Ngân sách không chỉ là những con số

10:36 | 01/02/2021 Print
(TBTCVN) - Những bước tiến ngoạn mục về thu ngân sách mà Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo tại Đại hội XIII, không chỉ là những con số, mà còn là hiện thân của sự chung sức, đồng lòng.

Đồng chí Đinh Tiến Dũng tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Đồng chí Đinh Tiến Dũng tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Bức tranh ngân sách nhà nước năm 2020 đã không quá xấu, thậm chí còn đạt ở mức bình thường trong hoàn cảnh hết sức bất thường vì đại dịch. Có được sự “bất ngờ” đó là bởi tay nắm chặt tay. “Đoàn kết” cũng chính là hai từ đầu tiên trong chủ đề được lựa chọn cho Đại hội XIII.

Trong cả nhiệm kỳ qua, luôn trực tiếp đến chỉ đạo các hội nghị tổng kết năm của ngành Tài chính, điều mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thường nhắn nhủ là ngân sách đừng chỉ là những con số đạt kế hoạch hay không đạt kế hoạch, mà phải là những con số của sự chung sức, chung lòng, những con số của sự sẵn sàng đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Liên tục giảm nghĩa vụ thu

Theo Thủ tướng Chính phủ, ngành Tài chính là huyết mạch quan trọng, có vai trò dẫn dắt nền kinh tế phát triển. Tài chính phải vì mục tiêu thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững, góp phần củng cố quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) cả giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 6,9 triệu tỷ đồng, tương ứng trên 25% GDP, vượt mục tiêu đề ra dù phải liên tục thực hiện điều chỉnh giảm nghĩa vụ thu, cắt giảm thuế quan theo các hiệp định thương mại tự do, xóa bỏ các khoản phí, lệ phí không phù hợp. Nhưng kết quả này đạt được không phải từ sự ra sức thu cho bằng được, mà do ngành Tài chính đã xây dựng được hệ thống chính sách thu ngân sách, động viên hợp lý, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; bao quát các nguồn thu, chống chuyển giá, công khai, minh bạch; chuyển phương thức quản lý thu từ tiền kiểm sang hậu kiểm theo nguyên tắc quản lý rủi ro; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính kết hợp hiện đại hóa công tác quản lý thu; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.

Cơ cấu thu đã dịch chuyển theo hướng bền vững hơn, phù hợp với trình độ phát triển và hội nhập của nền kinh tế, tăng tỷ trọng thu nội địa từ mức bình quân 68,7% giai đoạn 2011 - 2015 lên mức 82% giai đoạn 2016 - 2020 và đến năm 2020 đạt mức 85,5%; giảm tỷ trọng thu từ xuất nhập khẩu và dầu thô.

Đáng chú ý, thu ngân sách địa phương có xu hướng tăng, từ mức 37,4% tổng thu NSNN giai đoạn 2011 - 2015 lên mức 45% giai đoạn 2016 - 2020, đã giúp tăng cường khả năng tự chủ cho địa phương. Đến năm 2020, đã có 30/63 địa phương có quy mô thu NSNN trên 10 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2016 (15 địa phương); đồng thời, số địa phương có quy mô thu dưới 5 nghìn tỷ đồng giảm hơn 1 nửa, từ 37 địa phương năm 2016 xuống còn 16 địa phương năm 2020.

Đại dịch Covid-19 năm 2020 đã ghi nhận sự sẵn sàng của các địa phương ở mức cao nhất từ trước đến nay, khi cùng với ngân sách trung ương, các địa phương chủ động sử dụng khoảng 8,2 nghìn tỷ đồng dự phòng ngân sách địa phương và nguồn lực tại chỗ để chi cho công tác phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất, cơ sở hạ tầng thiết yếu và hỗ trợ đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.

Khi tay nắm tay, điều “bất ngờ” đến

Vào tháng 12/2020, tại hội nghị Chính phủ với các địa phương, NSNN cán đích ngoạn mục khi Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thông tin, thu cân đối NSNN năm 2020 đạt 1.477.221 tỷ đồng, bằng 98% dự toán, trong khi hai tháng trước đó, Chính phủ báo cáo trước Quốc hội có thể hụt thu gần 200 nghìn tỷ đồng.

Bức tranh NSNN năm 2020 đã không quá xấu, thậm chí còn đạt ở mức bình thường trong hoàn cảnh hết sức bất thường vì đại dịch. Có được sự “bất ngờ” đó là bởi tay nắm chặt tay. Cùng với sự quyết tâm cao của Chính phủ, của Bộ Tài chính là sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan đơn vị có liên quan và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp.

Thu NSNN gần như đạt dự toán trong bối cảnh mọi dự báo đều cho rằng không thể đạt, nhưng vẫn đảm bảo được đúng tinh thần khoan thư sức dân. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ Tài chính theo dõi sát sao, liên tục diễn biến tình hình kinh tế xã hội và tác động của dịch bệnh đến các ngành, lĩnh vực, trên cơ sở dự báo các kịch bản tăng trưởng kinh tế; xây dựng kịch bản đánh giá tác động đến thu NSNN tương ứng theo các kịch bản tăng trưởng kinh tế; ban hành các gói giải pháp về tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội để hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp và chủ động trong điều hành cân đối NSNN năm 2020 trong điều kiện nguồn thu ngân sách từ hoạt động sản xuất kinh doanh suy giảm mạnh.

Phấn đấu khai thác các nguồn thu còn tiềm năng như thu từ đất đai, tài nguyên, thu từ các dự án đã hết thời gian ưu đãi, thu từ hoạt động giải ngân vốn đầu tư công, phối hợp với các cơ quan, đơn vị rà soát thu các khoản thu từ cổ tức, lợi nhuận còn lại, các khoản phí, lệ phí, thu khác ngân sách... để bù đắp khoản hụt thu do tác động của dịch bệnh đến kinh tế, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2020 ở mức cao nhất, đảm bảo các cân đối lớn của Chính phủ trong năm 2020.

Các cuộc thanh tra, kiểm tra của ngành Thuế, Hải quan đều giảm mạnh. Năm 2020, toàn ngành Thuế thực hiện được 85.059 cuộc thanh tra, kiểm tra, chỉ bằng 88,38% so với cùng kỳ năm 2019. Cơ quan hải quan đã thực hiện 285 cuộc thanh tra, kiểm tra (52 cuộc thanh tra chuyên ngành và 233 cuộc kiểm tra nội bộ), giảm 27% so với cùng kỳ năm 2019.

Về công tác kiểm tra sau thông quan chỉ còn thực hiện 1.553 cuộc (498 cuộc tại trụ sở người khai hải quan, 1.055 cuộc tại trụ sở cơ quan hải quan), đạt 36% so với cùng kỳ năm 2019…

Ngày đó, bây giờ....

Nếu như tại Hội nghị tổng kết năm 2017 của ngành Tài chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn nhắc nhở Ngành phải tích cực hơn trong tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh phát triển, làm cho “chiếc bánh” này to hơn thì mới có nguồn thu lớn hơn, thì đến năm 2020, người đứng đầu Chính phủ đã ghi nhận ngành đã có nhiều đề xuất, sáng kiến và thực thi các giải pháp rất hợp lòng dân.

Cũng tại hội nghị năm đó, Thủ tướng còn thấy phiền lòng vì chính sách tài chính, nhất là chính sách thuế thay đổi nhanh và nhiều, dẫn đến nhiều hệ lụy cho người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đều bị mắc lỗi khi được thanh tra, kiểm tra thuế. Có doanh nghiệp lỗi nhiều, có doanh nghiệp lỗi ít. Rõ ràng có doanh nghiệp cố tình vi phạm nhưng cũng có doanh nghiệp bị oan sai do sự thay đổi chính sách quá nhanh, là lỗi từ phía cơ quan nhà nước…

Thì đến nay, Tổng cục Thuế đã triển khai thiết lập Hệ thống 479 kênh thông tin hỗ trợ người nộp thuế (eTax) thống nhất từ Tổng cục Thuế đến 63 cục thuế và 415 chi cục thuế. Người nộp thuế có thể thực hiện các giao dịch thủ tục hành chính thuế qua một cửa điện tử của ngành Thuế. Các câu hỏi, vướng mắc của người nộp thuế sẽ được chuyển tới 479 kênh thông tin để được giải đáp kịp thời.

Cùng đó, cơ quan thuế, cơ quan hải quan các cấp đã thực hiện tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế và cộng đồng xã hội qua nhiều hình thức: báo hình, báo nói, báo viết, tổ chức các hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp, tư vấn trực tiếp, thường xuyên cập nhật tin, bài trên các trang thông tin điện tử… Hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc. Đã có 807.106 doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, đạt 99,63% số doanh nghiệp đang hoạt động.

Đoàn Trần

Đoàn Trần

© Thời báo Tài chính Việt Nam