Điều chưa từng có

09:32 | 08/03/2021 Print
(TBTCVN) - Vào những ngày cuối tháng 3 tới, Quốc hội khóa 14 sẽ bước vào Kỳ họp cuối cùng, với một trong những nội dung quan trọng nhất là soi chiếu lại nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chính phủ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nhiệm kỳ 2016-2021 bắt đầu với sự kiện ngày 26/7/2016, 98,18% đại biểu Quốc hội bầu ông Nguyễn Xuân Phúc giữ chức vụ Thủ tướng.

Thủ tướng nhiệm kỳ 2016 - 2021 Nguyễn Xuân Phúc trong bài phát biểu nhậm chức ngày hôm đó đã đề cập đến những khó khăn, thách thức của đất nước với quyết tâm Chính phủ nhiệm kỳ này chắc chắn sẽ vượt qua. Theo Thủ tướng, Việt Nam đứng thứ 14 trên thế giới về dân số nhưng quy mô nền kinh tế chỉ đứng thứ 48 và GDP đầu người xếp thứ 133. Phải cố gắng rất nhiều để rút ngắn khoảng cách với thế giới. Phải có trách nhiệm đối với từng đồng tiền thuế của dân, phải sử dụng minh bạch, hiệu quả, vì lợi ích chung của người dân và của toàn xã hội…

Thủ tướng cũng nêu rõ thông điệp Chính phủ quản lý xã hội bằng pháp luật, đồng thời Chính phủ cũng phải nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật. Ông nhắc lại “việc ban hành Bộ luật Hồng Đức từ thế kỷ thứ 15, Vua Lê Thánh Tông đã đặt nền móng cho việc hình thành hệ thống pháp luật ở nước ta từ rất sớm. Nhà vua nói: “Pháp luật là phép tắc chung của Nhà nước, ta và các ngươi phải cùng tuân theo”. Năm 1919, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cũng đã viết: “Bảy xin Hiến pháp ban hành/Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Nguyên tắc này vẫn là thông điệp đúng đắn cho chúng ta hôm nay”.

Sau một nhiệm kỳ, Chính phủ đã thể hiện được trách nhiệm cao nhất cũng như nỗ lực cao nhất trong thực thi các cam kết. Nhìn trên phạm vi toàn xã hội, ở bất cứ nơi đâu trên đất nước đều có thay đổi lớn lao, từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến biên giới, hải đảo. Đời sống người dân mọi miền của Tổ quốc được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ đói nghèo ở Việt Nam từng ở mức rất cao là 53% năm 1992 (tính theo mức 1,9 USD/ngày và theo tỷ giá PPP năm 2011), ước đến cuối năm 2020 chỉ còn khoảng 2,75%... Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã thống nhất đưa vào Nghị quyết Đại hội nhận định, “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Và một dấu ấn đặc biệt nữa chỉ tới nhiệm kỳ này mới làm được, đó là dám từ bỏ quyền lực. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi các bộ, ngành, địa phương vì người dân, doanh nghiệp mà dám từ bỏ quyền lực để cởi trói tối đa cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, khơi thông nguồn lực thúc đẩy đời sống xã hội vào thời kỳ phát triển mới. Dám từ bỏ quyền lực cũng được thực thi quyết liệt ở ngay Chính phủ. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thể hiện sự hài lòng rất cao khi “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện rất nghiêm túc các quy định trong Hiến pháp, pháp luật, rất tôn trọng Quốc hội ở khía cạnh là cơ quan chấp hành của Quốc hội, khi luôn lắng nghe và thực hiện đúng quy định của Hiến pháp, pháp luật, các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội”. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Võ Trọng Việt bày tỏ: “chưa thấy khóa nào, Chính phủ lại tôn trọng một cách rất trung thực, nghiêm túc với Đảng, Quốc hội như khóa 2016 - 2021 này. Cho nên, tính thực thi pháp luật, chấp hành pháp luật ngày càng tốt, sâu, hiệu quả hơn. Theo đó, các cấp chính quyền thực hiện nghiêm túc, nghiêm khắc các quy định của Chính phủ. Chính phủ cũng đã làm cầu nối với Đảng, Quốc hội, các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể rất tốt. Đây là điều tôi nghĩ nhiệm kỳ trước chưa làm được”.

Cũng theo ông Việt: “hàng năm Chính phủ đều mời các cơ quan của Đảng, Quốc hội dự họp Chính phủ. Tôi nghĩ điều này làm cho ý thức của các cấp chính quyền, các cơ quan Chính phủ càng tuân thủ hơn các quy định của Đảng. Và khi tuân thủ thì sai phạm sẽ ít đi, tính tích cực nhiều hơn”.

Đoàn Trần

Đoàn Trần

© Thời báo Tài chính Việt Nam