Niềm tin và kỳ vọng với tân Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng

10:09 | 05/04/2021 Print
(TBTCVN) - Đồng chí Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị đã chính thức được phân công làm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng được kỳ vọng tiếp nối, có cơ hội thể hiện bản lĩnh điều hành để tiếp tục thúc đẩy Hà Nội xứng đáng là trung tâm kinh tế lớn của cả nước và khu vực.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng hoa chúc mừng tân Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng hoa chúc mừng tân Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Đức Minh

Trọng trách lớn, kỳ vọng cao được đặt ra cho người đứng đầu Thủ đô trước thời kỳ mới, khi “Hà Nội chưa khi nào có được quy mô, vị thế, tầm vóc và cơ hội phát triển như bây giờ”, như khẳng định của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP. Hà Nội.

Đột phá về thể chế, giữ vững an ninh tài chính quốc gia

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng trưởng thành từ nhân viên, Phó trưởng phòng, Trưởng phòng, Kế toán trưởng doanh nghiệp, rồi đảm nhiệm qua các chức vụ quan trọng như Thứ trưởng Bộ Xây dựng; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên; Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Ninh Bình; Tổng Kiểm toán Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Tài chính. Trên cương vị đảm trách nào, ông cũng đau đáu việc cải cách thể chế.

Vào đầu năm 2016, khi là Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng nhận được một câu hỏi: “Là người giữ tay hòm chìa khóa quốc gia, một mặt ông phải tăng thu để đáp ứng nhu cầu chi của bộ máy, mặt khác ông cũng chịu sức ép của người dân và doanh nghiệp là những người nộp thuế. Ông ưu tiên điều gì hơn?”. Đây là một câu hỏi tưởng đơn giản nhưng khá hóc búa. Vào thời điểm đó, ông đã có hơn 2 năm làm Bộ trưởng và vẫn đối diện với nền tài chính với nợ công và bội chi tăng cao, phần lớn ngân sách dành cho chi thường xuyên, nhu cầu chi của các địa phương tới tấp gửi về Trung ương...

Trước câu hỏi đó, ông suy tư hồi lâu và đáp: “Ưu tiên hàng đầu của tôi là cải cách thể chế. Chuyện ngân sách thì lúc nào cũng phải lo, nhưng để giải quyết căn cơ thì phải từ thể chế. Làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân và doanh nghiệp phát triển vì nguồn thu phải từ sản xuất, kinh doanh mới bền vững”. Một câu trả lời trực diện, không né tránh và trong suốt nhiều năm qua, vị “Tư lệnh” ngành Tài chính đã đau đáu cải cách thể chế với hàng loạt biện pháp mà như người ta hay nói là “tự lấy đá ghè chân mình”.

Ông Đinh Tiến Dũng đã bắt tay vào làm những việc khó, “đụng chạm”, như sắp xếp lại tổ chức bộ máy của ngành Thuế, Hải quan và Kho bạc, mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin, cắt bỏ triệt để các thủ tục hành chính rườm rà, không có lợi cho cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp, hoàn thành toàn bộ các luật, pháp lệnh chuyên ngành với đòi hỏi rất cao và chuyên nghiệp, góp phần cơ cấu lại ngân sách và nợ công, giữ vững an ninh tài chính quốc gia. Dẫu biết, tất cả những cải cách đó đều “chạm” đến con người, vị trí, quyền và lợi của bộ máy nhưng “trúng” và “đúng” để phát triển thì vẫn phải quyết liệt làm.

5 năm qua, chỉ số xếp hạng về nộp thuế và bảo hiểm xã hội của Việt Nam đã tăng từ vị trí 173 lên 109 (tăng 64 bậc), góp phần đưa Việt Nam thăng hạng trong Báo cáo Môi trường Kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB). Bộ Tài chính luôn nằm trong Top 3 cơ quan Trung ương về xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính và luôn dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ Nội vụ. Những nỗ lực không ngừng của người đứng đầu ngành Tài chính và đội ngũ cán bộ của Ngành đã mang đến kết quả rất tích cực, mỗi năm có thêm gần 130.000 doanh nghiệp đăng ký mới, thu ngân sách năm sau cao hơn năm trước dù phải thực hiện lộ trình miễn giảm thuế nhập khẩu của các Hiệp định Thương mại tự do; trong khi đó ngân sách đã dành được dư địa khá lớn để chống dịch và khắc phục thiên tai...

