TP. Hồ Chí Minh kiến nghị 5 nhóm vấn đề với Thủ tướng Chính phủ

15:38 | 13/05/2021 Print
Từ kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chính quyền TP. Hồ Chí Minh đã đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo giải quyết một số khó khăn, vướng mắc vượt quá thẩm quyền của thành phố, với 5 nhóm đề xuất kiến nghị trọng tâm.

thu tuong pham minh chinh

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh Đỗ Doãn

>> Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với TP. Hồ Chí Minh, giải quyết những vấn đề trọng tâm, cấp bách của Thành phố

>> 3 kiến nghị phát triển Thành phố Thủ Đức

Ngày 13/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với chính quyền TP. Hồ Chí Minh nhằm giải quyết một số vấn đề trọng tâm, cấp bách, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc lớn để thành phố tiếp tục phát triển mạnh mẽ, bền vững.

Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Thủ tướng cho biết, đây là buổi làm việc đầu tiên của Thủ tướng trên cương vị mới với một địa phương trên cả nước, sau khi Chính phủ được kiện toàn nhân sự.

Để chuẩn bị cho buổi làm việc này, Thường trực Chính phủ và các thành viên Chính phủ đã nghiên cứu, thảo luận về báo cáo, đề xuất của Thành phố. Thủ tướng yêu cầu, cuộc họp có rất nhiều nội dung đòi hỏi chất lượng cao, thời gian lại có hạn, do đó, các đại biểu phải tập trung trí tuệ để cùng bàn bạc, tập trung vào các vấn đề trọng tâm. Thủ tướng cũng lưu ý, thành phố phải tiếp tục tập trung cao độ cho công tác phòng chống Covid-19.

Nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết

Tại buổi làm việc, ngoài việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả phát triển kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh 4 tháng đầu năm, các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng nêu những khó khăn vướng mắc mà TP. Hồ Chí Minh phải đối mặt, tác động lớn đến sự phát triển nhanh hơn, bền vững hơn của thành phố.

Đó là sự quá tải về hạ tầng kinh tế - xã hội đang ngày càng gia tăng. Hệ thống giao thông kết nối liên vùng còn rất hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển cũng như vị thế trung tâm liên kết của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bên cạnh đó, các công trình văn hóa dù được Thành phố quan tâm nghiên cứu, xây dựng đề án, thiết kế... nhưng không đủ nguồn lực để hiện thực hóa.

TP. Hồ Chí Minh còn là địa phương có tỷ lệ đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước (khoảng 27%) nhưng tỷ lệ tổng chi ngân sách trên tổng thu ngân sách trên địa bàn thấp nhất cả nước (từ năm 2017 chỉ còn 18%), trong khi nhu cầu vốn để chi đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và nhu cầu kinh phí để đảm bảo các chính sách, chế độ ngày càng tăng cao.

toan canh
Toàn cảnh buổi làm việc đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính với chính quyền TP. Hồ Chí Minh. Ảnh Đỗ Doãn

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cũng nêu một số khó khăn khác của địa phương như thu hút đầu tư nước ngoài chưa vượt trội, quy mô doanh nghiệp (DN) chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ chiếm gần 98%; năng suất lao động cao nhưng tỷ lệ sinh thấp ảnh hưởng đến nguồn nhân lực trong tương lai; tốc độ đô thị hóa nhanh tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh, trật tự an toàn xã hội với nhiều loại tội phạm…

“Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp và luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các làn sóng lây nhiễm mới, trong khi kinh tế thành phố có độ mở lớn, chịu sự tác động mạnh của đại dịch Covid-19 nên việc phòng, chống dịch luôn đòi hỏi phải tập trung cao độ từng ngày, từng giờ, từng phút, bởi nếu sơ suất, chủ quan, lơ là, hậu quả sẽ rất nặng nề” – Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nói.

Tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách lên 23%

Từ kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm và những khó khăn, thách thức mà thành phố đang phải đối mặt, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đã đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo giải quyết một số khó khăn, vướng mắc vượt quá thẩm quyền giải quyết của Thành phố.

Nội dung đề xuất kiến nghị được cô đọng lại thành 5 nhóm vấn đề trọng tâm gồm: Nhóm về phân cấp, phân quyền cho TP. Hồ Chí Minh; nhóm kiến nghị về khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội (4 kiến nghị); nhóm đề xuất về đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; nhóm kiến nghị liên quan đến thành phố Thủ Đức (3 kiến nghị) và nhóm kiến nghị về quản lý đô thị (6 kiến nghị).

Trong các nhóm đề xuất, kiến nghị được Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nêu ra, có nhóm vấn đề liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội, mà cụ thể là việc điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong trình bày, TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng Đề án “Điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2022 - 2025”, tổ chức trên 30 cuộc họp và xây dựng trên 12 kịch bản tỷ lệ điều tiết theo phương pháp nghiên cứu khoa học.

Kết quả dựa trên chuỗi số liệu từ các kịch bản cho thấy, phương án điều chỉnh tỷ lệ điều tiết là 23% cho giai đoạn 2022 - 2025 đã cho kết quả tối ưu, đảm bảo đáp ứng được tất cả các tiêu chí, đặc biệt là tiêu chí số thu ngân sách chuyển nộp về Trung ương tăng so với trường hợp Trung ương vẫn giữ nguyên tỷ lệ điều tiết 18% cho ngân sách thành phố. Thành ủy TP. Hồ Chí Minh cũng đã có Tờ trình kiến nghị Bộ Chính trị chấp thuận chủ trương điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố giai đoạn 2022 - 2025 là 23%.

“Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ủng hộ chủ trương và quan tâm, chỉ đạo bộ, ngành chủ trì phối hợp với thành phố và các cơ quan liên quan hoàn chỉnh đề án này, hoàn thiện tờ trình của Chính phủ trình cấp có thẩm quyền thông qua đề án trong năm 2021, nhằm tăng thu ngân sách chuyển cho Trung ương và tạo tiền đề để TP. Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững” – ông Nguyễn Thành Phong nói.

Thành phố cần chuyển từ thế phòng ngự sang thế tấn công

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các kiến nghị, sự chuẩn bị của TP. Hồ Chí Minh đi đúng với những vấn đề thành phố đang cần tháo gỡ, thể hiện trách nhiệm cao. Thủ tướng cho rằng, với vị trí, vai trò hết sức quan trọng về chính trị, kinh tế, quân sự, an ninh quốc phòng, xã hội... không chỉ đối với khu vực miền Nam mà đối với cả nước, TP. Hồ Chí Minh phải tạo ra động lực mới, phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa để đạt được những kết quả tích cực hơn trên tất cả các lĩnh vực, xứng tầm là một trung tâm kinh tế lớn của cả nước.

Về nâng mức điều tiết ngân sách theo đề nghị của thành phố, Thủ tướng Chính phủ cho biết, tinh thần là ủng hộ tối đa, nhằm phục vụ cho mục tiêu thực hiện 3 đột phá chiến lược của thành phố. Thủ tướng cũng đề nghị TP. Hồ Chí Minh cơ cấu lại nền kinh tế; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội, đặc biệt là nhóm người yếu thế, bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19; quan tâm đến nhiệm vụ cải cách hành chính với những mô hình hay, cách làm hiệu quả…

Mặc dù còn nhiều thách thức, nhiều khó khăn vướng mắc phải đối mặt nhưng TP. Hồ Chí Minh vẫn là thành phố đổi mới sáng tạo và những việc làm của thành phố thời gian qua là những việc làm rất có ý nghĩa. Trong quá trình làm, có mâu thuẫn thì phải giải quyết, có mắc sai lầm thì phải xử lý, nhưng tựu chung lại TP. Hồ Chí Minh đang đi đúng hướng, đang tích cực làm tốt những chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và vai trò của mình.

Thủ tướng cũng nêu ra những hạn chế lớn của thành phố, trong đó hạn chế lớn nhất là chưa thật sự xứng tầm với vai trò, vị thế, cơ hội, tiềm năng nổi trội cho sự khác biệt của một thành phố như TP. Hồ Chí Minh.

"Nói như thế không phải để tự ti mà là tạo ra động lực mới để phấn đấu hơn nữa, cao hơn nữa... Tôi yêu cầu sau phiên buổi làm việc này, thành phố cần chuyển từ thế phòng ngự sang thế tiến công mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực…” – Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh./.

Đỗ Doãn

Đỗ Doãn

© Thời báo Tài chính Việt Nam