Tiếng vang Việt Nam

09:40 | 26/04/2021 Print
(TBTCVN) - Hoạt động đối ngoại đa phương đầu tiên có sự tham dự của lãnh đạo cấp cao Việt Nam ngay sau Đại hội Đảng lần thứ XIII là Phiên thảo luận cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo cấp cao của Việt Nam chủ trì một sự kiện trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an.

ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Hoạt động đối ngoại đa phương đầu tiên có sự tham dự của lãnh đạo cấp cao Việt Nam ngay sau Đại hội Đảng lần thứ XIII là Phiên thảo luận cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc về chủ đề “Tăng cường hợp tác giữa Liên Hợp quốc và các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột”, diễn ra vào tối ngày 19/4, dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Sự kiện này là điểm nhấn đặc biệt quan trọng mà Việt Nam chủ trì tổ chức trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an. Đây cũng là lần đầu tiên lãnh đạo cấp cao của Việt Nam chủ trì một sự kiện trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an. Chủ tịch nước đã gửi thông điệp ở cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước Việt Nam tới cộng đồng quốc tế về những định hướng, tầm nhìn và khát vọng phát triển của đất nước do Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra, khẳng định mạnh mẽ đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế một cách toàn diện, sâu rộng và có hiệu quả.

Chủ trì phiên họp, người đứng đầu Nhà nước Việt Nam đã thể hiện uy tín, vị thế của đất nước và phát huy vai trò, đóng góp có trách nhiệm cho các vấn đề về hòa bình, an ninh thuộc quan tâm chung của khu vực và quốc tế, góp phần triển khai các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương. Ông cũng đồng thời kêu gọi Hội đồng Bảo an đề cao trách nhiệm với những người đang “bị bỏ lại phía sau” khi trong 5 năm trở lại đây, xung đột đã cướp đi gần nửa triệu sinh mạng trên toàn cầu, riêng năm 2020, thế giới đã ghi nhận 20 triệu người tị nạn, hơn 50 triệu người mất nơi cư trú do xung đột và gần 170 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo. Đồng thời kêu gọi phải tăng cường đoàn kết quốc tế hơn bao giờ hết để cùng chống chọi lại các thách thức to lớn do đại dịch Covid-19, thiên tai, biến đổi khí hậu khắc nghiệt hay các cuộc xung đột, tranh chấp biên giới, lãnh thổ, cọ xát, cạnh tranh địa chiến lược…

Ngay trong lần đầu tiên, Phiên thảo luận mở cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì đã tạo được tiếng vang lớn, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Đại sứ Đặng Đình Quý - Trưởng phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp quốc cho biết, “các nước trong và ngoài Hội đồng Bảo an tham dự sự kiện đều đánh giá Việt Nam đã có sự chuẩn bị tốt cả về nội dung cũng như hậu cần; đánh giá rất cao phong thái điều hành phiên họp của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng như cách thức đặt vấn đề của Việt Nam”.

Tiếp nối phiên họp này là hàng loạt các sự kiện đối ngoại quan trọng, để giữa một thế giới còn ngả nghiêng vì đại dịch, vẫn vang xa hai tiếng Việt Nam. Sáng 20/4, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự và có bài phát biểu tại Lễ khai mạc của Diễn đàn châu Á Bác Ngao cùng với người đồng cấp, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ các nước Hàn Quốc, Indonesia, New Zealand, Trung Quốc, Singapore… Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp quốc khóa 75, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế cũng tham dự diễn đàn.

Nhận lời mời của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, tối 22/4, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự Phiên khai mạc trọng thể Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu. Tham dự phiên khai mạc hội nghị quan trọng này có nguyên thủ, thủ tướng của 40 nước được mời dự hội nghị, gồm các nền kinh tế lớn nhất như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Nhật… Trong khuôn khổ hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Tổng thống Joe Biden, Thủ tướng Tây Ban Nha và Tổng thống các nước Nigeria và Ba Lan có bài phát biểu tại Phiên họp quan trọng về chủ đề “Các lợi ích kinh tế của hành động khí hậu” vào tối ngày 23/4.

Cùng thời điểm, Thủ tướng Phạm Minh Chính có chuyến công tác nước ngoài đầu tiên trên cương vị Thủ tướng, tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN tại trụ sở Ban Thư ký ASEAN, Jakarta, Indonesia từ ngày 23 - 24/4. Chuyến công tác khẳng định Việt Nam nỗ lực đóng góp tích cực đối với tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, tiếp nối các kết quả đạt được trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam; khẳng định cam kết, trách nhiệm, đóng góp chủ động, tích cực của Việt Nam đối với các vấn đề chung của khu vực và quốc tế.

Đoàn Trần

Đoàn Trần

© Thời báo Tài chính Việt Nam