Chính phủ giai đoạn 2016 - 2021: Một nhiệm kỳ rất thành công

11:33 | 23/02/2021 Print
Sáng 23/2, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về báo cáo công tác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đây là một nhiệm kỳ rất thành công.

TT

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp 53 của UBTVQH.

Theo đánh giá thẩm tra của Thường trực Ủy ban Pháp luật, trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, mặc dù tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; trong nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do thiên tai, dịch bệnh nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã không ngừng đổi mới, linh hoạt, sáng tạo, sâu sát trong chỉ đạo, điều hành, cải cách mạnh mẽ và quyết liệt hành động theo phương châm Chính phủ kiến tạo, hành động; kết quả đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra tại các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, đóng góp quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.

Thúc đẩy hoàn thiện thể chế, kinh tế thị trường định hướng XHCN

Trong đó, Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh một số kết quả quan trọng của Chính phủ trong nhiệm kỳ vừa qua. Một là, Chính phủ đã tích cực, chủ động trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ.

Hai là, Chính phủ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đổi mới phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước gắn với xây dựng Chính phủ điện tử.

Ba là, Chính phủ quyết liệt thúc đẩy hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Bốn là, Chính phủ quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống của Nhân dân; thích ứng và ứng phó kịp thời với tình hình, nhất là trước những diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch Covid-19.

Năm là, tăng cường quốc phòng - an ninh, giữ vững trật tự, an toàn xã hội, góp phần ổn định chính trị - xã hội để phát triển đất nước; đồng thời, chủ động, tích cực trong công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị bổ sung, làm rõ thêm một số nội dung sau đây trong Báo cáo của Chính phủ. Trong đó, có bổ sung đánh giá, làm rõ thêm về kết quả cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực; làm rõ nguyên nhân, giải pháp để bảo đảm yêu cầu, tiến độ trong việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia và kết nối giữa các cơ sở dữ liệu này.

Đồng thời, đánh giá, phân tích, làm rõ thêm một số nội dung như về công tác điều hành của Chính phủ trong thực hiện 3 trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế; việc chỉ đạo triển khai các đột phá chiến lược; tác động của việc chậm hoàn thành nhiều quy hoạch lớn theo yêu cầu của Luật Quy hoạch; việc chậm triển khai các công trình trọng điểm giao thông so với yêu cầu về tiến độ trong Nghị quyết số 63/2018/QH13; cơ cấu thu ngân sách nhà nước; kết quả phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán, phát triển doanh nghiệp; hiệu quả hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; kết quả, tỷ lệ giải ngân các gói hỗ trợ kinh tế, an sinh xã hội; việc chậm cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước...

Chưa có thêm dự án trọng điểm được đưa vào sử dụng

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên UBTVQH cơ bản nhất trí với các báo cáo của Chính phủ và Ủy ban Pháp luật.

Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, một trong những điểm nhấn của nhiệm kỳ này là Chính phủ luôn thực hiện tốt tinh thần thượng tôn pháp luật, hạn chế nhiều tình trạng "tiền trảm hậu tấu", tránh để lại hậu quả cho khoá sau. "Khoá này đã phải xử lý nhiều vấn đề của khoá trước để lại. Nhưng với tinh thần chặt chẽ hiện nay, khoá sau sẽ không còn phải giải quyết những vấn đề tương tự nữa", ông Nguyễn Hạnh Phúc nhận xét.

Tuy nhiên, Tổng thư ký Quốc hội lưu ý một trong những điểm nghẽn của xây dựng thể chế nhiệm kỳ này là Luật Đất đai. Mặc dù đã được đề cập nhiều từ đầu nhiệm kỳ, song Chính phủ chưa tập trung tháo gỡ, chỉ ra điểm vướng mắc để đề xuất tháo gỡ. Một hạn chế nữa là trong cả nhiệm kỳ chưa có công trình trọng điểm quốc gia nào được đưa vào sử dụng. Ngay dự án sân bay Long Thành đã được thống nhất từ Quốc hội khoá 13 nhưng đến nay tiến độ quá chậm, mặc dù Quốc hội đã nhất trí tách làm 2 dự án nhưng vẫn chưa hoàn thành dự án nào.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá đây là một nhiệm kỳ rất thành công. Trong hoàn cảnh nhiều khó khăn phức tạp, nhất là năm cuối nhiệm kỳ, nhưng Chính phủ đã vững vàng, lèo lái, điều hành để đạt được những kết quả rất có ý nghĩa.

Về kết quả nhiệm kỳ, Chủ tịch Quốc hội cơ bản nhất trí những kết quả đạt được trong báo cáo Chính phủ đã nêu, trong đó những dấu ấn thấy rõ nhất là Chính phủ đã rất năng động, sáng tạo trong quản lý điều hành; thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ quyền hạn theo đúng Hiến pháp; Chính phủ luôn thể hiện sự tôn trọng Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, để phối hợp thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo Hiến pháp. Trong hoàn thiện thể chế pháp luật, Chính phủ nhiệm kỳ này rất quan tâm, nhất là hệ thống pháp luật về kinh tế để tạo động lực, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. "Chính phủ có chuyển biến mạnh mẽ, dành nhiều thời gian để làm công tác xây dựng pháp luật", Chủ tịch Quốc hội nhận xét.

Trong điều hành các công việc kinh tế xã hội, Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá có sự cân bằng tốt, không nặng về kinh tế, nhẹ về xã hội, văn hoá. Với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau", Chính phủ quan tâm nhiều hơn tới các vấn đề xã hội, phát triển văn hoá, giáo dục, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống nhân dân…

Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh những thành công nổi bật của Chính phủ trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, trong việc xử lý nhanh, kiểm soát tốt tình hình thiên tai, dịch bệnh…

Xử lý tồn tại cũ còn chậm, dự án mới chưa nhanh

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu một số tồn tại, hạn chế của nhiệm kỳ này, mà khát quát lại là "xử lý tồn tại cũ còn chậm, thúc đẩy những cái mới chưa nhanh". Chủ tịch Quốc hội nêu một số ví dụ như việc xử lý 12 dự án yếu kém cũ còn chậm, triển khai các dự án quan trọng như sân bay Long Thành, cao tốc Bắc Nam chưa nhanh... Hay việc tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh chưa kịp thời. Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là hệ quả của việc một số cán bộ công chức e ngại, lo lắng khi nhiều vụ việc qua thanh tra, kiểm tra bị xử lý kỷ luật, hình sự, khiến nhiều vướng mắc bị đẩy lên đẩy xuống, nhất là tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và Tp.HCM.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng lưu ý, có việc đánh giá thành tích thì do sự điều hành rất nhạy bén năng động của Chính phủ, nhưng khi có tồn tại, khuyết điểm, thì nhiều báo cáo nêu là do chính sách pháp luật chồng chéo, bất cập, chứ không phải do khâu tổ chức thực hiện. "Cái gì trách nhiệm của mình thì phải nhận. Hễ nói chồng chéo, thì phải nói rõ chồng chéo ở đâu, điểm nào, không thể nói cả hệ thống pháp luật chồng chéo. Chồng chéo thì đất nước không được như ngày nay. Chúng ta nói Chính phủ đang quản lý điều hành tốt, nếu không quản lý điều hành theo pháp luật thì làm sao tốt được", Chủ tịch Quốc hội nói.

Dương An

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam