TP. Hồ Chí Minh: Tìm giải pháp cải thiện môi trường đầu tư

15:51 | 19/03/2021 Print
Từ những ý kiến đóng góp của nhà đầu tư đối với hoạt động của Tổ công tác đầu tư sau 3 năm thành lập, đặc biệt là về dự thảo Kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư năm 2021, chính quyền TP. Hồ Chí Minh sẽ bổ sung, điều chỉnh các chỉ đạo, điều hành theo hướng phù hợp, sâu sát hơn.

ubnd tphcm

Lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh lắng nghe ý kiến đóng góp từ giới doanh nghiệp về môi trường đầu tư. Ảnh Đỗ Doãn

Sáng ngày 19/3 tại TP. Hồ Chí Minh, Sở Kế hoạch – Đầu tư và Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư thành phố đã phối hợp tổ chức hội nghị “Sơ kết hoạt động của Tổ công tác về đầu tư và lấy ý kiến góp ý Kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư của thành phố năm 2021”. Sự kiện nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) và tăng khả năng thu hút vốn đầu tư theo chỉ đạo của UBND TP. Hồ Chí Minh, đã thu hút hơn 500 đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư (NĐT) trong và ngoài nước tham dự.

Tháo gỡ “nút thắt” trong đầu tư

Trải qua hơn 3 năm hoạt động, Tổ công tác về đầu tư trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh (Tổ công tác) được xem là mô hình sáng tạo, đột phá, mang lại hiệu quả thiết thực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN và nhà đầu tư, xây dựng các chính sách kiến tạo phát triển của thành phố.

Tổ công tác do ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND thành phố, làm tổ trưởng cùng các thành viên là các phó chủ tịch UBND thành phố và thủ trưởng các sở ngành chủ chốt, đã vào cuộc quyết liệt, chủ động, nhanh chóng giải quyết những vấn đề về đầu tư mà thực tiễn đặt ra.

Sau 32 buổi làm việc, 110 dự án, lĩnh vực liên quan đến đầu tư trên địa bàn thành phố đã được đưa vào chương trình làm việc của Tổ công tác. Nhiều “điểm nghẽn” quan trọng đã được tháo gỡ, nhiều dự án lớn, trọng điểm của thành phố đã tìm được “lời giải” cho những khó khăn, vướng mắc.

Đáng chú ý, nhiều giải pháp liên quan đến huy động và phát huy nguồn lực trong xã hội để thực hiện các dự án đầu tư đã được Tổ công tác đưa ra như: phát triển đô thị xung quanh nhà ga, tạo nguồn thu từ quỹ đất các tuyến metro; áp dụng phương thức BLT (Hợp đồng xây dựng – thuê dịch vụ – chuyển giao) trong đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của thành phố (đối với các dự án đầu tư nhóm A); thực hiện xã hội hóa các khu đất có quy hoạch thể dục thể thao trên địa bàn thành phố. Đây là những đột phá góp phần cải thiện môi trường đầu tư của TP. Hồ Chí Minh.

Theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, TP. Hồ Chí Minh mong muốn giải quyết các khó khăn của các DN, NĐT bằng hành động thực chất, cụ thể. Thành phố cũng mong muốn thời gian tới sẽ có thêm nhiều hơn nữa các dự án được tháo gỡ thông qua cơ chế hoạt động của Tổ công tác về đầu tư, góp phần xây dựng môi trường đầu tư thân thiện, đem lại hiệu quả đầu tư cho các DN.

“Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, kết quả đạt được là đáng ghi nhận, đem lại hiệu quả thiết thực cho công tác thu hút đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư của thành phố, song hoạt động của Tổ công tác vẫn còn một số khó khăn, tồn tại, hạn chế cần được khắc phục bằng các giải pháp cụ thể, căn cơ để hiệu quả hoạt động được nâng thêm một bước, tạo điều kiện tốt hơn nữa cho cộng đồng DN, NĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung và hiệu quả kinh doanh cho DN nói riêng” - ông Nguyễn Thành Phong nói.

kien nghi
Đại diện Hiệp hội Doanh nhân trẻ nêu 4 kiến nghị cải thiện môi trường đầu tư của TP. Hồ Chí Minh. Ảnh Đỗ Doãn

Thúc đẩy triển khai 10 nhóm giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Hòa Bình - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, năm 2021 là năm chủ đề thực hiện “xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư” của thành phố. Chính quyền thành phố cũng đề ra các nhiệm vụ, chỉ tiêu phải đạt được, đảm bảo thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ là vừa kiểm soát tốt dịch Covid-19 song song với phục hồi và phát triển kinh tế.

Để đạt được những mục tiêu đó, TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng Dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với 10 nhóm giải pháp.

Đó là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan trên địa bàn thành phố; tiếp cận nguồn lực đất đai; chuyển đổi số và khoa học công nghệ; nhóm giải pháp về đầu tư công; nhóm giải pháp về quy hoạch và xây dựng; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; tiếp cận nguồn lực tài chính; hoàn thiện thiết chế pháp lý, nâng cao ý thức thực thi pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự, giữ vững ổn định chính trị - xã hội…

Nhóm giải pháp cuối là khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, hỗ trợ DN duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh, lấy lại đà phát triển cho thành phố.

“Cải thiện môi trường cần xuất phát từ chính những khó khăn, vướng mắc của DN, NĐT trên thực tế với những giải pháp đồng bộ, toàn diện, quyết liệt, giải quyết “tới nơi tới chốn” với quan điểm sự phát triển của DN cũng chính là sự phát triển của thành phố” – ông Lê Hòa Bình nhấn mạnh.

Ghi nhận tại hội nghị cho thấy, các DN, NĐT đánh giá cao hoạt động của Tổ công tác đầu tư thành phố, đã giúp giải quyết nhanh nhiều vướng mắc, khó khăn thông qua chỉ đạo giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình giải quyết thủ tục cho các dự án đầu tư thuộc phạm vi giải quyết hoặc kiến nghị các cơ quan liên quan giải quyết nếu vượt thẩm quyền.

Bên cạnh đó, chính quyền thành phố cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp chân thành, quý báu từ phía các hiệp hội, tổ chức, DN trong lẫn ngoài nước cho dự thảo Kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư của thành phố năm 2021./.

Đỗ Doãn (ghi)

Đỗ Doãn (ghi)

© Thời báo Tài chính Việt Nam