Dấu ấn và những thành công quan trọng của ngành Tài chính trong hơn 8 năm qua ghi đậm dấu ấn của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng. Ông đã tiếp nối các vị tiền nhiệm, nhanh chóng khẳng định dấu ấn cá nhân đậm nét về một người lãnh đạo tâm huyết, trách nhiệm và dày dạn kinh nghiệm, có tư duy phát triển, có tầm nhìn và phong cách lãnh đạo gương mẫu, quyết liệt hành động.

Kỳ vọng người đứng đầu có tâm, có tầm, có bản lĩnh

Nhắc đến Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự, an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”. Khi nói về Đảng bộ Hà Nội, Bác nói ngắn gọn: “Đảng bộ Hà Nội phải làm gương cho các đảng bộ khác”. Chỉ hai từ “gương mẫu”, nhưng đó đã và sẽ luôn là thách thức rất lớn đối với Đảng bộ thành phố.

Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, cơ bản trở thành thành phố công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố công nghiệp hiện đại; phát triển các ngành sản xuất công nghiệp có chọn lọc, đột phá vào những ngành, sản phẩm sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, có hàm lượng chất xám cao, làm cơ sở phát triển kinh tế tri thức.

Mục tiêu của Hà Nội từ nay đến năm 2025 là phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, GRDP bình quân đầu người đạt từ 8.300 - 8.500 USD. Xa hơn, phấn đấu đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000 USD - 13.000 USD.

Đây là một mục tiêu lớn và khó, đòi hỏi quyết tâm rất cao trong thực hiện, đòi hỏi cách làm mới, sáng tạo, đặc biệt là đòi hỏi bản lĩnh, tầm nhìn, ý chí và quyết tâm hành động của đội ngũ lãnh đạo cấp cao của thành phố.

Ở nhiệm kỳ này, ông Đinh Tiến Dũng được giao trọng trách là người đứng đầu hệ thống chính trị ở Thủ đô. Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chắc chắn được kỳ vọng tiếp nối, có cơ hội thể hiện bản lĩnh điều hành để tiếp tục thúc đẩy Hà Nội xứng đáng là trung tâm kinh tế lớn của cả nước và của khu vực.

Người dân Hà Nội đang đặt nhiều kỳ vọng, tin tưởng vào những bứt phá, đổi mới của Thủ đô, đặt niềm tin vào người lãnh đạo có tâm, có tầm, với tinh thần sáng tạo, ý chí quyết tâm đổi mới để Thủ đô tiếp tục bứt phá, vững vàng tiến về phía trước trong nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Hà Nội trong tương lai sẽ phát triển năng động và hiện đại. Thủ đô Hà Nội sẽ là nơi có môi trường sống bền vững nhất, sinh hoạt giải trí với chất lượng cao và có cơ hội đầu tư thuận lợi. Hà Nội luôn mang trong mình một khát vọng “Rồng bay” từ nền tảng văn hiến nghìn đời, quyết tâm xây dựng tâm thế, dáng vóc mới của một Thủ đô giàu đẹp, văn minh, ngang tầm khu vực.

Những thành công quan trọng của ngành Tài chính trong hơn 8 năm qua ghi đậm dấu ấn của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng. Ông đã tiếp nối các vị tiền nhiệm, nhanh chóng khẳng định dấu ấn cá nhân đậm nét về một người lãnh đạo tâm huyết, trách nhiệm và dày dạn kinh nghiệm, có tư duy phát triển, có tầm nhìn và phong cách lãnh đạo gương mẫu, quyết liệt hành động.

Anh Huy

Anh Huy

© Thời báo Tài chính Việt Nam