Nghiên cứu thành lập cơ quan đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp

11:18 | 28/01/2021 Print
Nghiên cứu việc thành lập cơ quan thực hiện chức năng đầu tư vốn của nhà nước vào các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vì việc thực hiện đầu tư và tái đầu tư vào các DNNN sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển của DN, phù hợp kinh nghiệm quốc tế.

Y

Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp trung ương Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày tham luận.

Đây là một trong những đề xuất được Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp trung ương (DNTƯ) Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu trong tham luận với chủ đề "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", trình bày sáng 28/1 tại Đại hội XIII.

Đóng góp 16,5% nguồn thu ngân sách

Theo đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm, Đảng bộ Khối DNTƯ bao gồm 35 đảng bộ các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị với 1.101 tổ chức cơ sở đảng, 147 đảng bộ bộ phận, 5.606 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở, gần 82 nghìn đảng viên và hơn 720 nghìn người lao động.

Kết quả sản xuất kinh doanh từ năm 2016 - 2019 cho thấy, có 33 tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng có sự tăng trưởng rất tốt, tổng doanh thu tăng 38% (từ 1.179.549 tỷ đồng lên 1.628.936 tỷ đồng), hiệu quả hoạt động tăng mạnh, với lợi nhuận trước thuế tăng 60,8% (từ 101.242 tỷ đồng lên 162.861 tỷ đồng), nộp ngân sách nhà nước (NSNN) tăng 24% (từ 205.707 tỷ đồng lên 254.907 tỷ đồng), tổng nộp ngân sách 4 năm là 912.293 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu không chỉ được bảo toàn mà còn tăng 18,9% (từ 1.250.337 tỷ đồng lên 1.486.591), bảo đảm thu nhập, việc làm cho 725 nghìn lao động. Các DN, ngân hàng trong Khối là nguồn thu quan trọng cho NSNN với tỷ trọng khoảng 16,5%

Trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức đảng, cấp ủy đảng trong DNNN chưa cao; có tổ chức đảng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát trong công tác cán bộ, trong quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn, tài sản và thực hiện một số dự án đầu tư xây dựng, gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín DNNN.

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Đảng bộ Khối DNTƯ và các tổ chức đảng, cấp ủy đảng trực thuộc đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nắm vững và cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy thành tích, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, khắc phục các dự án thua lỗ và không để xảy ra sai phạm trong đầu tư xây dựng.

Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng theo điều lệ đảng được thực hiện chặt chẽ, đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng, hiệu quả. Cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã tiến hành kiểm tra 17.367 tổ chức đảng, 33.273 đảng viên; giám sát 8.200 tổ chức đảng, 36.123 đảng viên; qua đó, đã kỷ luật 26 tổ chức đảng và cấp ủy đảng, 1.165 đảng viên. Thực hiện các kết luận kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, toàn Đảng bộ Khối đã có 6 cấp ủy đảng, 15 cán bộ, đảng viên bị kỷ luật với các hình thức.

Bảo đảm DNNN kinh doanh bình đẳng như các doanh nghiệp khác

Nhất trí cao với các văn kiện và đặc biệt là nội dung quan điểm về DNNN, đoàn đại biểu Đảng bộ Khối DNTƯ cũng đề xuất với Đảng, Nhà nước một số định hướng, giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy DNNN phát triển bền vững, góp phần bảo đảm tính chủ đạo của thành phần kinh tế nhà nước.

Cụ thể là, nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng đối với DNNN trong thời gian tới. Nghiên cứu hoàn thiện mô hình tổ chức đảng, mô hình các tổ chức chính trị - xã hội trong DN.

Sớm xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật, tạo khuôn khổ và hành lang pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất để cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN. Nghiên cứu, rà soát sửa đổi cơ chế quản lý, giám sát và thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan và người đại diện sở hữu nhà nước, hoàn thiện mô hình quản lý, giám sát DNNN và vốn, tài sản của nhà nước đầu tư vào DN một cách rõ ràng hơn, phù hợp với bối cảnh tình hình hiện nay. Rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách hoặc các quy định cụ thể để tách bạch việc thực hiện sản xuất, kinh doanh của DNNN với các hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ công ích Nhà nước đặt hàng cho DN. Trên cơ sở đó thực hiện việc giám sát và đánh giá DN trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo đúng chuẩn mực quốc tế và bảo đảm hoạt động kinh doanh của DNNN bình đẳng như các DN khác.

Rà soát và hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN, người đại diện phần vốn nhà nước tại DN, người quản lý DN. Tăng cường minh bạch thông tin đối với tất cả các DNNN theo các tiêu chuẩn áp dụng đối với các công ty đại chúng; nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về DNNN; có chế tài xử lý nhằm bảo đảm tính hiệu quả trong việc phối hợp quản lý, sắp xếp DN giữa các bộ, ngành, địa phương. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm toán kịp thời.

Kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại DN, có các cơ chế đặc thù để Ủy ban thực sự hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Nghiên cứu việc thành lập cơ quan thực hiện chức năng đầu tư vốn của Nhà nước vào các DNNN vì việc thực hiện đầu tư và tái đầu tư vào các DNNN sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển của DN, phù hợp kinh nghiệm quốc tế và các quy định của pháp luật.

Trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng, quan điểm về DNNN được nêu là "Tiếp tục thực hiện sắp xếp lại DNNN, tập trung giữ vững những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà DN thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư. Củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế… Nâng cao hiệu quả của DNNN sau cổ phần hoá. Hình thành đội ngũ quản lý DNNN chuyên nghiệp, có trình độ cao".

Dương An - Đức Minh

Dương An - Đức Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam