Khắc phục bệnh thành tích trong đánh giá hiệu quả điều hành

14:24 | 29/03/2021 Print
Ấn tượng với những kết quả Chính phủ đạt được trong 5 năm qua với 3 khâu đột phá, đại biểu cũng đề nghị khắc phục bệnh hình thức, bệnh thành tích trong đánh giá hiệu quả công tác điều hành của Chính phủ, cũng như trong các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội...

MH

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp).

Sáng 29/3, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về các báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chính phủ, của Chủ tịch nước.

Ấn tượng về chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính

Phát biểu đầu phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) bày tỏ sự đồng tình cao với báo cáo của Chủ tịch nước, báo cáo của Thủ tướng Chính phủ và ấn tượng với những kết quả mà Chính phủ đã đạt được trong 5 năm qua mà báo cáo đã khái quát lại với 3 khâu đột phá.

Đại biểu cũng rất ghi nhận sự thẳng thắn của Chính phủ khi đã nêu ra 5 tồn tại, hạn chế và chia sẻ với Chính phủ về những sóng gió mà Chính phủ đã vượt qua, cũng như khẳng định những ấn tượng sâu sắc về một nhiệm kỳ thành công của Chính phủ trên tất cả các lĩnh vực.

Đặc biệt, đại biểu cho biết sự ấn tượng về một Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động, quyết liệt và phục vụ nhân dân; về một Chính phủ với nhiều quyết tâm lớn, trong đó có quyết tâm xây dựng một Chính phủ không tham nhũng; một chính phủ nói đi đôi với làm, Chính phủ gần dân, sát dân, quan tâm, giải quyết kịp thời những vấn đề quan trọng, bức xúc, những vấn đề phát sinh liên quan tới đời sống của nhân dân; một Chính phủ quyết tâm phục vụ vì nhân dân. Điều này trong báo cáo của Thủ tướng Chính phủ đã làm rõ.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề cập tới một số vấn đề tồn tại.

Về việc xây dựng chính phủ kiến tạo, phát triển, đại biểu đánh giá Chính phủ hành động đã làm chuyển động bộ máy hành chính nhà nước, tuy nhiên "có chuyển nhưng chuyển còn chậm và chưa vững chắc, có động nhưng động chưa nhiều, chưa đều và chưa đồng bộ". Tức là vẫn chưa khắc phục triệt để những bất cập trong phân cấp, phân quyền và đây đó vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm và "trên bảo dưới không nghe", "trên nóng dưới lạnh" và vẫn còn cơ chế xin - cho, vẫn còn tham nhũng quyền lực, tham nhũng chính sách.

Đối với việc xây dựng chính phủ liêm chính, chính phủ phục vụ nhân dân, đại biểu chia sẻ trên thực tế chất lượng dịch vụ công ở đâu đó vẫn còn hạn chế, vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức vì lợi ích cá nhân chi phối, được gọi là công bộc của dân nhưng chưa thật sự toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân. Một số cơ quan hành chính nhà nước cũng đang bị đánh giá là hành dân là chính. Nạn tham nhũng vặt đặc biệt vẫn tiếp tục làm xấu hình ảnh công chức, hình ảnh cơ quan hành chính nhà nước.

"Chính phủ chủ trương để có dân chủ, nhưng đâu đó sự tham gia của người dân vẫn chưa cao, thậm chí là còn mang tính hình thức, nhiều việc dân chưa được biết, chưa được bàn và không tham gia, không có cơ hội để kiểm tra" - đại biểu nói.

Xây dựng bộ máy công quyền công tâm, khách quan

Từ những tồn tại này, đại biểu nêu một số đề xuất để khắc phục. Trước hết là công tác hoàn thiện thể chế, đại biểu đề nghị Chính phủ cần quan tâm nhiều tới sự công khai, minh bạch các chính sách, các chế độ để người dân được biết và tin tưởng; nâng cao chất lượng xây dựng luật trên cơ sở đánh giá tác động và đánh giá tác động thật kỹ; xây dựng những chính sách phải có tính khả thi và phải tăng tính chuyên nghiệp trong soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ hai, đại biểu mong muốn Chính phủ nhiệm kỳ mới cần phải tập trung xây dựng một bộ máy công quyền công tâm, khách quan, có trách nhiệm giải trình cao và không bị chi phối bởi lợi ích nhóm; xây dựng một chính phủ mở và một nền hành chính nhà nước mở; ưu tiên đối thoại, phản biện và tư vấn chính sách, trong đó đặc biệt là sự quan tâm tới việc người dân phải được tham gia vào các quy trình xây dựng chính sách; phải xây dựng được một cơ chế thông tin công khai, minh bạch, một hệ thống dữ liệu cập nhật và được đưa vào hệ thống để có thể chia sẻ và khai thác chung.

Thứ ba, thực hiện đúng tinh thần xây dựng chính phủ hành động quyết liệt phục vụ nhân dân và coi trọng ý kiến của dân, phải hiểu được điều dân muốn, phải làm điều dân cần và phải lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả cho hoạt động của chính quyền. "570 cuộc lên rừng, xuống biển vừa qua mà các lãnh đạo Chính phủ đã làm theo báo cáo của Thủ tướng là một minh chứng. Nhưng như vậy có lẽ vẫn chưa đủ" - đại biểu nói.

Vấn đề thứ tư đại biểu kiến nghị là cần khắc phục bệnh hình thức, bệnh thành tích trong đánh giá hiệu quả công tác điều hành của Chính phủ, cũng như trong các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình mục tiêu quốc gia. Lấy ví dụ về Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới năm 2016 - 2020 được đánh giá rất cao và đã về đích sớm trước hai năm như một thành tích đáng tự hào. Tuy nhiên, đại biểu mong muốn Chính phủ cần phân tích kỹ lưỡng những kết quả thu được từ việc về đích trước 2 năm để làm rõ rằng, đằng sau bức tranh nông thôn mới, chúng ta đã được gì, mất gì.

"Làm sao để cho bộ mặt nông thôn thay đổi theo hướng tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, nhưng cần phải quan tâm làm sao để hình ảnh nông thôn Việt Nam không bị đô thị hóa một cách toàn diện và nông thôn phải giữ được hồn cốt của làng xã Việt Nam" - đại biểu trăn trở.

Cuối cùng, đại biểu đề nghị tiếp tục đổi mới tất cả các khâu trong công tác cán bộ và chế độ công chức. Theo đó, phải xây dựng được một chế độ liêm chính, công vụ, đạo đức công vụ không phải chỉ trên lý thuyết mà phải bằng thực tiễn. Phải có môi trường để người tài được thu hút, được trọng dụng, được làm việc và được ứng xử một cách tôn trọng./.

Dương An

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam