Bộ Chính trị chủ trì Hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử

10:38 | 21/01/2021 Print
Ngày 21/1, Bộ Chính trị đã chủ trì tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Hội nghị được tổ chức trực tuyến, với điểm cầu chính tại phòng họp Diên Hồng của Quốc hội và 63 điểm cầu tại tỉnh, thành phố.

TT

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trần Huấn.

Chọn đại biểu xứng đáng với yêu cầu nhiệm vụ chính trị thời kỳ mới

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, cùng với sự kiện có ý nghĩa chính trị quan trọng là Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là cuộc vận động chính trị quan trọng, đợt sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. "Đây là cơ hội để chúng ta thực hiện quyền làm chủ của nhân dân thông qua việc lựa chọn bầu ra những đại biểu tiêu biểu, thực sự có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội và HĐND các cấp" - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, nhận thức đầy đủ tầm quan trọng, ý nghĩa to lớn của của cuộc bầu cử lần này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong năm 2021.

Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 45 ngày 20/6/2020, trong đó yêu cầu cả hệ thống chính trị phải đoàn kết thống nhất, tăng cường phối hợp, tập trung dốc sức chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử; bảo đảm cho việc bầu cử được tiến hành một cách thật sự dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn và tiết kiệm.

Tiếp đó, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ngành, các cấp và các địa phương đã khẩn trương ban hành các chỉ thị, nghị quyết, quyết định, kế hoạch, hướng dẫn tổ chức triển khai công tác bầu cử theo đúng yêu cầu quy định và tiến độ đã đề ra, chọn đại biểu xứng đáng với yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong thời kỳ mới.

Trong không khí phấn khởi đón chào năm 2021 và chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Bộ Chính trị tổ chức hội nghị toàn quốc nhằm quán triệt và triển khai thi hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, kế hoạch triển khai các thông báo, hướng dẫn về công tác bầu cử.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu tài liệu, thảo luận sôi nổi tích cực, tham gia đóng góp nhiều ý kiến góp phần vào thành công của hội nghị. Ngay sau hội nghị này, cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan, tổ chức và đơn vị có liên quan cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện thật tốt phương hướng, nhiệm vụ để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV, bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đạt kết quả cao nhất và thực sự trở thành ngày hội của toàn dân.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, phải chọn những người xứng đáng để bầu ra những đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp "thực sự xứng đáng, có đủ đức, đủ tài, đủ trình độ, phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ", góp phần tích cực vào thực hiện nghị quyết Đại hội của Đảng, trong đó có kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; cũng là kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng và tầm nhìn đến năm 2045 - kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà - nay là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Một lần nữa nhấn mạnh ý nghĩa rất quan trọng của cuộc bầu cử lần này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu phải tổ chức và chuẩn bị tiến hành làm sao thực sự dân chủ, đoàn kết và chọn ra được những đại biểu xứng đáng với yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong thời kỳ mới. "Tất cả chúng ta, toàn hệ thống chính trị chúng ta phải là rường cột để lãnh đạo đất nước, xây dựng Tổ quốc của chúng ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ đã nói" - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phát biểu.

HN
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến sáng 21/1. Ảnh: Trần Huấn

Tránh tình trạng "vận động" không lành mạnh

Tiếp theo phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, hội nghị đã nghe Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng trình bày Chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Theo đó, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 dự kiến sẽ được tiến hành vào ngày chủ nhật 23/5/2021.

Theo Thường trực Ban Bí thư, để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đạt kết quả cao, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, các tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc xây dựng kế hoạch cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử; bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân.

Lãnh đạo thực hiện tốt công tác nhân sự, bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ. Gắn kết quả nhân sự của đại hội Đảng các cấp và quy hoạch cán bộ với công tác chuẩn bị nhân sự để giới thiệu những người tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức và năng lực, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có điều kiện thực hiện nhiệm vụ tham gia làm đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.

Đồng chí Trần Quốc Vượng đặc biệt lưu ý, yêu cầu "kiên quyết không giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước".

Phấn đấu giới thiệu, lựa chọn bầu được những đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân; bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn; phấn đấu bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội và đạt tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung cụ thể, chặt chẽ các quy định về trách nhiệm, quyền hạn và sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị phụ trách tổ chức bầu cử; quy trình đề cử, ứng cử; việc phân bổ người ứng cử đại biểu Quốc hội do Trung ương giới thiệu; việc thẩm định hồ sơ người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; việc tuyên truyền, vận động bầu cử; giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Quy định cụ thể đối với việc tự ứng cử, phải có quy trình thật chặt chẽ, đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật. Quy định rõ việc gì được làm, việc gì không được làm trong vận động bầu cử; tránh tình trạng "vận động" không lành mạnh; khắc phục hiệu quả những hạn chế, khuyết điểm trong tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các khoá gần đây./.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam