Xử lý dứt điểm chồng chéo, trùng lắp trong thanh tra, kiểm toán

17:49 | 22/03/2021 Print
Trong việc xây dựng kế hoạch kiểm toán hàng năm, Kiểm toán Nhà nước đã chủ động làm việc trực tiếp với Thanh tra Chính phủ, thanh tra một số bộ, ngành để xử lý dứt điểm chồng chéo, trùng lặp ngay từ khâu xây dựng kế hoạch kiểm toán, kế hoạch thanh tra hàng năm.

th

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ của KTNN tại phiên họp của UBTVQH.

Trước kỳ họp thứ 11, Tổng Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã gửi các đại biểu Quốc hội báo cáo về công tác của Kiểm toán nhà nước nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV.

Xử lý chồng chéo ngay từ khâu lập kế hoạch

Trong nội dung báo cáo về thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, Tổng KTNN cho biết công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán (KHKT) nhiệm kỳ vừa qua đã có nhiều đổi mới cả về nội dung và cách thức tổ chức thực hiện, chất lượng ngày càng được nâng cao.

Việc xây dựng KHKT hàng năm được KTNN triển khai thực hiện từ tháng 6 năm trước năm kế hoạch và toàn bộ quá trình phối hợp, xử lý chồng chéo trong xây dựng KHKT hàng năm được thực hiện trước tháng 11 năm trước năm kế hoạch. Do đó, KHKT năm của KTNN thường được ban hành sớm và gửi đến các bộ, ngành, tỉnh, thành phố.

Ngoài việc gửi xin ý kiến chỉ đạo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Quốc hội và gửi lấy ý kiến của các bộ, ngành tổng hợp có liên quan về dự kiến KHKT hàng năm, KTNN còn chủ động làm việc trực tiếp với Thanh tra Chính phủ, thanh tra một số bộ, ngành để xử lý dứt điểm chồng chéo, trùng lặp ngay từ khâu xây dựng KHKT, kế hoạch thanh tra hàng năm.

Đặc biệt, từ năm 2017, KTNN đã xây dựng dự kiến Danh mục chi tiết các đầu mối, đơn vị và dự án được kiểm toán để thông báo cho các đầu mối, đơn vị được kiểm toán ngay sau khi KHKT năm của KTNN được ban hành nhằm tạo thuận lợi cho đơn vị được kiểm toán và các đơn vị liên quan có đầy đủ thông tin, chủ động phối hợp tốt giữa các cơ quan, tăng cường công khai, minh bạch tránh chồng chéo với các cơ quan thanh tra, kiểm tra trong hoạt động kiểm toán.

Trong nhiệm kỳ, KTNN cũng đã thực hiện nhiều giải pháp mới, có tính đột phá trong khâu KHKT năm để tổ chức triển khai đồng bộ, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng kiểm toán. Đơn cử như là cắt giảm số cuộc kiểm toán để tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả kiểm toán. Theo đó, năm 2018 xây dựng KHKT thực hiện 205 cuộc, giảm 4,6% so với năm 2017; năm 2019 xây dựng KHKT thực hiện 190 cuộc, giảm 7,3% so với năm 2018; năm 2020 xây dựng KHKT thực hiện 158 cuộc, giảm 16,8% so với năm 2019.

Giảm thiểu phiền hà, ảnh hưởng hoạt động của đơn vị được kiểm toán

KTNN cũng thực hiện hoán đổi đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán để tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong hoạt động kiểm toán; đẩy mạnh việc lập KHKT dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu để tiếp cận gần hơn với thông lệ quốc tế; thực hiện lồng ghép các cuộc kiểm toán tại cùng một đầu mối, đơn vị và tăng cường kiểm toán tại trụ sở KTNN để giảm thiểu sự phiền hà, ảnh hưởng đến các hoạt động của đơn vị được kiểm toán. Từ năm 2018, ưu tiên bố trí thời gian và nhân lực triển khai kiểm toán sớm đối với các cuộc kiểm toán quyết toán ngân sách địa phương, kịp thời cung cấp thông tin cho HĐND phê chuẩn quyết toán ngân sách năm theo quy định.

Ngoài KHKT hàng năm đã được phê duyệt theo Luật KTNN, KTNN cũng thực hiện nhiệm vụ kiểm toán theo yêu cầu của Quốc hội, UBTVQH, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; xem xét, quyết định việc kiểm toán khi có đề nghị của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức không có trong KHKT năm. Trong đó, có những kết quả nổi bật là: Chuyên đề Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2011-2017; Chuyên đề việc quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2017 tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chuyên đề các dự án đầu tư theo hình thức BT, BOT; hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA; kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa...

Bên cạnh việc chú trọng đổi mới công tác lập KHKT năm, KTNN cũng tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng công tác lập KHKT của từng cuộc kiểm toán thông qua việc áp dụng mạnh mẽ CNTT, mở rộng phạm vi khảo sát, thu thập thông tin nhưng không làm tăng thời gian, nhân lực trong khâu khảo sát, lập KHKT để đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu kiểm toán sát hợp với các đầu mối, đơn vị và dự án.

Trong cả giai đoạn 2016 - 2021, việc chỉ đạo điều hành hoạt động kiểm toán của Tổng KTNN được thực hiện quyết liệt, thường xuyên và liên tục; kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện kiểm toán; tăng cường kiểm tra, giám sát các đoàn kiểm toán trong suốt quá trình kiểm toán nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán.

Đặc biệt, trong năm 2020, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Tổng KTNN đã chỉ đạo toàn ngành tập trung rà soát, cắt giảm quy mô, rút ngắn thời gian kiểm toán để hoàn thành KHKT năm 2020 trước 30/11/2020 nhằm an toàn về phòng, chống dịch Covid-19 nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán. Đồng thời, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh, KTNN đã không thực hiện đối chiếu việc thực hiện nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp. Tổng KTNN đã trực tiếp chỉ đạo hỗ trợ tối đa các bộ, ngành và địa phương được kiểm toán, đặc biệt là các đơn vị trực tiếp tham gia trong tuyến đầu phòng, chống dịch để triển khai các nhiệm vụ được giao.

Dương An

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam