Thực hiện đồng bộ, linh hoạt các giải pháp thu - chi ngân sách

19:22 | 16/03/2021 Print
(TBTCVN) - Trong khó khăn do dịch Covid-19 mang lại, theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, đây cũng là dịp để thử thách “chèo lái con thuyền ngân sách”, vừa phải đảm bảo dự toán, vừa hỗ trợ doanh nghiệp.

Doanh nghiệp phát triển sẽ tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách.

Doanh nghiệp phát triển sẽ tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách.

Về lâu dài cần phải giải bài toán về thu - chi ngân sách một cách bền vững nhằm tạo nguồn tích lũy chi cho đầu tư phát triển.

Tiết kiệm triệt để mọi khoản chi

Đại dịch Covid-19 tác động đa chiều tới chi ngân sách nhà nước (NSNN). Một mặt, đại dịch Covid-19 đã góp phần làm giảm chi tiêu NSNN đối với các hoạt động đối ngoại, chi đoàn ra, chi phí hội họp… Mặt khác, đại dịch này cũng làm tăng lên các chi phí phòng, chống dịch bệnh và triển khai các gói hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho người dân, đặc biệt trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, đòi hỏi cần triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch trên diện rộng. Chỉ riêng trong năm 2020, các giải pháp về giãn, giảm thuế phí và lệ phí, tiền thuê đất… đã lên tới con số 123,6 nghìn tỷ đồng. Số tiền giảm phí, lệ phí lên đến hơn 36,4 nghìn tỷ đồng. Trong năm 2021, số tiền chi cho mua vắcxin phòng chống dịch Covid-19 dự kiến lên tới 25 nghìn tỷ đồng.

Năm 2021, thách thức trong thực hiện nhiệm vụ chi ngân sách càng lớn hơn đối với cả ngân sách trung ương và địa phương. Bởi vì trong năm này, dự toán chi thường xuyên giảm 60 nghìn tỷ đồng, thay vào đó là tăng chi cho đầu tư phát triển. Để giải bài toán này, chỉ còn một cách duy nhất đó là phải triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tiết kiệm chi ngay từ khâu dự toán, tiết kiệm trong thực hiện tinh giản biên chế, bộ máy… Dự toán chi thường xuyên cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương được xây dựng trên cơ sở yêu cầu sắp xếp lại tổ chức bộ máy, giảm biên chế giai đoạn 2016 - 2020 giảm chi khoảng 27 - 28 nghìn tỷ đồng, đã chứng minh điều đó.

Chi thường xuyên giảm mạnh


Trong cơ cấu chi, đã giảm dần tỷ trọng dự toán chi thường xuyên, từ mức 64,9% tổng chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017 xuống khoảng 63,1% năm 2020 trong điều kiện hàng năm tăng lương cơ sở, lương hưu (đối tượng do NSNN bảo đảm) và trợ cấp người có công khoảng 7%, thực hiện các chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở tăng tương ứng, tăng chi an ninh, quốc phòng...

Đến thời điểm năm 2020, trong điều hành chi ngân sách lại gặp phải thách thức lớn hơn, khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Bộ Tài chính đã nhanh chóng đề xuất một loạt các giải pháp nhằm quản lý chi tiêu tiết kiệm, hiệu quả. Theo đó, Bộ đã sớm có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cấp thuộc phạm vi quản lý triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, thực hiện cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước còn lại của năm 2020; tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020. Tổng số kinh phí đã cắt giảm, tiết kiệm được của ngân sách trung ương trong năm 2020 là 49,3 nghìn tỷ đồng; Kho bạc Nhà nước trong năm này cũng đã từ chối thanh toán gần 52 tỷ đồng do chưa đủ hồ sơ.

Nhìn vào số liệu để thấy trên thực tế, việc “thắt lưng buộc bụng” không phải chỉ là nói suông. Ở các cấp ngân sách, từ trung ương đến địa phương đều phải siết giảm chi tiêu, chi đúng tiêu chuẩn, định mức và theo dự toán được giao, không một khoản chi nào không có trong dự toán mà ra được khỏi kho bạc.

Tìm nguồn thu bền vững hơn trong tương lai

Trong bối cảnh ngày càng khó khăn như hiện nay, nhiều chuyên gia đưa ra các khuyến nghị chính sách Việt Nam cần có phương án cắt giảm chi tiêu hiệu quả và tìm nguồn thu bền vững hơn trong bối cảnh thuế trực thu đang chiếm tỷ trọng ngày càng thấp; mở rộng nguồn thu; đẩy nhanh tiến độ một số dự án về thuế, như thuế tài sản, đưa vào chương trình làm Luật của Quốc hội trong nhiệm kỳ 2021 - 2026. Bên cạnh đó, cần rà soát lại chính sách ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI. Đặc biệt, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong việc cơ cấu lại các khoản chi ngân sách để giảm nợ công, giảm thâm hụt ngân sách.

Nhận định về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng chúng ta cần phải giải bài toán về thu - chi ngân sách một cách bền vững nhằm tạo nguồn tích lũy cho chi đầu tư phát triển. Theo đó, về cân đối nguồn thu, cần gia tăng những nguồn thu bền vững, nhất là thu từ sản xuất - kinh doanh, trong khi nguồn thu từ dầu thô, thu thuế xuất nhập khẩu đang giảm mạnh. Theo ông, đây là một trong những bài toán không hề dễ dàng, nó đòi hỏi phải tái cấu trúc hệ thống thuế và hướng tới những đối tượng thu ổn định và công bằng, qua đó thực hiện chính sách kiến tạo lại môi trường đầu tư, kinh doanh để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Về nhiệm vụ chi ngân sách, muốn cơ cấu lại chi ngân sách, điểm cốt lõi chính là phải giảm thiểu bộ máy, tinh gọn hiệu quả, để giảm chi thường xuyên, từ đó mới đảm bảo tính bền vững.

Trong hướng dẫn thực hiện dự toán chi ngân sách năm 2021, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với cơ quan tài chính thường xuyên kiểm tra việc tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách ở các đơn vị, ngân sách cấp dưới; quản lý chặt chẽ các khoản chi NSNN theo đúng dự toán được giao, giải ngân vốn trong phạm vi kế hoạch, vay nợ trong hạn mức được giao; hạn chế tối đa việc ứng trước dự toán, các trường hợp ứng thực hiện theo đúng quy định của Luật NSNN. Đồng thời, thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, đặc biệt là các khoản chi tổ chức hội nghị, hội thảo, khảo sát nước ngoài; quản lý các khoản chi đầu tư, xây dựng cơ bản mua sắm, sửa chữa chặt chẽ, đúng quy định. Đặc biệt, không bố trí dự toán chi cho các chính sách chưa có chủ trương ban hành; chỉ ban hành chính sách làm tăng chi NSNN khi thật sự cần thiết và có nguồn bảo đảm.

Trong khó khăn cũng là dịp thử thách bản lĩnh, “càng sóng to càng vững tay chèo”. Đối với ngành Tài chính, đây không phải là những thời điểm khó khăn nhất, nhưng cũng là bối cảnh hết sức đặc biệt, bởi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế và thực hiện dự toán ngân sách. Với việc thực hiện đồng bộ, linh hoạt các giải pháp quản lý thu – chi ngân sách và tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hy vọng ngành Tài chính sẽ vượt qua khó khăn, thử thách, đạt được mục tiêu đề ra trong năm.

Siết giảm chi tiêu nhưng vẫn đảm bảo chi cho con người


Để cải thiện nguồn thu, trong trước mắt cũng như lâu dài, ngành Tài chính chủ trương tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm xây dựng nền hành chính quốc gia hiện đại, kết nối thông suốt, đi đôi với tăng cường giám sát trong quản lý chi ngân sách. Đồng thời, chủ động sắp xếp chi thường xuyên, ưu tiên các nhiệm vụ quan trọng và các nhiệm vụ mới tăng thêm trong năm 2021. Trong khi siết giảm chi tiêu, nhưng đối với chi cho con người, vẫn phải bảo đảm nguồn lực thực hiện. Đặc biệt là các chính sách an sinh xã hội và tiền lương, không để xảy ra tình trạng nợ lương cán bộ, công chức, viên chức và chính sách đảm bảo xã hội theo chế độ.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam