Nao lòng với nợ

10:13 | 26/03/2021 Print
(TBTCVN) - Quốc hội khóa XIV tiến hành kỳ họp cuối cùng trong xúc cảm nao lòng của nhiều đại biểu Quốc hội (QH), như trăn trở của Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu: “Chúng ta vẫn còn nhiều điều nợ dân”.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Các “món nợ” có thể kể đến là dự án đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, mà nhiều đại biểu thấy tiếc nuối giá như có thể đẩy nhanh tiến độ hơn. Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được QH quyết định chủ trương đầu tư từ nhiệm kỳ Khóa XIII và dự án cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 được QH Khóa XIV quyết định đầu nhiệm kỳ. Nhưng đến nay, vẫn còn cả “núi” việc chồng chất ở phía trước.

Cần phải nhấn mạnh rằng Dự án đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được QH linh hoạt đồng ý tách thành một dự án độc lập, hiện đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 để bàn giao cho chủ đầu tư. Hay như, với dự án triển khai xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, QH cũng kịp thời có nhiều quyết đáp quan trọng để thúc đẩy triển khai dự án hạ tầng giao thông quan trọng này, nhất là cho phép chuyển sang đầu tư công với 5 dự án ban đầu được xác định thực hiện bằng hình thức đầu tư kết hợp công - tư (PPP).

Hay như “món nợ” sửa Luật Đất đai. Đây là dự án luật rất quan trọng, đã được đưa vào chương trình xây dựng luật của nhiệm kỳ, nhưng cuối cùng phải chuyển lại cho QH nhiệm kỳ sau. Mặc dù việc lùi là để kịp thời thể chế hóa các quan điểm mới của Đảng sau Đại hội lần thứ XIII và có thời gian để nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, thấu đáo hơn các nội dung cần sửa đổi cho phù hợp với đòi hỏi của thực tế, nhưng cũng là nỗi niềm đau đáu của các đại biểu.

Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) mong muốn việc sửa đổi Luật Đất đai sẽ là ưu tiên của QH Khóa XV ngay từ đầu nhiệm kỳ, bởi thực tế giám sát tại địa phương, việc giải quyết đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân cho thấy trên 80% nội dung các đơn thư đề cập đến những vướng mắc về các thủ tục liên quan đến đất đai, trong đó nhiều nội dung không thể hoặc rất khó tháo gỡ, do những bất cập về chính sách pháp luật về đất đai hiện hành. Nếu không sớm sửa đổi Luật Đất đai thì chắc chắn sẽ còn rất nhiều những vướng mắc, bất cập liên quan đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển cũng như thực hiện các chính sách an sinh xã hội ở các địa phương trong cả nước. Kiểm điểm lại lời hứa với cử tri trong chương trình hành động khi ứng cử đại biểu QH Khóa XIV, đại biểu Phan Văn Hòa (Đồng Tháp) chia sẻ điều còn tiếc nuối là nhiều kiến nghị của cử tri, nhân dân gửi đến cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết còn chậm.

Trong báo cáo tổng kết nhiệm kỳ QH khóa XIV, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: “Cũng phải thẳng thắn nhìn nhận việc quyết định các vấn đề quan trọng còn những hạn chế như có vấn đề mang tầm vĩ mô vẫn chưa được thảo luận một cách thấu đáo; khó đánh giá, xác định trách nhiệm trong trường hợp không hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra... Nguyên nhân là do một số nội dung chưa bảo đảm tiến độ về thời gian, gây khó khăn cho các cơ quan thẩm tra và đại biểu QH; chưa có quy định cụ thể về tiêu chí, nội dung thuộc nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chưa phân định các trường hợp được thực hiện điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu trong một số tình huống khi tình hình kinh tế - xã hội có biến động lớn...”.

Ngay trong hoạt động lập pháp, QH cũng thấy, một số dự án, dự thảo được đưa vào chương trình nhưng chính sách chưa rõ, chưa đánh giá tác động sâu sắc, có chính sách mới được bổ sung nhưng chưa được đánh giá tác động… Cũng là bởi tinh thần trách nhiệm rất cao của QH và đại biểu QH, càng phút cuối càng nao lòng với nuối tiếc, với những điều còn nợ dân.

Đoàn Trần

Đoàn Trần

© Thời báo Tài chính Việt Nam