Kiên trì các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp

11:16 | 22/02/2021 Print
(TBTCVN) - Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, sẽ tác động trực tiếp tới tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Do đó, Bộ Tài chính vẫn kiên trì thực hiện các chính sách tài khóa theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Ảnh trang 3

Nhờ có chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ và sự đồng hành của các ngành chức năng, đã giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay, sẵn sàng phục hồi sản xuất kinh doanh khi dịch bệnh được kiểm soát.

Chính sách đã “giải tỏa gánh nặng cho doanh nghiệp”

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Nguyễn Nhân Phượng – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa tỉnh Bắc Ninh cho biết, ngay khi Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ, hàng loạt DN trên địa bàn đã nhanh chóng thực hiện việc đăng ký gia hạn thuế, chủ yếu là gia hạn thuế thu nhập DN và giá trị gia tăng, bởi đây là các sắc thuế có số thu lớn, ảnh hưởng nhiều đến dòng tiền của DN. Nhờ được gia hạn nộp thuế, giảm tiền thuê đất…, khá nhiều DN đã dần phục hồi trở lại, tạo công ăn việc làm cho người lao động, mang lại nguồn thu cho ngân sách.

“Nhờ có chính sách hỗ trợ đúng đắn, kịp thời của Chính phủ và sự đồng hành của các ngành chức năng, đã động viên, khích lệ giúp DN vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay, sẵn sàng phục hồi sản xuất kinh doanh khi dịch bệnh được kiểm soát”- ông Phượng khẳng định. Theo ông, đây là những chính sách rất nhân văn và hiệu quả đối với DN.

Chia sẻ với phóng viên TBTCVN, ông Thomas Mc. Clelland - Chủ tịch Tiểu ban Thuế và Chuyển giá của Eurocham (Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam) đánh giá cao các chính sách hỗ trợ DN về thuế trong năm qua, khi DN chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Ông Thomas Mc. Clelland cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã có những thành tựu nổi bật và đáng ghi nhận trên nhiều phương diện khác nhau, trong đó đặc biệt phải kể đến những thay đổi tích cực trong chính sách và cải cách thuế có hiệu lực từ 2020. “Những thay đổi này càng cần thiết hơn trong bối cảnh Covid-19 gặp nhiều khó khăn khi nhu cầu vay vốn của DN để hỗ trợ phục hồi hoạt động kinh doanh và giúp giảm bớt một phần gánh nặng nghĩa vụ thuế cho DN” - ông Thomas Mc. Clelland nói.

Theo ông, những chính sách như: giãn thuế cho các DN bị ảnh hưởng, giảm thuế thu nhập DN ở mức 30% đối với DN có doanh thu đến năm 2020 dưới 200 tỷ đồng, được khấu trừ thuế đối với các khoản chi cho Covid-19, tăng giảm trừ người phụ thuộc và giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân... đã thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với cộng đồng DN và hỗ trợ hữu ích cho DN trong việc giải tỏa gánh nặng tài chính trong một năm đặc thù như này.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng:

Lấy tăng trưởng kinh tế làm gốc

“Với quan điểm lấy tăng trưởng kinh tế làm gốc để nuôi dưỡng và phát triển nguồn thu, chúng tôi cho rằng các giải pháp về thuế, phí và lệ phí như nêu trên có thể sẽ làm giảm nguồn thu trong ngắn hạn. Nhưng khi sản xuất – kinh doanh phát triển, doanh nghiệp mạnh lên thì sự gia tăng về quy mô nền kinh tế sẽ làm cho nguồn thu ngân sách nhà nước nhiều lên, không chỉ bù đắp số giảm thu do thay đổi chính sách, mà còn tăng thu ngân sách nhà nước so với dự toán được giao”.

Năm 2020 khi toàn thế giới bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhiều tổ chức quốc tế đã dự báo GDP của thế giới năm 2020 giảm khoảng 4 - 5%, nhưng thực tế nhiều nước tăng trưởng âm, trong khi đó Việt Nam đạt tăng trưởng ở mức 2,91%. Đại dịch Covid-19 có tác động đa chiều tới thu chi ngân sách nhà nước (NSNN). Một mặt, dịch bệnh đã góp phần làm giảm chi tiêu ngân sách đối với các hoạt động đối ngoại, chi đoàn ra, chi phí hội, họp…, song ở khía cạnh khác, dịch Covid-19 cũng làm tăng các chi phí phòng, chống dịch và triển khai các gói hỗ trợ cho người dân. Bên cạnh đó, nguồn thu cũng trở nên khó khăn khi DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trong bối cảnh nhiều thách thức đó, các chính sách tài khóa đã được thực hiện thận trọng, linh hoạt. Bộ Tài chính triển khai các giải pháp quản lý chặt chẽ nguồn thu, tăng cường kiểm tra, thanh tra thuế đối với thu thuế, phí, lệ phí. Đồng thời, cân nhắc thận trọng trong việc tăng thu từ các nguồn bán tài sản, quyền tài sản với việc chấp nhận tăng bội chi NSNN và tăng nợ công trong ngắn hạn. Bộ Tài chính đã tiếp tục thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên theo lộ trình đề ra. Theo đó, đã hỗ trợ cho người dân và DN gián tiếp thông qua việc trợ giá các mặt hàng thiết yếu do nhà nước quản lý như giá điện, giá xăng dầu…; tăng các khoản chi hỗ trợ nâng cao tiềm lực nền kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn. Đồng thời, quản lý chặt chẽ các nội dung chi hỗ trợ, chi an sinh xã hội đã ban hành, đảm bảo các nội dung chi đúng đối tượng, mục tiêu đã đặt ra.

Phải giảm chi phí đầu vào, tăng vốn cho doanh nghiệp

Để tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” - vừa phòng, chống đại dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, đồng thời phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ thu NSNN năm 2021 trả lời phỏng vấn báo chí, đồng chí Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, ngành Tài chính sẽ tập trung thực hiện linh hoạt, đồng bộ nhiều giải pháp tài chính – NSNN.

Trong đó, sẽ điều hành chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, linh hoạt với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng. Giải pháp về chính sách tài khóa đóng vai trò quan trọng trong việc giảm chi phí đầu vào, tăng vốn khả dụng cho DN, thông qua việc tiếp tục rà soát, xây dựng và triển khai các giải pháp chính sách về thuế, phí, lệ phí phù hợp với tình hình thực tế, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh phục hồi và phát triển sản xuất - kinh doanh.

Đối với nhiệm vụ thu NSNN, năm 2021, ngành Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan trung ương, cấp ủy và chính quyền địa phương trong chỉ đạo thu, đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh. Phấn đấu tăng thu NSNN 3% so với dự toán Quốc hội quyết định, tỷ lệ động viên vào NSNN khoảng 15,5% GDP; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế; quyết liệt xử lý nợ đọng thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu NSNN.

Năm 2021, dự báo tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và kéo dài. Do đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình, điều hành chủ động, thận trọng, ứng phó kịp thời các diễn biến phát sinh. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính kết hợp hiện đại hóa, đặc biệt là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, qua đó tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, củng cố nguồn thu cho NSNN.

Cùng với đó, ngành Tài chính tiếp tục tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách trong thực thi công vụ; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch trong quản lý NSNN; đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, xây dựng chính phủ điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Tiếp tục đề xuất gia hạn, giảm nhiều khoản thuế, phí, lệ phí

Mới đây, trước tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã có tờ trình trình Chính phủ phê duyệt chủ trương xây dựng nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Thời gian đề nghị gia hạn là 5 tháng. Như vậy, Bộ Tài chính đã ban hành theo thẩm quyền và kiến nghị các cấp có thẩm quyền ban hành, sửa đổi nhiều quy định, nhằm tiếp tục giãn, giảm nhiều khoản thuế, phí và lệ phí cho doanh nghiệp trong năm 2021.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam