Xem xét điều chỉnh địa giới một số đơn vị hành chính quận, phường thuộc Hà Nội

13:54 | 12/01/2021 Print
Mới đây, Chính phủ đã gửi đến Ủy ban Pháp luật Đề án về việc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính giữa các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy thuộc thành phố Hà Nội.

HTT

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Ngày 12/1, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thông qua các nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính, thành lập các đơn vị hành chính đô thị thuộc các tỉnh Bình Định, Hòa Bình, Bắc Ninh, Đắk Nông.

Thành lập một số phường, thị trấn

Cụ thể, UBTVQH đồng ý thành lập thị trấn Cát Tiến trên cơ sở toàn bộ 17,64 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 11.597 người của xã Cát Tiến. Sau khi thành lập thị trấn Cát Tiến thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định không thay đổi diện tích tự nhiên, dân số và số đơn vị hành chính trực thuộc, nhưng có tăng 1 thị trấn và giảm 1 xã (từ gồm 117 xã, 32 phường, 10 thị trấn thành 116 xã, 32 phường, 11 thị trấn).

UBTVQH cũng nhất trí thành lập phường Quỳnh Lâm và phường Trung Minh thuộc TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Sau khi thành lập hai phường này, tỉnh Hòa Bình không thay đổi diện tích tự nhiên, dân số và số đơn vị hành chính trực thuộc, nhưng có tăng 2 phường và giảm 2 xã (từ 10 phường, 10 thị trấn, 131 xã thành 12 phường, 10 thị trấn, 129 xã).

Đồng thời, thành lập 5 phường thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh gồm: phường Hương Mạc trên cơ sở nguyên trạng 5,58 km2 diện tích tự nhiên và dân số 19.576 người của xã Hương Mạc; phường Phù Chẩn trên cơ sở nguyên trạng 5,98 km2 diện tích tự nhiên và dân số 19.656 người của xã Phù Chẩn; phường Phù Khê trên cơ sở nguyên trạng 3,47 km2 diện tích tự nhiên và dân số 12.703người của xã Phù Khê; phường Tam Sơn trên cơ sở nguyên trạng 8,45 km2 diện tích tự nhiên và dân số 16.279 người của xã Tam Sơn; phường Tương Giang trên cơ sở nguyên trạng 5,66 km2 diện tích tự nhiên và dân số 12.811 người của xã Tương Giang.

Sau khi thành lập 5 phường này, tỉnh Bắc Ninh không thay đổi diện tích tự nhiên, dân số và số đơn vị hành chính các cấp trực thuộc, nhưng có tăng 5 phường và giảm 5 xã (từ 26 phường, 6 thị trấn, 94 xã thành 31 phường, 6 thị trấn, 89 xã).

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, việc tập trung nhiều làng nghề, đặc biệt ở các xã dự kiến thành lập phường giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và giải quyết tình trạng thiếu việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người lao động nhưng cũng sẽ dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm tiếng ồn. Do đó, đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương cần có giải pháp để bảo vệ môi trường, xây dựng các lò đốt rác và quy hoạch các điểm tập kết rác thải không ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Ngoài ra, UBTVQH cũng đồng ý điều chỉnh địa giới hành chính một số nơi thuộc tỉnh Đắk Nông, trên cơ sở không thay đổi diện tích tự nhiên, dân số và số đơn vị hành chính các cấp trực thuộc.

Các nghị quyết này sẽ có hiệu lực từ 1/2/2021 để các địa phương kịp thời kiện toàn tổ chức, phục vụ công tác bầu cử nhiệm kỳ mới.

Tạm dừng xem xét điều chỉnh đơn vị hành chính đến sau bầu cử

Liên quan đến công tác bầu cử, tại phiên họp, Uỷ ban Pháp luật cũng kiến nghị UBTVQH cho tạm dừng việc xem xét, quyết định các đề án về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã từ tháng 2/2021 đến khi tổ chức xong công tác bầu cử để tránh gây xáo trộn, phức tạp trong quá trình thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử, hiệp thương, giới thiệu người ứng cử, lập danh sách cử tri, chia đơn vị bầu cử,... do sự thay đổi giữa đơn vị hành chính mới và cũ.

Theo Uỷ ban Pháp luật, hiện còn 1 Đề án được Chính phủ gửi đến Ủy ban Pháp luật ngày 4/1 về việc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính giữa các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy thuộc thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, do Đề án này có nội dung phức tạp, liên quan đến việc điều chỉnh địa giới hành chính của nhiều đơn vị hành chính quận, phường trên địa bàn thành phố Hà Nội nên cần có thời gian nghiên cứu, thẩm tra kỹ lưỡng trước khi trình UBTVQH. Mặt khác, việc UBTVQH xem xét, quyết định tại phiên họp tháng 2/2021 hoặc tháng 3/2021 thì sẽ ảnh hưởng nhiều đến công tác chuẩn bị bầu cử. Do đó, Ủy ban Pháp luật sẽ tổ chức nghiên cứu, thẩm tra và trình UBTVQH xem xét, quyết định vào thời điểm thích hợp sau bầu cử.

Dương An

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam