Lỡ một nhịp, lùi vài năm

09:20 | 11/01/2021 Print
(TBTCVN) - “Bắt tay, lăn xả vào công việc ngay, không ngừng nghỉ”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, “GDP năm 2021 phải đạt từ 6,5% trở lên và sẵn sàng tăng tốc từ năm 2022. Cứ 1% tăng trưởng GDP sẽ giải quyết 300.000 việc làm cho người dân, nên phải có tăng trưởng cao”.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Mới hơn tháng trước, tháng 11/2020, báo cáo tại Quốc hội, trên cơ sở đã tính toán, cân đối các nguồn lực gắn với bối cảnh dự báo cho năm 2021, nhất là tình hình Covid-19 trong nước và thế giới, con số GDP mà Chính phủ mong muốn đạt được trong năm 2021 là tăng khoảng 6%. Thủ tướng bày tỏ, “mức tăng trưởng này còn khiêm tốn so với tiềm năng của đất nước”.

Chính phủ phải đưa ra con số ở mức khiêm tốn đó, theo Thủ tướng là vì tình hình dịch bệnh còn phức tạp, cùng với những căng thẳng, diễn biến chính trị khó lường trong khu vực và trên thế giới, có thể ảnh hưởng tiêu cực hoặc tích cực tới triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu. Ông cũng cho biết Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng các kịch bản tăng trưởng và phương án hành động khác nhau, để bất luận trong trường hợp nào, vẫn giữ được sự chủ động chiến lược và hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội tốt nhất.

Quốc hội đồng cảm với đề nghị này của Chính phủ. Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 khoảng 6%. Nhưng chỉ một tháng sau, tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng thấy mặc dù để đạt được mục tiêu này là rất thách thức, nhưng không thể yên tâm với con số tăng 6% trong năm tới. Với quyết tâm chính trị cao, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu trong điều hành GDP 2021 thêm ít nhất 0,5 điểm phần trăm, lên mức 6,5% và đặt quyết tâm cao hơn cho các chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác.

“Cần xác định rõ mục tiêu tăng trưởng kinh tế là đặc biệt quan trọng. Tăng trưởng không chỉ tạo nên nền tảng vững chắc cho ổn định vĩ mô mà còn bảo đảm việc làm, thu nhập, tạo nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, đồng thời góp phần chống tụt hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, “GDP năm 2021 phải đạt từ 6,5% trở lên”.

Tăng trưởng cao luôn là mục tiêu mà Chính phủ kiên trì theo đuổi trong nhiều nhiệm kỳ qua và cho đến nhiệm kỳ 2016 - 2020, con số này đạt ngưỡng kỳ tích khi trong 3 năm liên tục 2017, 2018, 2019 đều vượt 7%, đưa Việt Nam trở thành một 10 quốc gia trên thế giới có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất; một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong năm 2020.

Thủ tướng luôn nêu rõ quan điểm rằng, “cả yêu cầu nội tại và yêu cầu từ bên ngoài để tránh tụt hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới đưa đất nước ta phát triển mạnh mẽ hơn, bền vững hơn, hiệu quả hơn”.

Cũng bởi vậy, trong năm GDP đạt kết quả rực rỡ là năm 2019, người đứng đầu Chính phủ vẫn thấy thấp thỏm, “chúng ta chỉ cần lỡ một nhịp tăng trưởng, cột mốc đó sẽ bị lùi lại ít nhất vài năm”.

Và đại dịch Covid-19 ập đến. Nỗi lo của Thủ tướng đã thành hiện thực, năm 2020 đã lỡ một nhịp tăng trưởng. Chính phủ đang phải đối mặt với “thách thức lớn nhất chính là thiếu ý chí vươn lên và nguy cơ lớn nhất là thiếu quyết tâm hành động”, như nhận định của Thủ tướng. Vậy nên không còn lựa chọn nào khác là phải sải bước tiến về phía trước, bền gan vững chí với nỗ lực cao nhất.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi, “hơn lúc nào hết, đây là thời điểm chúng ta cần phải củng cố niềm tin vào những giá trị truyền thống, tin vào bản lĩnh, khí phách, sự gan góc của một dân tộc anh hùng. Chúng ta đã vừa có một năm thành công nhất trong 5 năm nhiệm kỳ về ý chí và tinh thần vượt khó vươn lên. Dẫu cho đại dịch Covid-19, hay thiên tai đều khó đoán định, cũng không thể cản trở nền kinh tế chúng ta, đất nước chúng ta tiếp tục tiến nhanh về phía trước và chắc chắn rằng dân tộc chúng ta sẽ tiếp tục tiến nhanh hơn nữa về phía trước như tinh thần dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 13 của Đảng sắp khai mạc vào ngày 25/1/2021”.

Đoàn Trần

Đoàn Trần

© Thời báo Tài chính Việt Nam