Quyết khơi thông nguồn lực để phát triển đất nước

10:13 | 20/01/2021 Print
(TBTCVN) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hỏi thẳng các bộ, ngành có dám từ bỏ quyền lực vì người dân, doanh nghiệp không và ông quả quyết rằng: “Phải dám! Có dám từ bỏ quyền lực thì mới là thực lòng mong muốn khơi thông nguồn lực toàn xã hội phục vụ công cuộc phát triển đất nước”.

Cải cách thủ tục hành chính đã tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp.

Cải cách thủ tục hành chính đã tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp.

Dám từ bỏ quyền lực, nhìn ở Bộ Tài chính, nơi “thu tiền giữ bạc”, nói như Thủ tướng là không chỉ “thu tiền giữ bạc” mà còn phải tạo động lực để “tiền đẻ ra tiền”. Riêng trong năm 2020, đã có 4 bản kế hoạch được ban hành, với kết quả mang lại là ngôi vị á quân về chỉ số cải cách hành chính và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính. Năm 2020 là năm thứ 6 liên tiếp Bộ Tài chính nằm trong top 3 bộ đứng đầu về xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính.

Được giao “bảo kiếm”

Cuộc họp của Tổ công tác của Thủ tướng, tháng 10/2020 bàn thảo về một “bảo kiếm” được giao cho Bộ Tài chính. Đó là đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”. Mục tiêu của đề án là cải cách căn bản, toàn diện công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ tại các nghị quyết: 19/NQ-CP, 01/NQ-CP, 99/NQ-CP, 02/NQ-CP nhằm giải quyết triệt để những tồn tại, bất cập hiện nay; cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm nguồn lực, giảm chi phí, giảm thời gian thông quan hàng hóa; giúp nâng cao ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tuân thủ pháp luật về chất lượng, về an toàn thực phẩm của hàng hóa, bảo vệ an toàn cho cộng đồng, người tiêu dùng.

Theo kết quả đánh giá tác động độc lập của Dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ, việc triển khai đề án sẽ có nhiều tác động tích cực cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Cụ thể số liệu đạt được 1 năm thực hiện cắt giảm được 86.166 tờ khai (khoảng 54,4%) phải kiểm tra (so với số liệu năm 2019). Tiết kiệm được 2.484.038 ngày công. Tiết kiệm được hơn 881 tỷ đồng (xấp xỉ 37,8 triệu USD). Tiết kiệm cho nền kinh tế đến 9.285 tỷ đồng (xấp xỉ 399 triệu USD). Dự thảo đề án đã được Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt tại Tờ trình số 164/TTr-BTC ngày 16/9/2020.

Tưởng là ích lợi đem lại nhiều như vậy, thì đề án này có gì mà không thông đồng bén giọt. Nhưng thực tế không dễ dàng, nếu Bộ Tài chính không kiên định quyết tâm cải cách thì khó mà vượt qua được rào cản từ các bộ, ngành để đưa đề án này đến đích. Cuộc họp hôm đó của Tổ công tác của Thủ tướng, nhiều bộ, ngành đều “tiếng lại lời qua”, không hài lòng vì thấy quyền lợi của họ bị cắt giảm.

Vô số lý do đưa ra như: Việc áp dụng chung mô hình kiểm tra an toàn thực phẩm và kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu chưa thuyết phục, bởi các loại hàng hóa có đặc thù khác nhau và yêu cầu về quản lý nhà nước, chuyên ngành cũng khác nhau. Các mặt hàng thức ăn chăn nuôi, thủy sản, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật là khác nhau, nên không thể áp dụng quản lý rủi ro như nhau…

Vững vàng hơn cả

Kết luận lại cuộc họp này, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng - Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định đề án đã có những giải pháp cải cách rất triệt để, tạo dư địa rất lớn cho tăng trưởng. Dù có ý kiến khác nhau, nhưng vẫn phải giữ nguyên tắc: cơ quan hải quan sẽ là đầu mối, là cơ quan duy nhất kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu.

Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng - Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định đề án đã có những giải pháp cải cách rất triệt để, tạo dư địa rất lớn cho tăng trưởng. Dù có ý kiến khác nhau, nhưng vẫn phải giữ nguyên tắc: cơ quan hải quan sẽ là đầu mối, là cơ quan duy nhất kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu.

Không chỉ chờ được Chính phủ giao “bảo kiếm”, trong thẩm quyền của mình, Bộ Tài chính tỏ ra vững vàng hơn cả khi theo đuổi con đường dám từ bỏ quyền lực để dốc lực khơi thông nguồn lực toàn xã hội phục vụ công cuộc phát triển đất nước như mong muốn của Thủ tướng. Công cuộc cải cách hành chính được hiện quyết liệt từ xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật; cải cách thủ tục hành chính; cải cách bộ máy hành chính; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công… tổ chức thực hiện và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực tài chính, đặc biệt trong các lĩnh vực thuế, hải quan và thu được nhiều kết quả đậm dấu ấn.

Bộ Tài chính đã trình Quốc hội ban hành 2 luật, trình Chính phủ ban hành 2 nghị định để thực hiện cắt giảm và đơn giản hoá 163 điều kiện (bao gồm cắt giảm 73 điều kiện và đơn giản hoá 90 điều kiện), thuộc 20 ngành nghề kinh doanh quy định tại Luật Đầu tư.

Theo đó, tổng số điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính còn hiệu lực (tính đến ngày 18/12/2020) là 290 điều kiện thuộc 20 ngành, nghề kinh doanh, giảm 80 điều kiện so với năm 2018. Bộ Tài chính cũng thành lập Tổ công tác của Bộ Tài chính đốc thúc việc thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025…

Dù vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng vẫn thấy rằng, đứng trước yêu cầu cải cách ngày càng cao, để nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính, khắc phục những tồn tại, bất cập của nền hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp hơn nữa, thì Bộ Tài chính phải tập trung thực hiện ráo riết hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính đối với doanh nghiệp, tập trung vào việc tháo gỡ các rào cản, vướng mắc về chính sách thuế, hải quan, chứng khoán, chế độ kế toán, kiểm toán, thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính trên cơ sở đảm bảo tôn trọng quyền tự do kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, ổn định, minh bạch, thông thoáng. Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các thủ tục hành chính mới, thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động, tính toán chi phí tuân thủ của thủ tục hành chính ngay từ khâu dự thảo, xây dựng văn bản quy phạm phát luật…

4 bản kế hoạch và ngôi vị á quân

Năm 2020, Bộ Tài chính đã ban hành 4 bản kế hoạch cải cách hành chính bao gồm: Kế hoạch cải cách hành chính năm 2020 bám sát 7 nội dung của công tác cải cách hành chính, gồm 50 nhóm nhiệm vụ tương ứng với 180 sản phẩm/hoạt động đầu ra cụ thể; Kế hoạch triển khai nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính năm 2020; Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020, với nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện nhằm cải thiện các chỉ số về nộp thuế, chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới và chỉ số vốn hóa thị trường chứng khoán; Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ về chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025.

Kết quả năm 2020, đã thực hiện 180/180 nhiệm vụ cải cách hành chính theo kế hoạch (100%). Luỹ kế từ ngày 1/1/2020 đến ngày 18/12/2020, Bộ Tài chính đã ban hành 15 quyết định công bố bãi bỏ 39 TTHC; sửa đổi, bổ sung, thay thế 60 TTHC trong các lĩnh vực: hải quan, kho bạc, công sản, thuế và kế toán, kiểm toán, quản lý nợ, thuế. 977/977 thủ tục hành chính của Bộ Tài chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến đạt 100%. Trong đó, số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của Bộ Tài chính đạt tỷ lệ rất cao, vượt 20% so với yêu cầu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2020 và Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ.

Ngày 19/5/2020, tại trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 (PAR index 2019) của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Theo đó, năm 2019 Bộ Tài chính tiếp tục giữ vững vị trí thứ 2/17 bộ, cơ quan ngang bộ với 94,77/100 điểm, tăng 4,58 điểm so với năm 2018 và đây là năm thứ 6 liên tiếp Bộ Tài chính nằm trong top 3 bộ đứng đầu về xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính.

Đoàn Trần

Đoàn Trần

© Thời báo Tài chính Việt Nam