Đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp

11:28 | 29/03/2021 Print
(TBTCVN) - Những ưu đãi thuế vào thời điểm phù hợp, cần thiết, sẽ là cú hích thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Không phải đến thời điểm hiện nay, Quốc hội, Chính phủ mới có những quyết sách giảm, giãn thuế, phí, lệ phí hỗ trợ doanh nghiệp, mà trong thời gian qua đã có rất nhiều đợt được triển khai.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

“Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp”, “giảm thuế là nỗ lực lớn của Chính phủ”, “gói hỗ trợ đã giúp doanh nghiệp vượt khó”, “các chính sách thuế mang tính đột phá”… “Cơn mưa” lời khen ấy dành cho những nỗ lực của Chính phủ, Bộ Tài chính trong thời gian qua, khi dịch Covid-19 bất ngờ khiến cả thế giới chao đảo, người dân và doanh nghiệp cũng không đứng ngoài vòng quay đó.

Trên thực tế, ưu đãi thuế là một trong các yếu tố khuyến khích đầu tư và thường được đặt trong tổng thể các chính sách hỗ trợ tài chính khác đối với doanh nghiệp. Những ưu đãi thuế vào thời điểm phù hợp, cần thiết, sẽ là cú hích thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Không phải đến thời điểm hiện nay, Quốc hội, Chính phủ mới có những quyết sách giảm, giãn thuế, phí, lệ phí hỗ trợ doanh nghiệp, mà trong thời gian qua đã có rất nhiều đợt được triển khai.

Nếu nhớ lại ở những thời điểm xa hơn, từ năm 2016, thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam đã ở mức 20%, thấp hơn nhiều so với nhiều nước trên thế giới, có nước khi đó vẫn có mức thuế lên đến hơn 30%, các nước láng giềng của Việt Nam cũng có mức thuế khoảng 25%. Nhiều doanh nghiệp được áp dụng thuế suất 20%, thậm chí còn sớm hơn so với lộ trình. Chuyên gia của các tổ chức quốc tế đã phải thốt lên “môi trường thuế của Việt Nam hiện nay là hết sức thân thiện”. Cũng có thời điểm, có ý kiến khuyến cáo Việt Nam cần phải cân nhắc trong thực hiện ưu đãi thuế, tránh lồng ghép chính sách xã hội vào chính sách ưu đãi thuế.

Tuy nhiên, với truyền thống trọng dân, vì dân, các chính sách pháp luật của Việt Nam thời gian qua đã thể hiện rất rõ điều này. Có thể nói, đây là những quyết sách dài hơi, có tầm nhìn xa trông rộng, chứ không phải “bóc ngắn cắn dài”. Bởi vì đổi lại, nhờ ưu đãi về thuế, doanh nghiệp có thêm vốn để đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế vĩ mô tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia. Kết quả nhiệm kỳ qua đã minh chứng điều đó.

Thế nên, khi thời điểm dịch Covid-19 xảy đến bất ngờ, không khoanh tay đứng nhìn, mà các bộ, ngành dưới sự chỉ đạo rốt ráo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã vào cuộc với hàng loạt các giải pháp về chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác, hỗ trợ doanh nghiệp, vực dậy nền kinh tế.

Dư luận cho rằng, đây là các chính sách thuế mang tính “đột phá”, bởi trong khi một số tổ chức quốc tế khuyến cáo chúng ta không nên ưu đãi tràn lan, giảm hiệu quả của chính sách; đồng thời nguồn thu ngân sách đứng trước thách thức khi thuế xuất nhập khẩu giảm do các cam kết quốc tế, mới thấy hết ý nghĩa của việc miễn, giảm thuế. Việt Nam có khoảng hơn 700 nghìn doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm tới hơn 93% tổng số doanh nghiệp, có nghĩa, chính sách ưu đãi đã gần như bao trùm được các đối tượng doanh nghiệp, nâng đỡ doanh nghiệp vượt qua khó khăn này.

Vẫn biết rằng, để đảm bảo cân đối ngân sách - nghĩa là thu đủ bù chi là mục tiêu cần phải tiếp tục phấn đấu, tuy nhiên, có những thời điểm việc ưu đãi thuế là hết sức cần thiết. Song về lâu dài, cần thiết phải giữ nguyên mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông 20% như hiện nay và việc miễn, giảm thuế có thời hạn để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, tự đứng vững trên “đôi chân” của mình.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam