Tháng ngày vất vả, thành quả tràn đầy

13:53 | 02/01/2021 Print
(TBTCVN) - “Bất ngờ”, “đặc biệt”, “nổi bật” là những cụm từ mà các lãnh đạo cao nhất của đất nước nhắc đến năm 2020, một năm mà không có tháng ngày nào là không vất vả. Đại dịch, nắng lửa, bão giông chen chân tấn công. Vượt qua tất cả, đất nước “bội thu” thành công.

Bất chấp dịch bệnh, thiên tai Việt Nam vẫn xuất siêu hơn 19 tỷ USD trong năm 2020.

Bất chấp dịch bệnh, thiên tai Việt Nam vẫn xuất siêu hơn 19 tỷ USD trong năm 2020.

Năm thành công nhất về ý chí và tinh thần vượt khó

Năm 2020, một năm kiên cường, thách thức càng lớn, quyết tâm càng cao. Đại dịch Covid-19 hoành hành không những không thể bẻ gãy ý chí phát triển mà còn mở cơ hội cho Việt Nam tỏa sáng trên trường quốc tế như bình luận trên trang điện tử của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF): “Việt Nam trở thành ngọn hải đăng với hành động mau lẹ”. Đại sứ EU tại Việt Nam còn thốt lên đầy thán phục: "Ở lại Việt Nam thời dịch là một may mắn "xa xỉ"...".

Thiên tai dồn dập không những không thể cuốn đi tinh thần quả cảm, mà còn nhân lên sức mạnh của tình người, nhân lên nghị lực của một Việt Nam luôn cần cù chịu thương, chịu khó, bất luận hoàn cảnh nào cũng có thể làm nên những mùa màng tốt tươi. Từ ngày đầu tiên cho đến từng ngày qua đi của năm 2020, thiên tai diễn ra khốc liệt, dị thường trên khắp các vùng miền của cả nước. Việt Nam đã phải hứng chịu 576 trận thiên tai, trong đó có 14 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới, 264 trận dông, lốc, sét, mưa đá, 132 trận lũ quét, sạt lở đất, 90 trận động đất. Cùng với đó, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển nghiêm trọng tại đồng bằng sông Cửu Long… Thế nhưng, cả nước vẫn thắng lợi lớn mùa lúa với sản lượng đạt 42,7 triệu tấn, năng suất tăng 0,5 tạ/ha so với năm 2019...

Nỗi lo lớn nhất đã không còn “nhất” là ngân sách nhà nước. Nếu như ở thời điểm tháng 10/2020, Chính phủ báo cáo Quốc hội con số giảm thu ngân sách năm 2020 lên tới 190 nghìn tỷ đồng, thì vào những ngày cuối năm, thu ngân sách đã đạt 98,3% dự toán; con số giảm thu chỉ còn chưa tới một nửa con số đã báo cáo…

Dẫn câu ngạn ngữ, “thành công không chỉ được đo bằng những gì đạt được mà còn bởi những trở ngại đã vượt qua”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thấy năm 2020 đạt được những thành quả đặc biệt và đây có thể được xem là năm thành công nhất trong 5 năm trong nhiệm kỳ 2016 - 2020 về ý chí và tinh thần vượt khó vươn lên. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tương lai đất nước, cơ đồ dân tộc không ngừng được củng cố và vun đắp.

Một câu nói gọn

Hội nghị Chính phủ với các địa phương tổng kết năm 2020 là lần thứ 4 liên tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tới dự. Đây là nhiệm kỳ đầu tiên trong lịch sử hoạt động của Chính phủ, các hội nghị Chính phủ với các địa phương vào cuối mỗi năm có sự hiện diện của người đứng đầu Đảng và Nhà nước. Cùng với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là Chủ tịch Quốc hội và hàng loạt ủy viên Bộ Chính trị, tạo nên tiếng vang cũng như niềm hứng khởi chưa từng có cho các hội nghị này của Chính phủ.

Trong lần đầu tiên tới dự hội nghị Chính phủ và các địa phương vào tháng 12 năm 2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ: “Tôi có nói vui, với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là từ thuở bé đến nay mới được dự họp Chính phủ". Kể từ đó GDP bước vào thời kỳ tăng tốc vượt trội. Tháng 12 năm 2018, dự hội nghị Chính phủ với các địa phương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tràn ngập cảm xúc, “đi qua năm 2018 với đầy ắp các sự kiện, bước vào năm 2019 với nhiều niềm tin, hy vọng mới” và gọi đây là “thời điểm giao thoa thiêng liêng”, đồng thời yêu cầu Chính phủ, “một câu nói gọn thôi, năm 2019 phải hơn hoặc chí ít bằng năm 2018”.

Trong bối cảnh lúc bấy giờ, một câu nói gọn của Tổng Bí thư, đó cũng là cả trời thách thức, khi mà kết quả đạt được năm 2018 đã đạt đỉnh cao, tiếp tục trụ hạng là thành công, vượt lên nữa là điều vô cùng khó khăn. Nhưng Chính phủ quyết đưa kết quả kinh tế - xã hội năm 2019 phải cao hơn, đúng như yêu cầu của Tổng Bí thư. Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thêm vào phương châm hành động của Chính phủ năm 2019 hai từ “bứt phá” và kêu gọi cả bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa phương hợp lực. Theo Thủ tướng, muốn có bứt phá, thì điều cốt tử, là đoàn kết, chung lòng, chung sức.

Tròn năm sau yêu cầu “một câu nói gọn thôi, năm 2019 phải hơn hoặc chí ít bằng năm 2018”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tới dự hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 30/12/2019 để chứng kiến kết quả rực rỡ của nền kinh tế sau “một câu nói gọn” này. Tại đây, ông ghi nhận “mức tăng trưởng kinh tế của năm 2019 đạt trên 7%, cao hơn mức kế hoạch (6,6 - 6,8%), thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới; nâng quy mô GDP lên khoảng 266 tỷ USD, bình quân đạt gần 2.800 USD/người, điều chưa có trong lịch sử nước ta”.

Hội nghị Chính phủ với các địa phương cuối năm 2020, nhắc lại, “dự hội nghị Chính phủ với các địa phương năm ngoái, tôi có chúc rằng các đồng chí phấn đấu làm sao để năm 2020 phải hơn 2019”, người đứng đầu Đảng và Nhà nước thấy, “mặc dù không hoàn thành được một số chỉ tiêu đề ra từ đầu năm, chủ yếu do nguyên nhân khách quan, nhưng năm 2020 vẫn được xem là năm thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm qua với những kết quả, thành tích đặc biệt”. Thêm một lần nữa, ông chúc Chính phủ trong một câu nói gọn, “năm 2021 đạt được nhiều thành tích và tiến bộ hơn năm 2020”.

“Với tất cả sự khiêm tốn...”

Bắt đầu bằng một cái tên hiền lành “cúm mùa đông”, Covid-19 trở thành cơn bão tử thần khi trong 12 tháng qua xuất hiện và lây lan ở 218 quốc gia và vùng lãnh thổ, cướp đi mạng sống của gần 2 triệu người trên thế giới và thế giới đã hơn 81 triệu ca nhiễm. Việt Nam thành công trong chống đại dịch, với nguyên nhân đầu tiên dẫn đến thành công, là từ sự khiêm tốn của một nước còn nghèo, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, “đất nước chúng ta nguồn lực mong manh, nếu để xảy ra dịch bệnh tràn lan, dân rất khổ”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 kể, từ khi bắt đầu nhen nhúm có căn bệnh mới, thế giới còn chưa biết tên con virus thì ở Việt Nam, từ một năm trước, tháng 12/2019, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ngành Y tế, tham vấn các tổ chức quốc tế, lên một kế hoạch để chống dịch rất căn cơ, bài bản.

“Lúc đó tôi còn nhớ những văn bản đầu tiên, Chính phủ gọi là chống bệnh dịch mùa đông và Việt Nam đưa ra các giải pháp sớm hơn một bước và cao hơn một bước so với khuyến nghị của các tổ chức quốc tế” - Phó Thủ tướng nói và cho hay: “Lúc ban đầu phải nói rằng cũng phải thuyết phục bè bạn quốc tế vì có người nghi ngờ, có người thì tranh luận. Nhưng sau này họ đều thừa nhận, chúng ta đã xác định được những giải pháp rất đúng, rất sớm, rất kiên quyết và hiệu quả kinh tế cao nhất. Phí tổn cho chống dịch của Việt Nam đến ngày hôm nay rất thấp”.

Không chỉ thành công trong chống đại dịch, Việt Nam thành công trong phát triển kinh tế, bởi sự nỗ lực không ngừng bắt nguồn vẫn từ một tinh thần khiêm tốn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, “quy mô nền kinh tế của chúng ta quá nhỏ bé, tăng trưởng quá thấp, thật sự rất đáng lo, không thể không cố gắng và cố gắng hơn nữa”.

Năm 2020 khép lại với thành quả, Việt Nam được đánh giá là một trong số 10 nước trên thế giới có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất; một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong năm 2020. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định trong bài viết cho dịp Tết Độc lập 2020: “Tôi đã nhiều lần nói rằng, với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể khẳng định: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Đoàn Trần

Đoàn Trần

© Thời báo Tài chính Việt Nam