Trỗi dậy mãnh liệt khát vọng hùng cường

10:23 | 25/01/2021 Print
(TBTCVN) - 2 trong số 3 điểm mới nổi bật trong chủ đề Đại hội XIII so với Đại hội XII là xác định rõ hơn khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và xác định mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI, Việt Nam trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Kinh tế Việt Nam nhìn lại

Infographics: T.L

Theo đó, Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 13 đặt mục tiêu đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Việc xác định mục tiêu như vậy đều theo cách tiếp cận mới, phù hợp với cách tiếp cận của thế giới về trình độ phát triển, trình độ công nghiệp và thu nhập. Cụ thể, Ngân hàng Thế giới (WB) tính toán thu nhập bình quân thấp là dưới mức 4.045 USD/người/năm; thu nhập trung bình là từ 4.045 đến 12.535 USD/người/năm; thu nhập cao là trên 12.535 USD/người/năm (số liệu ngày 1/7/2020).

“Dưới sự lãnh đạo của Đảng, và nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, với tinh thần, trí tuệ và bản lĩnh của dân tộc, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng được một mô hình phát triển thịnh vượng toàn diện, bao trùm của chính chúng ta. Đó là một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nơi mà mọi người dân, mọi doanh nghiệp, mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng và cùng chung sức tham gia đóng góp vào sự phát triển của đất nước” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Dự kiến, đến 2025, GDP bình quân đầu người của Việt Nam khoảng 4.700 - 5.000 USD, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Dự kiến đến năm 2030, GDP bình quân đầu người của Việt Nam khoảng 7.500 USD, đạt mức thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 đạt ngưỡng thu nhập cao là hoàn toàn khả thi. Song, đó vẫn là chặng đường dài với nhiều thử thách, âu lo mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thấy chỉ lỡ một nhịp là có thể chậm lại một vài năm.

“Với tốc độ tăng trưởng tương tự như mức tăng trung bình của 3 thập niên qua thì đến năm 2045, mốc lịch sử 100 năm nước nhà được độc lập (1945 - 2045), quy mô GDP nước ta ước tính sẽ đạt mức khoảng 2.500 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng gần 18.000 USD”, Thủ tướng nhìn nhận, “mục tiêu này là một thách thức rất lớn vì khi thu nhập ngày càng cao, việc đạt thêm % tăng trưởng sẽ càng khó khăn hơn”.

“Lát một viên đá”

Vào tháng 10/2018, tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, để chuẩn bị dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định thành lập 5 tiểu ban, trong đó có Tiểu ban Kinh tế - Xã hội của Đại hội Đảng XIII, do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là Trưởng Tiểu ban.

Từ thời điểm đó, trong mọi hoạch định chính sách, điều hành phát triển đất nước đều nhấn mạnh về khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hùng cường, đặc biệt là hai từ “hùng cường” xuất hiện ngày càng dầy đặc hơn để sẵn sàng bệ phóng tốt nhất cho nhiệm kỳ Đại hội XIII.

Người đứng đầu Chính phủ bày tỏ mong muốn, “cố gắng để vào dịp 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập nước, đất nước có sự chuyển biến căn bản, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Trong bối cảnh đất nước còn gặp nhiều khó khăn, mới là nước thu nhập trung bình thấp, còn kém so với nhiều nước, thời cơ đến không nhiều, do đó, yêu cầu đặt ra là có khát vọng phát triển. Nếu không, chúng ta sẽ tiếp tục tụt hậu xa hơn”.

Cho rằng, “thách thức lớn nhất của chúng ta hiện nay không phải là thoát bẫy thu nhập trung bình, nguy cơ lớn nhất của chúng ta không phải là tụt hậu về kinh tế; mà thách thức lớn nhất của chúng ta chính là thiếu ý chí vươn lên và nguy cơ lớn nhất là thiếu quyết tâm hành động”, Thủ tướng nhấn mạnh: “chúng ta và các thế hệ tiếp theo phải luôn nuôi dưỡng khát vọng và không ngừng phấn đấu, ý thức sâu sắc trách nhiệm nặng nề, đó là lát một viên đá trên con đường lịch sử hướng đến sự thịnh vượng cho dân tộc”.

