lòng vì nước, vì dân đến tận hơi thở cuối cùng./.

Vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách gắn liền với các thời kỳ lịch sử của đất nước, ngành Tài chính Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành và phát triển, đóng góp quan trọng trong việc đảm bảo các nhu cầu tài chính cho Nhà nước và nhân dân giành thắng lợi hoàn toàn trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược.

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chính phủ, ngành Tài chính ngày nay đã đảm bảo xây dựng được nền tài chính quốc gia bền vững, ngày càng hiện đại. Những năm gần đây, nền tài chính quốc gia tiếp tục có những bước phát triển quan trọng, toàn diện ở tất cả các khâu, các lĩnh vực, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội của đất nước. Ngành Tài chính, bên cạnh rất nhiều những công việc gánh vác trọng trách của quốc gia, vẫn luôn chú ý đưa ra những chính sách khoan thư sức dân, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo triệt để tiết kiệm, chống lãng phí; chú trọng rèn luyện đội ngũ cán bộ công chức “vừa hồng, vừa chuyên”…

Kim Thanh

Kim Thanh

© Thời báo Tài chính Việt Nam