Nhìn lại 5 năm nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV

12:44 | 15/03/2021 Print
Sáng 15/3, trong phiên họp thứ 54, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày về dự thảo báo cáo công tác của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XIV.

TV

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày về dự thảo báo cáo công tác của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XIV. Ảnh: PV

11 kỳ họp diễn ra dân chủ, công khai

Theo dự thảo báo cáo, Quốc hội khóa XIV ngày càng thể hiện sâu sắc là hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc, luôn sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hoạt động, nghiên cứu, thận trọng, nhưng quyết đoán kịp thời; nêu cao tinh thần trách nhiệm, luôn hành động vì lợi ích của Nhân dân, của đất nước, hoàn thành khối lượng lớn công việc trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng và hoạt động đối ngoại.

Phương thức hoạt động của Quốc hội luôn được đổi mới, hoàn thiện, thích ứng, linh hoạt hơn trước những vấn đề thực tiễn đặt ra trong nhiệm kỳ, nhất là vào những thời điểm đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nhất định đến việc thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

Nhìn lại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, 11 kỳ họp đã diễn ra dân chủ, công khai, chất lượng, hiệu quả được nâng lên, thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri và nhân dân cả nước, để lại nhiều dấu ấn quan trọng thông qua những cải tiến nổi bật như: giải trình trực tiếp tại các phiên họp, đăng ký tranh luận, “hỏi nhanh, đáp gọn”, ban hành nghị quyết kỳ họp, triển khai nhiều phần mềm hỗ trợ hiệu quả các hoạt động điều hành, thảo luận, tranh luận, cung cấp thông tin,...

“Có thể khẳng định, các kỳ họp không chỉ là nơi các đạo luật, quyết sách quan trọng được xem xét kịp thời, thảo luận kỹ lưỡng, quyết định thận trọng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của Nhân dân, mà còn là nơi phản chiếu đầy đủ, sát thực, rõ nét đời sống chính trị - kinh tế - xã hội của đất nước và là nơi hội tụ, lan tỏa tinh thần đoàn kết dân tộc, ý chí, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hành động hoàn toàn vì lợi ích của Nhân dân, quốc gia, dân tộc; trong đó, kỳ họp thứ 9, thứ 10 trong năm cuối của nhiệm kỳ là những minh chứng rõ nét, được đại biểu Quốc hội, cử tri, dư luận xã hội và bạn bè quốc tế đánh giá cao”, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh.

Bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong tài chính ngân sách

Về công tác lập pháp, nhiệm kỳ này Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 72 luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật, trong đó, có những đạo luật giữ vị trí, vai trò nền tảng trong hệ thống pháp luật, có những luật hoặc chính sách mới lần đầu tiên được ban hành, tác động lớn, toàn diện, sâu sắc đến đời sống kinh tế - xã hội, kịp thời đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Cụ thể như, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, Luật An ninh mạng, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Luật Thỏa thuận quốc tế, Luật Cư trú, Luật Bảo vệ môi trường, Bộ luật Lao động, Luật Giáo dục, Luật Phòng, chống tham nhũng…

5 năm qua, Quốc hội cũng đã xem xét, quyết định nhiều quyết sách quan trọng của đất nước, có tác động, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, trong đó có những vấn đề mới, khó, phức tạp, chưa có tiền lệ.

Kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016-2020 lần đầu tiên được thông qua, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất cả trong ngắn hạn và trung hạn đối với lĩnh vực tài chính, ngân sách, hướng tới việc huy động và sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, bảo đảm an toàn nợ công, tính bền vững của ngân sách.

Các mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng, chính sách tiền tệ và tài khoá được xem xét thận trọng, linh hoạt, bảo đảm ứng phó kịp thời, góp phần hạn chế các tác động bất lợi, duy trì, phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng, kiềm chế lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội.

Trên cơ sở thảo luận kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng, khẳng định tính đúng đắn, sự cần thiết, Quốc hội đã quyết định chủ trương đầu tư những dự án, công trình quan trọng quốc gia, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, các dự án thành phần của dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành; quyết định dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Một số luật chưa khả thi cao, vẫn mâu thuẫn, chung chung

Tuy vậy, dự thảo báo cáo cũng thẳng thắn nêu ra những hạn chế, tồn tại. Trong việc Quốc hội quyết định những vấn đề quan trọng, một số vấn đề mang tầm chiến lược, vĩ mô chưa được thảo luận một cách đầy đủ, thấu đáo (như: quan điểm về tăng trưởng kinh tế, cơ cấu kinh tế trong một chiến lược dài hạn; định hướng, giải pháp huy động và phân bổ nguồn lực của đất nước trong từng giai đoạn phát triển của đất nước; các cân đối vĩ mô của nền kinh tế...); khó đánh giá, xác định trách nhiệm trong trường hợp không hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra...

Với công tác lập pháp, một số luật có tính khả thi chưa cao, vẫn còn có sự mâu thuẫn, chồng chéo, phải sửa đổi, bổ sung; không ít quy định còn chung chung, khi triển khai thực hiện vẫn phải phụ thuộc vào văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành… Nguyên nhân của những hạn chế là do đất nước đang trong quá trình phát triển, các quan hệ kinh tế - xã hội thay đổi nhanh. Một số cơ quan, tổ chức, cá nhân chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm trong công tác chuẩn bị dự án, dự thảo. Chưa có đầy đủ các chế tài trong việc xử lý đối với trường hợp không tuân thủ quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; chưa có cơ chế phù hợp để thu hút và phát huy hiệu quả trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học cũng như thu thập, xử lý đầy đủ ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trong quá trình xây dựng luật, pháp lệnh…

Trong hoạt động giám sát, hiệu quả công tác giám sát việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật chưa cao. Một vài nội dung giám sát còn tình trạng dựa vào việc xem xét báo cáo của các cơ quan chịu sự giám sát; hoạt động giám sát, khảo sát có thời điểm còn tập trung tại một số địa phương; có trường hợp cơ quan chịu sự giám sát chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng báo cáo theo yêu cầu…/.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam