Xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP.Hồ Chí Minh và Đà Nẵng

10:54 | 29/12/2020 Print
Một trong những công việc trọng tâm trong năm 2021 là lập đề án xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại T.P Hồ Chí Minh và Đà Nẵng để tận dụng các cơ hội dịch chuyển dòng vốn, xu hướng đầu tư trên toàn cầu.

KHĐT

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Đây là thông tin Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết tại Hội nghị Chính phủ với địa phương sáng 29/12.

Năm 2021: Phòng chống dịch vẫn ưu tiên hàng đầu

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những kết quả năm 2020 cho thấy các bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành. Thứ nhất, đó là phát huy mạnh mẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp (DN). Thứ hai, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ trương đúng đắn này được triển khai suốt thời gian qua và cần được thực hiện mạnh mẽ thời gian tới trong bối cảnh rất khó đoán định. Cùng với đó, tận dụng các cơ hội để tái cơ cấu nền kinh tế, thu hút FDI… để gia tăng khả năng chống chịu, sự độc lập, tự chủ của nền kinh tế. Thứ ba, nhận định, đánh giá đúng tình hình về khó khăn, thách thức và cơ hội, xây dựng giải pháp, đối sách phù hợp. Thứ tư, thường xuyên đổi mới sáng tạo, nâng cao bản lĩnh trí tuệ trong công tác tham mưu...

"Công tác triển khai thực hiện "mục tiêu kép" năm 2020 đã cho thấy công tác tham mưu kịp thời, chính xác, hiệu quả các chính sách, giải pháp và việc triển khai quyết liệt của các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là các lĩnh vực Y tế, Quốc phòng, Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng, Lao động - Thương binh và Xã hội...", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm của năm 2021.

Trước hết, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng phải xác định diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 còn rất phức tạp, có thể còn kéo dài trong một số năm, nên cần phải kế thừa, phát huy các bài học kinh nghiệm, tiếp tục thực hiện "mục tiêu kép" một cách linh hoạt, hiệu quả. Phòng, chống dịch Covid-19 vẫn là ưu tiên hàng đầu, trở thành điều kiện cần quan trọng nhất để triển khai các giải pháp, chính sách về kinh tế - xã hội , ngân sách nhà nước. Việc mở cửa lại nền kinh tế, cho phép giao thương với thế giới vẫn cần phải được xem xét và có bước đi thận trọng.

Cùng với đó, tranh thủ tận dụng thời cơ và cơ hội, đẩy nhanh tiến độ cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Khẩn trương lập đề án xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.Hồ Chí Minh và Đà Nẵng để tận dụng các cơ hội dịch chuyển dòng vốn, xu hướng đầu tư trên toàn cầu. Tập trung hoàn thiện nhanh khung khổ pháp lý kết hợp triển khai thử nghiệm các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số, cung cấp dịch vụ công; triển khai toàn diện Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho DN Việt Nam; phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia, các trung tâm ở 3 thành phố lớn.

Kiểm soát lạm phát năm 2021 dự báo gặp nhiều khó khăn

Trong công tác quy hoạch, Bộ trưởng cho rằng cần tập trung cao độ đẩy nhanh công tác lập quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch. Bởi việc hoàn thành, phê duyệt, công bố kịp thời các quy hoạch sẽ tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các giải pháp huy động nguồn lực, triển khai các chương trình, dự án trọng điểm, thúc đẩy liên kết nội vùng, liên vùng, hội nhập quốc tế, khai thác, phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, đô thị lớn. Đặc biệt, ngay từ năm 2021, cần tập trung nguồn lực cho các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cảng hàng không quốc tế Long Thành, các tuyến đường ven biển, tuyến giao thông kết nối, cảng biển, sân bay, đường cao tốc, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển...

Thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô cũng là vấn đề cần đặc biệt chú trọng trong năm 2021, nhất là khi dự báo tình hình kiểm soát lạm phát sẽ gặp nhiều khó khăn. Với sự xuất hiện của vắc-xin Covid-19 khả năng kinh tế, các chuỗi cung ứng, thị trường và thương mại thế giới sẽ phục hồi nhanh hơn dự báo, giá cả hàng hóa thế giới sẽ có biến động mạnh, tác động đến tình hình lạm phát và diễn biến chỉ số CPI trong nước. "Điều này đòi hỏi công tác điều hành giá, nhất là giá cả các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước điều hành cần thận trọng, bám sát diễn biến tình hình giá cả hằng tháng để có quyết định điều chỉnh phù hợp", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Song song với các giải pháp ổn định vĩ mô, một nhiệm vụ được nhấn mạnh là tiếp tục các chính sách hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, đẩy mạnh hơn nữa cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển DN theo hướng nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả và quy mô DN, tạo điều kiện để các DN trong nước lớn mạnh, đủ sức vươn ra và cạnh tranh quốc tế, tham gia mạnh mẽ chuỗi giá trị toàn cầu.

Triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ DN, DN khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp công nghệ số... nhanh chóng cơ cấu lại DN. Khuyến khích các DN Việt Nam có điều kiện tham gia thị trường mua bán, sáp nhập, qua đó hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, mang tính dẫn dắt các DN nhỏ và vừa, có đóng góp lớn cho phát triển kinh tế- xã hội.

Dương An

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam