Đoàn đại biểu Quốc hội là chủ thể tham gia hoạt động khoa học

18:47 | 22/02/2021 Print
Chiều 22/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 887 - NQ/UBTVQH12 về việc ban hành Quy chế quản lý khoa học trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc UBTVQH và Văn phòng Quốc hội.

NVH

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển, so với Quy chế quản lý khoa học hiện hành, dự thảo Quy chế mới có một số sửa đổi, bổ sung chính.

Trong đó, bổ sung Đoàn Đại biểu Quốc hội cũng là chủ thể tham gia hoạt động khoa học vì trên thực tế, trong những năm qua có nhiều đại biểu Quốc hội từ các đoàn đại biểu Quốc hội tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học của Quốc hội và có những đóng góp tích cực vào hoạt động nghiên cứu khoa học trong các cơ quan của Quốc hội. Bổ sung một số hình thức thực hiện hoạt động khoa học và công nghệ mới, như: các hoạt động khoa học chung; đề tài, đề án khoa học cấp bộ đột xuất, trọng điểm, dự án điều tra cơ bản kinh tế - xã hội, nhiệm vụ bảo vệ môi trường…nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai các hoạt động khoa học và công nghệ trong thực tiễn, khắc phục những vướng mắc, bất cập về vấn đề này trong thời gian qua.

Quy chế mới cũng quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện đối với Chủ nhiệm chương trình, Chủ nhiệm các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ và cấp cơ sở cũng như xác định rõ những trường hợp không được đăng ký đề tài/đề án. Đồng thời, quy định cụ thể, chi tiết trách nhiệm của từng chủ thể tham gia vào quá trình thực hiện đề tài như: trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc UBTVQH, đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Quốc hội; Viện Nghiên cứu lập pháp; Hội đồng khoa học của UBTVQH; trách nhiệm của tổ chức chủ trì và Chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học phù hợp với đặc thù hoạt động khoa học trong các cơ quan Quốc hội…

Ngoài ra, Quy chế có nhiều quy định mới nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý khoa học, như: quy định cụ thể trách nhiệm của Viện Nghiên cứu lập pháp, của Hội đồng khoa học của UBTVQH trong xây dựng định hướng nghiên cứu khoa học dài hạn trong các cơ quan Quốc hội để trình UBTVQH xem xét, phê duyệt; quy định rõ hơn về thành phần, quy trình, thủ tục tuyển chọn, giao trực tiếp các nhiệm vụ khoa học; quy định cụ thể thời điểm, nội dung, thủ tục kiểm tra tiến độ và đánh giá giữa kỳ; tăng số lượng các nhà khoa học tham gia vào các hội đồng tự đánh giá thực hiện nhiệm vụ và nghiệm thu sơ bộ, Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu và đổi mới cách thức chấm điểm các nhiệm vụ khoa học; quy định rõ những trường hợp được khen thưởng; những trường hợp không đủ điều kiện đăng ký thực hiện, tham gia các hoạt động khoa học… phù hợp với quy định của Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật về khoa học và công nghệ; rút ngắn thời gian thực hiện đề tài cấp bộ so với quy định hiện hành.

Dương An

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam