Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cần phải phát huy bản lĩnh, khí chất Việt Nam

14:13 | 29/12/2020 Print
Phát biểu kết luận hội nghị Chính phủ với các địa phương cuối giờ sáng 29/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, các ngành cần phát huy bản lĩnh, khí chất của người Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ thời gian tới.

thủ tướng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu kết luận hội nghị rất ấn tượng. Ảnh: TL.

“Tư lệnh ngành không được im lặng với địa phương”

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vượt qua được những khó khăn thách thức của năm 2020 là nhờ sự đoàn kết đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

Thủ tướng khẳng định, có được thành quả quan trọng toàn diện nêu trên chính là nhờ sự nỗ lực từ hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước đặc biệt là cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, lĩnh vực từ Trung ương đến địa phương, hệ thống Dân vận Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng.

“Chúng ta phát huy được sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc gắn với sức mạnh của thời đại, biến thách thức thành cơ hội, tận dụng tốt các điều kiện thuận lợi, nỗ lực phấn đấu cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh các vấn đề được nêu trong phiên họp cần sớm được rà soát và đưa vào nghị quyết.

“Các bộ trưởng, tư lệnh ngành không được im lặng với các địa phương, được hay không được phải nêu quan điểm rõ ràng. Thường xuyên trao đổi trực tiếp xử lý vấn đề phát sinh, giải quyết bức xúc trong đời sống nhân dân, không để mất thời cơ xử lý”, Thủ tướng nhấn mạnh. Với địa phương có việc thì bay ra Hà Nội trực tiếp xử lý luôn, Thủ tướng cho rằng phải có phong cách làm việc mới, chấn chỉnh cách thức làm việc quan liêu, giấy tờ.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong năm vừa qua, chưa bao giờ cả hệ thống chính trị, cơ quan Đảng, Chính phủ và các cấp ngành đều nhất trí, đồng thuận cao, đặc biệt là trong việc đánh giá tình hình thực hiện, định hướng giải pháp trong giai đoạn tới.

Thủ tướng nhắc lại đánh giá của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Năm 2020 là năm thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất, là thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử làm cho đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực như hôm nay”.

Thủ tướng khẳng định: tất cả lĩnh vực đạt được kết quả quan trọng, toàn diện gồm: mục tiêu kép thành công, vĩ mô ổn định, giải ngân vốn đầu tư công cao nhất, phát triển văn hóa xã hội tiến bộ, cải cách thủ tục hành chính, quốc phòng an ninh vững chắc… Kết quả 5 năm qua có được là nhờ sự đoàn kết, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân cả nước.

“Chúng ta phát huy sức mạnh đoàn kết, dân tộc, biến thách thức thành cơ hội, hoàn thành mục tiêu đề ra. Tuy vậy, chúng ta không được chủ quan, khi nền kinh tế còn nhiều hạn chế, yếu kém, đất nước còn nhiều khó khăn, thách thức cần vượt qua”, người đứng đầu Chính phủ nói.

Thủ tướng cho rằng, tình hình sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, đặc biệt ngành dịch vụ, du lịch, hàng không. Thực hiện kết cấu hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, đời sống một bộ phận nhân dân còn khó khăn. Việc thực thi chấp hành pháp luật có nơi chưa nghiêm, tham nhũng lãng phí có nơi chưa được xử lý kịp thời. Thời tiết cực đoan đang diễn ra ngày càng nhiều, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia còn nhiều thách thức, tình hình tội phạm còn phức tạp…

“Mỗi GDP tăng trưởng, giải quyết hàng trăm nghìn việc làm”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, nguy cơ, thách thức đặt ra trong năm 2021 - là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đó là kinh tế thế giới diễn biến phức tạp khó lường, xu hướng bảo hộ diễn ra, đặc biệt Covid-19 tác động tiêu cực và kéo dài, trong nước gặp khó khăn do tác động dịch bệnh, thiên tai, hạn hán… Vì vậy, chủ đề năm 2021 là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo và khát vọng phát triển”, với định hướng điều hành là đổi mới tư duy để phát triển hiệu quả hơn, biến thách thức thành cơ hội, đón dòng vốn đầu tư, chuyển đổi số…

Thủ tướng nhấn mạnh: “Phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị với niềm tin và khát vọng mạnh mẽ, nỗ lực phấn đấu thành công và toàn diện các mục tiêu, định hướng chiến lược, sớm hiện thực hóa khát vọng phát triển để năm 2045 đưa Việt Nam thành nước có thu nhập cao”.

Thống nhất Nghị quyết 01 và 02, Thủ tướng yêu cầu, để thực hiện khát vọng ý chí vươn lên xây dựng đất nước hùng cường, ngay từ đầu năm phải bắt tay vào việc, không ngừng nghỉ.

“Cần phải có tâm huyết, sáng tạo, lăn xả, hy sinh làm việc cho bộ, ngành mình phát triển”, người đứng đầu Chính phủ đề nghị.

Năm 2021, Thủ tướng khẳng định, cần tiếp tục duy trì nền tảng vĩ mô ổn định, không để lạm phát cao và các cân đối lớn của quốc gia phải được giữ gìn, vun đắp, đặc biệt là các ngành kinh tế tổng hợp như tài chính, ngân hàng, công thương, kế hoạch, lương thực, năng lượng, các thành phố lớn. Phấn đấu Việt Nam là nền kinh tế năng động, sáng tạo, tăng trưởng nhanh nhưng bền vững.

“Xác định rõ mục tiêu tăng trưởng kinh tế không chỉ là động lực quan trọng, tạo nền tảng vững chắc vĩ mô mà còn đảm bảo việc làm, thu nhập, thực hiện chính sách an sinh xã hội, chống tụt hậu và thu hẹp khoảng cách phát triển. Cỗ xe tam mã gồm sản xuất - tiêu dùng - xuất khẩu cần được vận hành đồng bộ, quyết liệt. Mỗi % GDP tăng trưởng giải quyết hàng trăm nghìn việc làm”, Thủ tướng phân tích thêm.

Theo đó, với mục tiêu Quốc hội đề ra tăng trưởng GDP là 6%, Chính phủ và Thủ tướng đặt ra mục tiêu phấn đấu là 6,5% hoặc cao hơn, tạo yếu tố nền tảng tăng tốc trong giai đoạn tới, các địa phương nỗ lực đạt mức cao hơn trong bối cảnh mục tiêu kép.

Thủ tướng yêu cầu tăng trưởng kinh tế số lượng gắn với nâng cao chất lượng, là nhiệm vụ trọng tâm nhất là lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin, du lịch, phát triển đô thị thông minh. Phát huy ngành có thế mạnh, công nghệ thông tin, y tế, nông nghiệp sạch công nghệ cao và du lịch, dịch vụ. Tinh thần là bắt kịp, tiến cùng và vượt lên khu vực hoặc mặt bằng chung của khu vực và thế giới, phấn đấu đưa Việt Nam là cường quốc nông nghiệp, sản xuất nông sản sạch và hiện đại.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: Quán triệt nghiêm túc tinh thần ĐH Đảng XIII với 3 đột phá chiến lược, thể chế là nền tảng, điều kiện tiên quyết, các bộ ngành phải cải cách thể chế pháp luật tốt hơn nữa, vận dụng sáng tạo đúng quy luật pháp luật. Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, rà soát quy định, cơ chế chính sách pháp luật còn bất cập, cản trở cho môi trường đầu tư kinh doanh…

Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu từng bộ sớm đề xuất tháo gỡ thể chế còn ràng buộc như về đất đai; các bộ ngành và lãnh đạo chú trọng đổi mới quản trị quốc gia, đổi mới quản lý bộ máy nhà nước, phân cấp phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo.

“Quản trị thế nào cho địa phương, ngành có hiệu quả, hay chúng ta chỉ họp suốt mà không có sản phẩm. Theo đó tiếp tục phân cấp mạnh mẽ hơn, trên cơ sở kiểm tra, đôn đốc các ngành cấp và địa phương”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng đề nghị, cần đặc biệt chú trọng chính sách phát triển bền vững, kinh tế xã hội và môi trường. Đảm bảo an toàn cho công dân và an ninh kinh tế, an toàn hệ thống tài chính ngân hàng, kiên quyết không đánh đổi tăng trưởng kinh tế và môi trường, xử lý nghiêm ô nhiễm, chú trọng trồng rừng bảo vệ rừng và đảm bảo an ninh nguồn nước. Thực hiện tốt 3 mục tiêu quốc gia là dân tộc miền núi, nông nghiệp nông thôn và xóa nghèo…

“Thời gian tới, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhà nước, gần dân, lắng nghe dân, phục vụ dân từ cán bộ xã, cán bộ trung, cao cấp; đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm và chống lãng phí…”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh./.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam