Hà Nội: Hướng tới giảm chênh lệch mức sống giữa khu vực thành thị - nông thôn

12:56 | 23/04/2021 Print
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, phát triển đô thị chính là sự phát triển hài hòa giữa kinh tế, môi trường và xã hội; hướng tới mục tiêu cuối cùng là đời sống cư dân đô thị khá giả hơn, cuộc sống tiện nghi và hạnh phúc hơn.

Hà Nội

Quang cảnh Hội nghị học tập, quán triệt, tuyên truyền 10 chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội khóa XVII . Ảnh: Tư liệu

Ngày 23/4, Hội nghị học tập, quán triệt, tuyên truyền 10 chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội khóa XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) do Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức tiếp tục chương trình với phần thông tin của Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn về 2 chương trình công tác số 03-CTr/TU, 08-CTr/TU.

Đánh giá những kết quả đạt được trong công tác chỉnh trang đô thị của nhiệm kỳ vừa qua, theo Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, giai đoạn 2016-2020, Hà Nội chú trọng phát triển đô thị theo hướng bền vững, đô thị thông minh đồng thời với việc cải tạo, chỉnh trang đô thị cũ, khu vực phố cổ. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 49,2%, diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi.

Bên cạnh đó, Hà Nội đã phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng khung về giao thông, đường sắt đô thị kết nối liên vùng và các khu vực đô thị của thành phố; hoàn thành Chương trình trồng 1 triệu cây xanh trước 2 năm và trồng thêm 600 nghìn cây xanh; quan tâm phát triển nhà ở xã hội, hoàn thành cải tạo một số nhà chung cư cũ; thống kê, rà soát, xây dựng quy định quản lý các công trình kiến trúc tiêu biểu, nhà biệt thự để thực hiện bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, lịch sử…

Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cũng nêu rõ các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình phải triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.

Cụ thể, phát triển đô thị gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng bền vững, thông minh, tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu, thực hiện đồng bộ với việc cải tạo, chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị cũ. Quá trình đô thị hóa phải được gắn liền với việc xây dựng và triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế đô thị, kiểm soát dân số, bảo đảm sử dụng đất đai có hiệu quả…

Nhấn mạnh 19 chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025, 6 nhiệm vụ và 6 giải pháp trọng tâm để thực hiện chương trình trong giai đoạn 2021-2025, ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, sẽ khai thác tối đa lợi thế đô thị để phát triển kinh tế đô thị; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ trong chỉnh trang, phát triển đô thị và kinh tế đô thị… nhằm hướng tới mục tiêu phát triển đô thị gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng bền vững.

Tiếp đó, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đã quán triệt nội dung Chương trình số 08-CTr/TU về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”. Theo Chủ tịch HĐND thành phố, đây là một chương trình mới của nhiệm kỳ này, nhằm mục tiêu tổng quát là giải quyết hài hòa, hiệu quả giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội và quản trị xã hội. Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao trùm và bền vững, không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống nhân dân Thủ đô, giảm chênh lệch mức sống giữa khu vực thành thị - nông thôn, phấn đấu đạt nhiều chỉ tiêu cao hơn mức chuẩn quốc gia, góp phần xây dựng thành phố phát triển nhanh, bền vững và tiến bộ.

Ngoài ra, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cũng tập trung quán triệt, phân tích về 3 yêu cầu, 6 nhiệm vụ chủ yếu về phát triển hệ thống an sinh xã hội, 6 nhiệm vụ chủ yếu về nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống nhân dân cùng với 5 giải pháp trọng tâm để triển khai có hiệu quả Chương trình số 08-CTr/TU nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô.

Phúc Nguyên

Phúc Nguyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam