TP.Hồ Chí Minh: Lãnh đạo thành phố đối thoại với doanh nhân về chính sách

16:06 | 24/03/2021 Print
Với chủ đề: "Doanh nhân trẻ cần gì và phải làm gì để phát triển và đóng góp cho thành phố", chương trình đối thoại giữa lãnh đạo UBND TP.Hồ Chí Minh với Hội Doanh nhân trẻ TP.Hồ Chí Minh vừa được tổ chức, thực sự có ý nghĩa đối với doanh nhân, doanh nghiệp sau thời điểm dịch Covid -19.

anh moi

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong phát biểu chỉ đạo, đối thoại với các doanh nhân trẻ. Ảnh: Gia Cư

Cần được tham gia xây dựng chính sách

Tại buổi đối thoại các doanh nhân đã có nhiều đề xuất, kiến nghị cho 5 vấn đề bao gồm: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực công nghệ cho doanh nghiệp; chính sách thúc đẩy đầu tư, giao thương; đầu tư cơ sở vật chất, quy hoạch, hạ tầng; thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số; sáng kiến hợp tác công tư giữa doanh nghiệp và Nhà nước với các dự án lớn có tầm ảnh hưởng của thành phố.

Chia sẻ quá trình xin giấy phép hoạt động cho sản phẩm công nghệ mới được dày công nghiên cứu, ông Đỗ Thanh Năm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty xử lý nước thải Win-Win cho biết, công ty ông sáng chế ra được một công nghệ xử lý nước thải mà không phải dùng hóa chất, chỉ kéo container 48 fit tới tại hiện trường và nước thải độc hại chạy qua container 48 fit đó trong vòng 7 phút sẽ cho ra nước thải loại A, đưa nước thải từ loại C về loại A. Tuy nhiên, khi xin giấy phép hoạt động chỉ nhận được câu trả lời từ cơ quan ban ngành rằng đây là công nghệ mới hoàn toàn chưa có trong văn bản của Chính phủ nên các cơ quan ban ngành không giải quyết được.

“Với công nghệ này sẽ đem lại sự tiết kiệm rất lớn cho doanh nghiệp. Về đất đai, doanh nghiệp không phải tốn đất để xử lý, vừa tiết kiệm được tài nguyên đất đai; không dùng hóa chất sẽ tiết kiệm được chi phí rất lớn cho doanh nghiệp. Chúng tôi đề nghị thành phố hỗ trợ về đất đai, những ưu đãi để công nghệ này sớm đi vào sử dụng trong các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giải quyết được tình trạng xử lý nước thải hiện nay. Các doanh nghiệp đang gặp chi phí quá lớn để chờ nước mưa và xả nước thải ra ngoài”- ông Đỗ Thanh Năm kiến nghị.

Đề xuất lãnh đạo thành phố cho phép thành viên của Hội Doanh nhân trẻ được tham gia vào nhóm tổ công tác xây dựng chính sách của UBND thành phố, ông Nguyễn Gia Huy Chương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội doanh nhân trẻ TP.Hồ Chí Minh cho biết, Hội doanh nhân trẻ TP.Hồ Chí Minh hiện có 1.000 doanh nghiệp với 20 ngành nghề khác nhau.

“Chúng tôi rất mong được tham gia vào tổ công tác đó, dù là thường xuyên, hay các cuộc họp mở rộng để cùng tham gia góp ý về mặt chính sách, quy hoạch chính sách, thực thi chính sách… Bởi vì nếu chính sách không thực tế, không gắn kết với doanh nghiệp thì sẽ không đi về đâu. Trước khi làm chính sách, chúng tôi sẽ khảo sát trong mấy ngàn doanh nghiệp thành viên của mình để có tiếng nói mang tính xác thực”- ông Nguyễn Gia Huy Chương đề đạt.

Phải có tầm nhìn đủ dài, đủ sâu

Từ thực tiễn phát triển kinh tế qua 35 năm đổi mới cho thấy chính các doanh nghiệp, doanh nhân đã tạo nên “một làn gió mới” cho sự phát triển của thành phố.

anh moi
Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Ảnh: Gia Cư

Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, với trên 440 ngàn doanh nghiệp đăng ký thành lập, chiếm 32% cả nước, đóng góp 54,7% quy mô nền kinh tế và 67% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, thành phố trở thành điểm sáng về khởi nghiệp, trong đó doanh nghiệp, doanh nhân là một bộ phận quan trọng tạo ra của cải cho xã hội, tạo việc làm, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của thành phố.

Ông Nguyễn Thành Phong đánh giá, Hội doanh nhân trẻ thành phố đã thể hiện tâm huyết, bản lĩnh của thế hệ trẻ, không ngại khó, ngại khổ, khát khao làm giàu cho chính mình và đóng góp cho sự phát triển của thành phố. Ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu cần hết sức quan tâm đến việc tham gia xây dựng TP.Hồ Chí Minh - thành phố khởi nghiệp cho giới trẻ.

Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp, doanh nhân cần chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi số ngay từ bây giờ, nhất là chuyển đổi sang cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số bởi lẽ chuyển đổi số doanh nghiệp là tiến trình đầy gian lao, thử thách và không ngừng nghỉ để đi đến thành công. Ông Phong gợi ý 3 vấn đề để các doanh nghiệp suy nghĩ: Nghĩ lớn, làm cụ thể: phải có tầm nhìn đủ dài, đủ sâu song thực thi phải cụ thể, quyết liệt; gắn chuyển đổi số với chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp; người quản lý doanh nghiệp phải tiên phong, đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số./.

Gia Cư

Gia Cư

© Thời báo Tài chính Việt Nam