Đỉnh cao ở phía trước

10:26 | 02/04/2021 Print
(TBTCVN) - Trải qua 20 năm là đại biểu Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc có cái nhìn rất thấm thía về “đỉnh cao”. Ông cho rằng, Quốc hội phải nỗ lực rất nhiều, nếu không, đỉnh cao sẽ ở phía sau, là những kết quả đã đạt được trong quá khứ mà cả hiện tại và tương lai đều khó mà cao hơn.

Tặng hoa

Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt các đại biểu Quốc hội tặng hoa chúc mừng tân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, thể hiện sự tin tưởng của Quốc hội với người lãnh đạo mới của Quốc hội.

Đó có lẽ cũng là thách thức lớn nhất của Quốc hội (QH) khóa mới, của tân Chủ tịch QH Vương Đình Huệ. Ông Vương Đình Huệ được 100% đại biểu QH có mặt tại Nghị trường Kỳ họp thứ 11, ngày 31/3/2021, bầu giữ chức Chủ tịch QH Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.

Cũng đúng vào ngày này 5 năm trước, ngày 31/3/2016, Kỳ họp cuối cùng của QH khóa XIII đã bầu ra tân Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân. Sau một nhiệm kỳ dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, dù đối mặt với nhiều khó khăn, biến động, nhưng với tâm thế khát khao đổi mới, sáng tạo, nhiệt huyết, hành động vì lợi ích quốc gia, dân tộc, các đại biểu QH đã đoàn kết, trách nhiệm, nỗ lực, đổi mới, cải tiến nội dung, phương thức hoạt động để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ đặt ra, tạo nên một nhiệm kỳ thành công của QH.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân: “trải qua một nhiệm kỳ đáng nhớ, giờ đây nhìn lại, chắc chắn mỗi chúng ta đều cảm thấy xúc động, vui mừng và tự hào với những thành quả đạt được cũng như sự ghi nhận, đánh giá cao của cử tri và nhân dân. Có lẽ đây là phần thưởng xứng đáng cho những đóng góp tâm huyết, tích cực của chúng ta trong những năm tháng thực hiện nhiệm vụ người đại biểu của dân”.

Kế nhiệm bà Nguyễn Thị Kim Ngân, tân Chủ tịch QH Vương Đình Huệ, người đã từng trải qua chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng như Chủ tịch QH Khóa XIII Nguyễn Sinh Hùng; ông Vương Đình Huệ cũng vừa trải qua chức vụ Bí thư Thành ủy Hà Nội như Chủ tịch QH Khóa XII Nguyễn Phú Trọng.

“Tôi hoàn toàn tán thành với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân, khi nói rằng, quan hệ công tác giữa QH và Chính phủ nhiệm kỳ qua là rất tốt. Nhìn lại cả chặng đường đã qua, ở 2 vị trí khác nhau, 2 nhánh quyền lực khác nhau, nhưng cuối cùng thì một Chính phủ chân chính và một QH vì dân luôn gặp nhau ở một điểm, đó là tất cả đều vì công việc chung, vì lợi ích của nhân dân và vì một ngày mai tươi sáng của đất nước”. - Đại biểu QH Vũ Thị Lưu Mai

Phát biểu ngay sau lễ tuyên thệ nhậm chức, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ "nguyện sẽ đem hết sức mình, cùng tập thể Ủy ban Thường vụ QH, các cơ quan của QH, các cơ quan thuộc UBTVQH và các đoàn đại biểu QH và các vị đại biểu QH kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp và thành tựu to lớn của QH qua các thời kỳ, tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH vì mục tiêu tối thượng phụng sự lợi ích của Quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân”.

Tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH, chắc chắn là một khó khăn lớn đối với tân Chủ tịch QH Vương Đình Huệ khi mà nhiệm kỳ QH khóa XIV được đánh giá là thành công về mọi mặt. Chủ tịch tiền nhiệm Nguyễn Thị Kim Ngân đã ghi được dấu ấn đầy ấn tượng trong 5 qua, nhất trong mối quan hệ giữa QH và Chính phủ, bà Ngân đã mở ra một thời kỳ ăn ý chưa từng có giữa 2 nhánh quyền lực này trong bộ máy nhà nước, góp phần rất quan trọng tạo ra sự đồng thuận, đoàn kết cao độ đưa đất nước vững bước đi qua thời kỳ đầy khó khăn, cũng như đưa nhiệm kỳ của cả QH và Chính phủ thành công nối tiếp thành công.

Sự sát cánh của Chủ tịch QH và Thủ tướng Chính phủ trong nhiệm kỳ qua được nhìn thấy rõ trong mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đó là các chuyến công du nối tiếp nhau liên tục của hai nhà lãnh đạo đến châu Âu để vận động EU đẩy nhanh các thủ tục nội bộ đối với Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA) và ngày 8/6/2020, QH đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định EVFTA, Hiệp định EVIPA.

Đó là tại các cuộc tiếp xúc cử tri, Chủ tịch QH thường nói rõ cho cử tri về những nỗ lực của cá nhân Thủ tướng cũng như cả Chính phủ. Kỳ họp thứ 9, tháng 5/2020 trong bối cảnh cả nước dồn sức vừa chống dịch Covid-19 vừa phục hồi kinh tế, Chủ tịch QH đã quyết định QH không tiến hành chất vấn Chính phủ. Các hội nghị Chính phủ và các địa phương trong suốt nhiệm kỳ qua, luôn có sự tham dự của Chủ tịch QH và lãnh đạo nhiều ủy ban của QH.

Người dân còn nhìn thấy Thủ tướng, Chủ tịch QH nhiều lần ngồi cùng nhau trên khán đài để cổ vũ cho đội tuyển bóng đá Việt Nam. Nhiệm kỳ Chính phủ, Quốc hội khóa này cũng là thời kỳ mà thể thao Việt Nam đạt được dồn dập những kỳ tích, những “cơn mưa” bàn thắng và huy chương…

Bình luận về sự gắn kết đặc biệt này, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai phát biểu tại một phiên họp được truyền hình trực tiếp ngày 29/3/2021, “tôi hoàn toàn tán thành với ý kiến của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân khi nói rằng, quan hệ công tác giữa QH và Chính phủ nhiệm kỳ qua là rất tốt. Nhìn lại cả chặng đường đã qua, ở 2 vị trí khác nhau, 2 nhánh quyền lực khác nhau, nhưng cuối cùng thì một Chính phủ chân chính và một QH vì dân luôn gặp nhau ở một điểm, đó là tất cả đều vì công việc chung, vì lợi ích của nhân dân và vì một ngày mai tươi sáng của đất nước”.

Rất nhiều kỳ vọng và niềm tin đang được đặt lên vai tân Chủ tịch QH Vương Đình Huệ và QH khóa mới.

Xin được gửi lại…


Ngày 30/3/2021, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân được miễn nhiệm. “Nhìn lại chặng đường đã qua, mặc dù QH đã tận tâm, cố gắng hết sức, đồng hành, gắn kết, lắng nghe, sẻ chia, phát huy trí tuệ, bám sát thực tiễn… nhưng có thể vẫn còn những trăn trở, những vấn đề chưa trọn vẹn, những việc chưa đạt được kết quả như mong muốn…”, bà Ngân nói: “xin gửi gắm lại QH khóa sau tiếp nối, gánh vác để giúp chúng ta hoàn thành tâm nguyện”.

“Xin được gửi lại…” chỉ bấy nhiêu từ nhưng trong đó là những bộn bề tồn tại đang chờ QH khóa mới. Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của QH cũng chỉ ra những hạn chế như có vấn đề mang tầm vĩ mô vẫn chưa được thảo luận một cách thấu đáo; khó đánh giá, xác định trách nhiệm trong trường hợp không hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra... Nguyên nhân là do một số nội dung chưa bảo đảm tiến độ về thời gian, gây khó khăn cho các cơ quan thẩm tra và đại biểu QH; chưa có quy định cụ thể về tiêu chí, nội dung thuộc nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chưa phân định các trường hợp được thực hiện điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu trong một số tình huống khi tình hình kinh tế - xã hội có biến động lớn...

Đại biểu QH cũng đưa ra hàng loạt cảnh báo. Đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) chỉ ra tình trạng đại biểu “nhiều vai, ăn cây táo, rào cây sung không toàn tâm toàn ý vì QH cũng như vì lợi ích của nhân dân”. Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nêu lên thực tế nếu rà soát thật kỹ, lật đi lật lại tất cả các quy định trong luật và đặt chúng trong mối quan hệ với việc tổ chức thực hiện, có thể nhận thấy có những quy định nếu không giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức thực hiện thì rất có thể dẫn đến nguy cơ tham nhũng chính sách.

Nữ đại biểu dẫn ra ví dụ các quỹ tài chính ngoài ngân sách trong nhiều đạo luật. Trên cơ sở giám sát, Ủy ban Thường vụ QH đã ban hành Nghị quyết số 792 đề nghị rà soát và loại bỏ tất cả những quỹ hoạt động không hiệu quả, nhưng thực tế vẫn tồn tại hơn 40 quỹ tài chính ngoài ngân sách, trong đó có những quỹ gây lãng phí rất lớn cho ngân sách nhà nước. Trong khi đó, 72 đạo luật được Quốc hội Khóa XIV thông qua, thì vẫn còn đến 1/4 số đạo luật có quy định đề xuất thành lập và duy trì quỹ tài chính ngoài ngân sách.

Còn tâm tư của đại biểu QH Nguyễn Mai Bộ (An Giang) là sự chồng chéo, mâu thuẫn khiến cho văn bản pháp luật trở thành công cụ để cơ quan soạn thảo hiện thực hóa lợi ích của bộ, ngành. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nhắc đến tình trạng đề xuất chính sách không phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước…

Linh Tâm

Linh Tâm

© Thời báo Tài chính Việt Nam