Năm 2020: Đạt và vượt 10/12 chỉ tiêu chủ yếu

21:04 | 24/02/2021 Print
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết quả đánh giá bổ sung tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2020 cho thấy, các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2020 đã thực hiện tốt hơn mức Quốc hội giao, đạt và vượt 10/12 chỉ tiêu, so với số đã báo cáo là 8/12.

tt

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa xây dựng dự thảo báo cáo của Chính phủ về "Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2020" gửi các cơ quan liên quan để lấy ý kiến, bổ sung số liệu.

Theo dự thảo này, kết quả đánh giá bổ sung tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2020 tập trung vào một số nội dung thay đổi so với báo cáo trước đây.

Cụ thể, các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2020 đã thực hiện tốt hơn mức Quốc hội giao, đạt và vượt 10/12 chỉ tiêu chủ yếu (số đã báo cáo Quốc hội là vượt 8/12). Trong đó, thêm 2 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu là: tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 7% (số đã báo cáo là khoảng 1%); tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị đạt 3,88% (số đã báo cáo là 4,39%).

Có 4 chỉ tiêu thực hiện tốt hơn so với số ước tính đã báo cáo Quốc hội là: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 2,91% (số đã báo cáo khoảng 2 - 3%); tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân đạt 3,23% (số đã báo cáo là dưới 4%); xuất siêu khoảng 20 tỷ USD, tương đương 7,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (số đã báo cáo là xuất siêu 7 tỷ USD, tương đương 2,6% tổng kim ngạch xuất khẩu); tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,85% (số đã báo cáo là 90,7%).

Quy mô kinh tế theo đó đạt 272,2 tỷ USD, bình quân đầu người đạt 2.779 USD, tăng hơn so với số đã báo cáo tương ứng là 261,9 tỷ USD và 2.715 USD. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, CPI bình quân tăng 3,23% số đã báo cáo là dưới 4%, đảm bảo các nhu cầu thanh khoản, ổn định và thông suốt thị trường tiền tệ, ngoại hối, giảm lãi suất, tập trung nguồn vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh, tích cực tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn, hạn chế tác động tiêu cực của dịch bệnh, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.

Các cân đối lớn được bảo đảm, cải thiện tích cực hơn, đặc biệt, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá đạt 545,4 tỷ USD, tăng 5,35% (số đã báo cáo tương ứng là 527 tỉ USD, tăng 1,8%). Trong đó xuất khẩu hàng hoá đạt 282,7 tỷ USD, tăng 7%, đạt mục tiêu đề ra (số đã báo cáo tương ứng là 267 tỷ USD, tăng khoảng 1,02%); nhập khẩu hoàng hoá đạt 262,7 tỷ USD, tăng khoảng 3,67% (số đã báo cáo tương ứng là 260 tỷ USD, tăng khoảng 2,6%), thặng dư thương mại đạt khoảng 20 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, xuất siêu năm thứ 5 liên tiếp.

Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới với mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh thực hiện quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực. Mô hình tăng trưởng dần chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu, chất lượng tăng trưởng được nâng cao. Giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, xuất khẩu thô, lao động nhân công giá rẻ và mở rộng tín dụng…

Cùng với đó, các nhiệm vụ phát triển văn hoá, xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, đời sống nhân dân được chú trọng thực hiện tốt. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn đa chiều) của cả nước giảm còn 2,75% vào cuối năm 2020, giảm 1 điểm phần trăm so với cuối năm 2019. Các chính sách ưu đãi với người có công với cách mạng được thực hiện đầy đủ, đẩy mạnh các hoạt động "đền ơn đáp nghĩa", "uống nước nhớ nguồn", cơ bản hoàn thành hỗ trợ nhà ở đối với người có công có khó khăn về nhà ở. Đến nay, 99,7% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú; không còn hộ người có công thuộc diện nghèo….

Dương An

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam