Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao đề xuất 8 nội dung cải cách tư pháp

11:28 | 27/01/2021 Print
Ông Lê Hồng Quang, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Phó Chánh án Thường trực Tòa án Nhân dân tối cao nhấn mạnh, xây dựng đất nước hùng cường gắn với xây dựng nền tư pháp văn minh, hiện đại là nội dung quan trọng của công cuộc đổi mới.

đại hội XIII

Ông Lê Hồng Quang - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Phó Chánh án Thường trực Tòa án Nhân dân tối cao. Ảnh: Đức Minh

Trong phiên thảo luận tại hội trường Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sáng ngày 27/1, trình bày tham luận với chủ đề “Phát huy phương châm “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”, thực hiện hiệu quả cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”, ông Lê Hồng Quang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Phó Chánh án Thường trực Tòa án Nhân dân tối cao nhấn mạnh, xây dựng đất nước hùng cường gắn với xây dựng nền tư pháp văn minh, hiện đại là nội dung quan trọng của công cuộc đổi mới.

Qua cải cách, Tòa án thể hiện sự “gần dân” ở việc đơn giản hóa thủ tục hành chính - tư pháp; minh bạch trong ban hành, công bố bản án, quyết định và phát triển án lệ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin… để người dân tiếp cận hoạt động tố tụng từ xa.

Ông Lê Hồng Quang khẳng định, ngày nay, với sự giúp sức của internet và ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, khoảng cách gần dân về địa lý, về thể chất dần thay thế bằng việc phục vụ người dân ngay trên môi trường mạng; Tòa án tương tác với người dân ở bất cứ đâu và bất kỳ khi nào mà không cần phải đến trụ sở Tòa án.

“Đẩy mạnh cải cách tư pháp là xu thế tất yếu nhằm tiến tới xây dựng nhà nước pháp quyền. Cải cách tư pháp để chúng ta có được nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam”, Phó Chánh án Thường trực Tòa án Nhân dân tối cao phát biểu.

Kế thừa thành quả của thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, ông Lê Hồng Quang cho biết, Ban Cán sự Đảng Tòa án Nhân dân tối cao đề xuất 8 quan điểm, nhiệm vụ cải cách tư pháp giai đoạn hậu 2020.

Thứ nhất, kiên định, nhất quán nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện, thống nhất và trực tiếp đối với cơ quan tư pháp.

Thứ hai, cải cách tư pháp vì sự phát triển của đất nước. Xác định cải cách tư pháp là động lực quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tư pháp và công tác phòng chống tham nhũng do Đảng lãnh đạo.

Thứ ba, xây dựng nền tư pháp vì nhân dân phục vụ. Hoạt động tư pháp phải đặt người dân vào vị trí trung tâm. Tiếp tục đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động theo hướng đảm bảo trong sạch, tinh gọn, hiệu quả.

Thứ tư, hoàn thiện thể chế, phát huy dân chủ, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân thông qua hoạt động tư pháp. Tiếp tục hoàn thiện chế định Hội thẩm nhân dân.

Thứ năm, hoàn thiện cơ chế giám sát đặc thù của cơ quan dân cử và nhân dân đối với hoạt động tư pháp. Tận dụng sự phát triển của công nghệ thông tin hướng tới xây dựng Tòa án thông minh, Tòa án điện tử.

Thứ sáu, đề cao vị trí, vai trò của cơ quan thực hiện quyền tư pháp trong hệ thống chính trị; xác định đây là thiết chế độc lập; có cơ chế phù hợp đảm bảo độc lập tư pháp.

Thứ bảy, kế thừa và phát huy kinh nghiệm cải cách tư pháp đã đạt được; tập trung giải quyết những nhiệm vụ cải cách chưa hoàn thành; tiếp thu những thành tựu khoa học pháp lý tiên tiến.

Thứ tám, xây dựng cơ chế phù hợp, hạn chế tác động từ những chủ thể khác đối với hoạt động tư pháp; thực hiện nghiêm nguyên tắc “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.

Đức Minh

Đức Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam