Kỳ họp 1, Quốc hội khóa XV sẽ dành 6 ngày xem xét, quyết định về công tác nhân sự

16:35 | 27/04/2021 Print
Báo cáo tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chiều 27/4 về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự kiến Quốc hội sẽ làm việc trong 11 ngày, từ ngày 20/7 đến ngày 3/8/2021.

TT

Ảnh TL minh họa

Dành 6 ngày cho công tác nhân sự

Chương trình kỳ họp dự kiến bao gồm các nội dung: Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng phát biểu; Hội đồng bầu cử quốc gia báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 và kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Sau đó, Quốc hội sẽ dành 6 ngày xem xét, quyết định về công tác nhân sự. Trong đó bao gồm: quyết định số phó chủ tịch Quốc hội, số ủy viên UBTVQH; bầu Chủ tịch Quốc hội, các phó chủ tịch Quốc hội, các ủy viên UBTVQH, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước; bầu Chủ tịch nước, phó chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ; phê chuẩn việc bổ nhiệm các phó thủ tướng, bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; phê chuẩn danh sách phó chủ tịch và ủy viên Hội đồng Quốc phòng và an ninh (nếu có).

Ngoài ra, Quốc hội sẽ dành 4 ngày xem xét, thảo luận các báo cáo và quyết định một số nội dung khác như các báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019; xem xét, thông qua các nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022 và việc thành lập đoàn giám sát chuyên đề; xem xét, quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, quy hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.

Cân nhắc thông qua Kế hoạch đầu tư công trung hạn tại Kỳ họp thứ nhất

Về nội dung này, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Luật Ngân sách nhà nước (Điều 17) quy định kế hoạch tài chính 5 năm làm cơ sở để Quốc hội quyết định kế hoạch đầu tư trung hạn, Luật Đất đai (Điều 38) quy định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội là một trong những căn cứ lập kế hoạch sử dụng đất quốc gia. Theo đó, tại kỳ họp thứ nhất cũng cần phải quyết định 2 kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và tài chính 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 trước khi quyết định 2 kế hoạch đầu tư công trung hạn và sử dụng đất quốc gia của cùng giai đoạn này.

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã xem xét kết quả thực hiện 3 kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 (phát triển kinh tế - xã hội, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn); đồng thời cho ý kiến về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự kiến các kế hoạch về tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Trong trường hợp không kịp chuẩn bị các nội dung, Tổng thư ký Quốc hội đề nghị UBTVQH báo cáo Quốc hội cho chuyển các kế hoạch 5 năm sang trình Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021).

Cho ý kiến về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý theo quy định pháp luật, tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa mới phải thông qua Kế hoạch đầu tư công trung hạn trên nền tảng Kế hoạch tài chính 5 năm. Để kịp thông qua tại kỳ họp này, Chính phủ phải quyết tâm làm khẩn trương mới có thể hoàn thành. Tuy nhiên, đây là kế hoạch liên quan đến nhiều địa phương, bộ, ngành, nhất là các công trình trọng điểm, do đó phải bố trí được thời gian hợp lý để đại biểu Quốc hội bàn bạc thấu đáo, kỹ lưỡng.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn liên quan lớn đến cân đối nguồn ngân sách, sơ bộ theo tính toán là tăng từ 2 triệu tỷ đồng lên 2,7 triệu tỷ đồng trong giai đoạn này. Do đó phải tính trước số dự phòng, cân đối nguồn đầu tư phát triển, tính toán số bội chi ngân sách.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam