Thử thách cũ, quyết tâm mới

11:05 | 22/02/2021 Print
(TBTCVN) - Thử thách từ năm cũ vẫn án ngữ trước ngưỡng cửa năm mới, làn sóng dịch bệnh Covid-19 trở lại với mức độ dữ dằn chưa từng có. Năm mới, quyết tâm mới, không chỉ là đẩy lùi dịch bệnh, bảo toàn trạng thái bình thường cho nền kinh tế mà còn là tiến tới tiêm vắcxin cho toàn dân.

Infographic: T.L

Nguồn: Tổng cục Thống kê. Infographic: T.L

Phiên họp đầu tiên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII, một trong ba nội dung quan trọng nhất là về chủ trương mua và sử dụng vắcxin phòng Covid-19. Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tổ chức tốt việc mua và sử dụng vắcxin phòng Covid-19; đồng thời chỉ đạo đẩy mạnh nghiên cứu, tổ chức sản xuất vắcxin phòng Covid-19 trong nước, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, thích ứng với các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Kinh phí mua, vận chuyển, bảo quản, sử dụng chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Việc mua, sử dụng vắcxin được tiến hành thực hiện trong điều kiện khẩn cấp, áp dụng mua sắm trong trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật, theo các khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và của nhà sản xuất.

Hiện, nhiều tỉnh, thành cũng như các doanh nghiệp đã sẵn sàng khí thế rất cao trong việc tiêm vắcxin cho người dân. Quảng Ninh dự kiến dành tối thiểu 500 tỉ đồng để sẵn sàng cho việc mua vắcxin Covid-19 và triển khai tiêm phòng cho tất cả người dân trong tỉnh. Tương tự, Hải Phòng cũng tuyên bố rất quyết liệt trong việc dùng ngân sách của địa phương mua vắcxin để tiêm phòng cho hơn 2 triệu dân. UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gửi văn bản đề nghị Chính phủ và Bộ Y tế quan tâm hỗ trợ tỉnh được đăng ký mua 1,2 triệu liều vắcxin ngừa Covid-19 để tiêm ngừa cho toàn dân Bà Rịa - Vũng Tàu, từ nguồn lực kinh phí của tỉnh và các huy động hợp pháp khác. Hàng loạt doanh nghiệp như LaVie, Nestle, Pepsi… cho biết sẽ hỗ trợ kinh phí cho toàn bộ cán bộ, công nhân viên của họ được tiêm vắcxin.

Làn sóng dịch bệnh lây lan nhanh thì quyết tâm dập dịch cũng nhanh. Không chỉ có vậy, quyết tâm để toàn dân được tiêm vắcxin cũng phải được thực thi nhanh. Phiên họp của Thường trực Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra ngay trong những ngày còn nghỉ tết Nguyên đán, ngày mùng 4 tết. Đồng thời với việc yêu cầu ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đang có dịch (như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Dương...) chỉ đạo thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế, nhanh chóng dập tắt dứt điểm dịch bệnh; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến chủ trương của Thường trực Chính phủ về mua vắcxin để tiêm chủng cho nhân dân.

Ngay trong những ngày tới, 204.000 liều vắcxin phục vụ nhu cầu khẩn cấp chống Covid-19 được Bộ Y tế cho phép Công ty AstraZeneca Việt Nam nhập khẩu sẽ về tới Việt Nam. Vắcxin AstraZeneca là vắcxin ngừa Covid-19 đầu tiên được phê duyệt nhập khẩu có điều kiện vào Việt Nam. Đây là vắcxin do Công ty dược AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford (Anh) nghiên cứu, phát triển. Hiện vắcxin này đã được cấp phép lưu hành 1 năm hoặc nhập khẩu có điều kiện tại Philippines, Thái Lan, Anh, Việt Nam và một số quốc gia khác. Cùng đó khoảng 4,88 triệu liều vắcxin của Covax facility cũng dự kiến sẽ về đến Việt Nam cuối tháng 2. Như vậy, có khoảng hơn 5 triệu liều để tiêm mũi thứ nhất cho hơn 5 triệu người dân.

Khẩn trương hợp tác, đàm phán nguồn vắcxin phòng Covid-19 từ bên ngoài, Việt Nam cũng khẩn trương thúc đẩy quá trình nghiên cứu, phát triển vắcxin phòng Covid-19 “made in Việt Nam”. Trước Tết Nguyên đán Tân Sửu, Việt Nam hoàn tất 120/120 mũi tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 trên 60 tình nguyện viên vắcxin Nano Covax. Giai đoạn 2 sẽ thử nghiệm trên 560 tình nguyện viên kéo dài trong 6 tháng. Giai đoạn 3 dự kiến sẽ tiêm trên 10.000 tình nguyện viên, mở rộng tại một số nước có dịch Covid-19 trong cộng đồng, hoàn tất vào đầu năm 2022.

Không thể đi sau

Năm 2020, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19. Nhưng, khi mà cuộc chiến này trên toàn cầu đã chuyển sang giai đoạn mới, với mức độ khốc liệt giảm rõ rệt thì ở Việt Nam cuộc chiến với đại dịch mới thực sự bước vào thời kỳ cam go nhất. Nếu không có một quyết tâm mới rất cao, thì có thể Việt Nam sẽ lại trở thành quốc gia đi sau trong cuộc chiến này.

Bởi vậy, nhiệm vụ trọng tâm quý I/2021 được Bộ Chính trị, Ban Bí thư nêu rõ là các cấp ủy Đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo mọi điều kiện, phương tiện, mọi biện pháp kiểm soát đại dịch Covid-19, không để ảnh hưởng tới cuộc sống người dân và phát triển kinh tế, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu, vừa cấp bách, vừa lâu dài; nâng mức cảnh giác cao nhất đối với Covid-19; huy động toàn thể hệ thống chính trị tham gia công tác phòng, chống dịch ngay từ những ngày đầu năm 2021; tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Bài viết đăng trên trang CNBC của Mỹ ngày 28/1/2021 đưa ra nhận định rằng, Việt Nam có thể là nền kinh tế hoạt động tốt nhất ở châu Á giữa lúc đại dịch Covid-19 hoành hành. Còn các nhà kinh tế thuộc bộ phận nghiên cứu toàn cầu của ngân hàng Bank of America (Mỹ) dự báo nền kinh tế Việt Nam có thể tăng 9,3% trong năm 2021, tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với mức 6,7% mà Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo...

Đoàn Trần

Đoàn Trần

© Thời báo Tài chính Việt Nam