“Không phải cuộc phiêu lưu”

Muốn đất nước phồn vinh, hùng cường, người dân thịnh vượng, hạnh phúc thì phải ra sức tích lũy quốc lực và liên tục có tăng trưởng cao. Chia sẻ về quá trình xây dựng dự thảo văn kiện, từ việc đặt ra mục tiêu chiến lược đến quan điểm phát triển, đột phá chiến lược và định hướng, giải pháp trọng tâm 5 năm, 10 năm tới, tầm nhìn đến năm 2045, Thủ tướng cho hay, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội đã trao đổi nhiều, suy nghĩ rất nhiều về câu hỏi đặt ra mục tiêu tăng trưởng cao có khả thi không, có thực hiện được không?

“Các thành viên của Tiểu ban và cá nhân tôi rất trăn trở trước câu hỏi này”, ông nói: “nhưng nếu chúng ta không có khát vọng vươn lên, không tự tạo ra sức ép đổi mới với chính mình, thực sự thay đổi tư duy cách làm, không nỗ lực phấn đấu quyết liệt, thì chúng ta không thể nào đạt được mục tiêu phát triển nhanh, bền vững và khi đó thì ngay cả tăng trưởng khoảng 6%/năm, cũng khó đạt được”.

Nhìn trên bản đồ thế giới và khu vực chỉ có tăng trưởng cao, mới có thể thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước, mới góp phần tạo nền tảng ổn định vĩ mô, có thêm nhiều nguồn lực, có "chiếc bánh" lớn hơn để phân phối lại cho các mục tiêu phát triển văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Và chỉ có như vậy mới có nhiều việc làm, có thu nhập cho người lao động để nâng cao hơn nữa đời sống người dân.

“Từ thế và lực của đất nước ngày nay, có thể khẳng định rằng, chúng ta hoàn toàn có được nền tảng vững để phát triển đột phá chứ không phải là phiêu lưu”, Thủ tướng nhấn mạnh: “điều cốt yếu, là cần có quyết tâm, ý chí, khát vọng để tiến về phía trước. Cả yêu cầu nội tại và yêu cầu từ bên ngoài để tránh tụt hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới đưa đất nước ta phát triển mạnh mẽ hơn, bền vững hơn, hiệu quả hơn. Đó mới chính là thể hiện rõ ràng, cụ thể tinh thần tự tôn dân tộc, ý chí tự lực tự cường, sự quyết tâm, ý thức tinh thần trách nhiệm cao của thế hệ hôm nay trước Đảng”.

Nội lực rất lớn

Cho rằng “thể hiện khát vọng phát triển đất nước thì cũng phải có căn cứ, đầy đủ cơ sở khoa học để có thể hoàn thành”, Thủ tướng khẳng định: “không phải đề ra cho đẹp”. Bởi vậy, vào năm 2019, Tổng cục Thống kê đã hoàn thành đánh giá lại theo thông lệ quốc tế về quy mô GDP giai đoạn 2010 - 2017 để làm căn cứ đặc biệt quan trọng cho các nhà hoạch định chính sách xây dựng Chiến lược phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Việc đánh giá lại nhằm có được số liệu xác thực hơn về vị trí của Việt Nam trên bản đồ phát triển kinh tế thế giới cũng như cho phép tính toán các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô có liên quan phản ánh xác thực hơn chất lượng tăng trưởng, năng lực của nền kinh tế.

Nội lực, tiềm năng đất nước con người Việt Nam là rất lớn; có nguồn lực dồi dào, chất lượng; có vị trí địa chính trị kinh tế quan trọng, có tài nguyên phong phú; tiềm năng phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch… cũng đều rất lớn. Thế và lực ngày càng lớn mạnh, có chế độ chính trị xã hội ổn định, hội nhập ngày càng sâu rộng, uy tín vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao.

Còn nhìn trên phạm vi toàn xã hội, ở bất cứ nơi đâu trên đất nước này đều có thay đổi lớn lao, từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến biên giới, hải đảo. Đời sống người dân mọi miền của Tổ quốc được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ đói nghèo ở Việt Nam từng ở mức rất cao là 53%, năm 1992 (tính theo mức 1,9 USD/ngày và theo tỷ giá PPP năm 2011), ước đến cuối năm 2020 chỉ còn khoảng 2,75%... Vì vậy, có thể khẳng định Việt Nam hoàn toàn có thể thành công trên con đường tăng trưởng cao. Kinh nghiệm của các nước xung quanh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc đều có thời kỳ tăng trưởng thần kỳ, 10%/năm trong vài chục năm trong bối cảnh cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức tương tự như Việt Nam.

Đoàn Trần

Đoàn Trần

© Thời báo Tài chính Việt Nam