Từ “Xin chào” đến “Chỉ số tự do kinh tế”

09:45 | 15/03/2021 Print
(TBTCVN) - 5 năm trước, tháng 4/2016, Văn phòng Chính phủ họp chuẩn bị cho hội nghị Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp, trong đó có việc bàn nội dung tham mưu Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo xử lý vụ quán phở cà phê “Xin chào”.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chưa kịp trình văn bản, Thủ tướng đã có yêu cầu ngừng hình sự hóa theo đúng quy định pháp luật, theo đúng chức năng của cơ quan có thẩm quyền.

Quán phở cà phê “Xin chào” chỉ là một hộ kinh doanh rất nhỏ ở TP. Hồ Chí Minh và lúc bấy giờ, Thiếu tướng Phan Anh Minh (Phó Giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh), nói vụ việc này “nhỏ xíu như móng tay”. Phát ngôn này khiến dư luận trào sôi, như phản ứng của TS. Hoàng Ngọc Giao - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển: “Không thể coi nhỏ xíu như móng tay bởi nó liên quan đến nhận thức pháp luật, lối hành xử của cơ quan công quyền, của thế thái nhân tình và liên quan đến cả môi trường kinh doanh mà Hiến pháp 2013 đã “mở cửa”.

Bởi vậy, chỉ đạo tức thời đó của Thủ tướng đã giống như tháo ngòi nổ, bởi nếu chủ quán “Xin chào” phải đáo pháp đình, sẽ đưa ra thông điệp “rất xấu”, đó là mọi doanh nghiệp, mọi người kinh doanh đều có thể đi tù. Ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng, Viện trưởng Kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao Lê Minh Trí yêu cầu Viện trưởng Viện KSND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo Viện trưởng Viện KSND huyện Bình Chánh ra ngay quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán “Xin chào”; đồng thời công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại (nếu có) cho ông Nguyễn Văn Tấn theo quy định của pháp luật. Tạm đình chỉ công tác đối với kiểm sát viên và lãnh đạo Viện KSND huyện Bình Chánh trực tiếp tiến hành tố tụng để kiểm điểm làm rõ theo quy định của pháp luật.

TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận thấy: “tưởng chừng đây là việc nhỏ nhưng là việc lớn, chứa đựng thông điệp lớn. Không hình sự hóa là thông điệp về sự bảo đảm của Chính phủ trong giữ gìn an toàn của môi trường kinh doanh”.

Một năm sau đó, tại hội nghị đối thoại với Thủ tướng ngày 17/5/2017, nóng lòng trước những tiếng kêu than của doanh nghiệp về bị thanh tra, Thủ tướng nói “chuyện này nói quá nhiều rồi, không thể để tình trạng thế này kéo dài mãi” và ông ký Chỉ thị 20 ngay tại hội nghị, trong đó nêu rõ nhiều quy định chấn chỉnh lại cơ quan thanh tra.

Và cả nhiệm kỳ 2016 - 2021, không nề hà việc lớn việc nhỏ, bên cạnh những bản kế hoạch, giải pháp dài hơi, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ không ít lần ra các quyết định tức thời, với nỗ lực rất cao trong cởi trói tối đa cho doanh nghiệp. Những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ này, Chính phủ sẽ tiếp tục ban hành thêm nghị định về kiểm tra chuyên ngành, đó là nghị định về kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa nhập khẩu, tạo bước đột phá mới trong kiểm tra chuyên ngành.

Theo đó, khi thực hiện kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu theo quy trình, thủ tục mới, thì tỷ lệ tờ khai kiểm tra chuyên ngành giảm khoảng 54,4%, tiết kiệm cho doanh nghiệp gần 63% thời gian làm thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Nhờ đó, ngay trong năm đầu thực hiện, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được khoảng 38 triệu USD, cả nền kinh tế tiết kiệm được 399 triệu USD. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tăng, số tiền tiết kiệm mỗi năm càng tăng…

Vào lúc này, bảng xếp hạng về Chỉ số tự do kinh tế năm 2021 của Quỹ Di sản (Heritage Foundation), Việt Nam lần đầu tiên lọt nhóm các nền kinh tế có chỉ số tự do kinh tế ở mức trung bình. Xét trong nhóm 40 nền kinh tế ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương về chỉ số này, Việt Nam đứng thứ 17 với tổng điểm cao hơn mức trung bình của khu vực và thế giới. Từ “Xin chào” đến “Chỉ số tự do kinh tế”, đó là cả hành trình không biết mỏi mệt của Chính phủ vì người dân, doanh nghiệp./.

Đoàn Trần

Đoàn Trần

© Thời báo Tài chính Việt Nam