Bộ đội Phòng không - Không quân trong đội hình “thần tốc - táo bạo - quyết thắng”

16:08 | 30/04/2021 Print
(TBTCVN) - Cách đây 46 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của quân và dân ta mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã toàn thắng.

18

Phi đội Quyết thắng hoàn thành nhiệm vụ đánh bom sân bay Tân Sơn Nhất trở về hạ cánh an toàn tại sân bay Thành Sơn - Phan Rang.

Trong lĩnh vực quân sự, đây là thắng lợi của nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân, nghệ thuật tổ chức và sử dụng lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó có nghệ thuật tổ chức và sử dụng lực lượng phòng không – không quân (PK-KQ) trong đội hình chiến đấu quân binh chủng hợp thành.

Đầu năm 1975, lực lượng không quân của quân đội Sài Gòn trên chiến trường vẫn rất mạnh, với tổng số 1.852 máy bay các loại được biên chế thành 6 sư đoàn không quân. Với số lượng máy bay như vậy, không quân của Việt Nam Cộng hòa khi đó được đánh giá là đứng hàng thứ 4 trên thế giới (sau Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc). Đây là một thách thức lớn đối với toàn bộ các đơn vị và hoạt động của ta trên chiến trường nói chung và với bộ đội PK-KQ nói riêng.

18b
Pháo cao xạ trên đường hành quân chiến đấu, tiến về Sài Gòn

Ngay từ những ngày đầu tháng 3/1975, khi Chiến dịch Tây Nguyên mở màn, Sư đoàn PK 377 đã được lệnh rời địa bàn miền tây Quảng Bình, hành quân thọc sâu vào phía nam, tham gia Chiến dịch Tây Nguyên. Đây là đơn vị phòng không tham gia sớm nhất vào cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975, với nhiệm vụ yểm trợ cho bộ đội binh chủng hợp thành tiến công phá vỡ thế phòng ngự chiến lược ở Quân khu 2 của quân đội Sài Gòn; làm thay đổi cục diện chiến trường, nhằm tạo ra thời cơ chiến lược mới. Trong chiến dịch này, các lực lượng phòng không, nòng cốt là Sư đoàn 377, đã bắn rơi 51 máy bay địch, trong đó có 19 chiếc rơi tại chỗ.

Nếu nói về hiệu suất chiến đấu cao của các lực lượng PK-KQ trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975 thì phải kể đến lực lượng tên lửa A72 - loại tên lửa vác vai do Liên Xô mới viện trợ năm 1972. Chỉ tính trong 5 ngày diễn ra Chiến dịch Hồ Chí Minh (từ 26 đến 30/4/1975), các đơn vị bộ đội phòng không đã đánh 225 trận, bắn rơi 43 máy bay địch, có 14 chiếc rơi tại chỗ - trong đó riêng tên lửa A72 bắn rơi 34 chiếc. Đây là thành tích chiến đấu của Tiểu đoàn 172 tên lửa A72 trên mặt trận miền Đông Nam Bộ - Sài Gòn. Chỉ trong 3 năm chiến đấu ở chiến trường miền Nam (từ tháng 4/1972 đến tháng 4/1975), Tiểu đoàn 172 đã bắn rơi 157 máy bay địch các loại. Nhiều xạ thủ lập công bắn rơi máy bay địch, trong đó xạ thủ bắn rơi nhiều nhất là 16 chiếc. Tập thể tiểu đoàn, cả 2/2 đại đội cùng 10 xạ thủ của Tiểu đoàn 172 đã được Đảng, Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Có lẽ trong toàn quân ta, hiếm có một đơn vị cấp tiểu đoàn lập được thành tích chiến đấu vẻ vang như thế.

Đối với không quân, chiến công đặc biệt trong Chiến dịch Hồ Chí Minh là đã tổ chức có hiệu quả việc sử dụng máy bay địch đánh địch. Chính mệnh lệnh “thần tốc - táo bạo - quyết thắng” đã giúp cho chỉ sau 5 ngày huấn luyện chuyển loại, các phi công của ta đã có thể độc lập sử dụng máy bay A-37, loại máy bay cường kích hạng nhẹ của địch mà ta vừa thu được. Đúng 16 giờ 40 phút ngày 28/4/1975, tại sân bay Thành Sơn (Phan Rang), phi đội bay mang tên “Quyết thắng” gồm các phi công: Nguyễn Văn Lục (Phi đội trưởng), Từ Ðễ, Nguyễn Thành Trung (người của ta hoạt động bí mật trong lực lượng không quân địch đã lái chiếc máy bay F-5E ném bom xuống Dinh Độc Lập ngày 8/4/1975 rồi bay ra vùng giải phóng); Hán Văn Quảng, Hoàng Mai Vượng và Trần Văn On (nguyên là phi công của quân đội Sài Gòn) sử dụng 5 chiếc máy bay A-37 xuất kích ném 18 quả bom xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Trận oanh kích của phi đội đạt hiệu suất chiến đấu cao, đã phá hủy 24 máy bay của địch đang đậu trên sân bay Tân Sơn Nhất và bảo đảm tuyệt đối an toàn: phi đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và trở về đủ, bảo đảm an toàn cho phái đoàn quân sự ta đang ở trại Davis trong sân bay Tân Sơn Nhất chỉ cách mục tiêu oanh kích có 300 mét và không để bom rơi lạc ra thành phố! Trận đánh bất ngờ, táo bạo này của không quân ta làm cho chính quyền và quân đội Sài Gòn càng hoang mang, suy sụp về tinh thần, thúc đẩy nhanh quá trình tan rã và sụp đổ hoàn toàn của chúng.

Với bộ đội tên lửa, để tập trung lực lượng và tạo thế tiến công kịp thời, bảo đảm cho chiến dịch, từ đầu tháng 3/1975, Trung đoàn tên lửa 263 từ Khe Sanh (Quảng Trị) đã nhận lệnh của Quân chủng hành quân cơ động vòng qua đất bạn Lào, đưa toàn bộ khí tài, bệ đạn tên lửa nặng nề, cồng kềnh, vượt qua nhiều địa hình phức tạp, khó khăn trên dường tây Trường Sơn kịp vào áp sát cửa ngõ tây - bắc Sài Gòn trước ngày mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đây là cuộc hành quân cơ động chiến đấu gian khổ có một không hai trong lịch sử chiến đấu của bộ đội tên lửa phòng không, thể hiện ý chí và quyết tâm thực hiện khát vọng thống nhất đất nước của những chiến sỹ tên lửa Anh hùng đã từng hạ gục “Pháo đài bay” B-52 của Mỹ! Mặc dù không còn thời cơ nổ súng, nhưng với việc đưa được tên lửa phòng không SAM2 vượt Trường Sơn vào áp sát Sài Gòn đã khiến kẻ địch càng thêm hoảng loạn, tan rã và hạn chế khả năng sử dụng không quân của chúng, tạo điều kiện cho Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi trọn vẹn và nhanh chóng.

Còn bộ đội ra đa, phải kể đến chiến công của cán bộ, chiên sỹ Tiểu đoàn 8 đã đưa khí tài xe máy cồng kềnh hành quân ròng rã gần 1 tháng trời theo đường Trường Sơn vào triển khai thực hiện nhiệm vụ sát với phòng tuyến chiến đấu trên hướng tây - bắc Sài Gòn. Đúng 6 giờ sáng ngày 22/4/1975, một đại đội ra đa đã triển khai xong khí tài ở bắc cầu Bà Chiêm (Tây Ninh), cách Sài Gòn 80km và mở máy ra đa P-12 trực ban chiến đấu. Đây là sự kiện quan trọng ghi dấu việc bộ đội ra đa chính thức và bất ngờ tung cao cánh sóng lên bầu trời miền Nam, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đến sáng 28/4/1975, cả 4 đại đội ra đa của Tiểu đoàn 8 đồng loạt mở máy trực ban chiến đấu. Chính trong ngày này, ra đa đã làm nhiệm vụ phát hiện mục tiêu cho Trung đoàn tên lửa 263 và phục vụ Phi đội Quyết thắng của không quân ta bay từ sân bay Thành Sơn (Phan Rang) bay đi ném bom sân bay Tân Sơn Nhất.

Trong 3 ngày cuối cùng của chiến dịch, các đại đội ra đa của Tiểu đoàn 8 vẫn liên tục mở máy, quản lý chặt chẽ vùng trời và phát hiện được hàng trăm tốp mục tiêu, trong đó phần lớn là những tốp máy bay di tản. Đây là những thông tin quan trọng để các đơn vị hỏa lực phòng không thực hiện chủ trương hết sức nhân đạo của Bộ Tư lệnh chiến dịch là không đánh các máy bay di tản. Con số đó còn có ý nghĩa để các cấp trên vững tin rằng: chính quyền và quân đội Sài Gòn đang hoảng loạn tháo chạy, chúng sẽ sụp đổ nhanh chóng và thời khắc Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng đang đến rất gần!

Nguyễn Hữu Mão

Nguyễn Hữu Mão

© Thời báo Tài chính Việt Nam