Bài 2: Thông điệp 4 “không” và cuộc tổng tấn công vào lợi ích nhóm

10:30 | 27/11/2020 Print
(TBTCVN) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát đi thông điệp, “không khoan nhượng, không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ. Kiên quyết loại bỏ những cán bộ hư hỏng, tham nhũng ra khỏi bộ máy”.

Bị cáo Đinh La Thăng trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước

Bị cáo Đinh La Thăng trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

>> Bài 1: Câu hỏi 10 năm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Hàng loạt luật đã được sửa đổi, bổ sung để siết chặt vòng vây, như sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Bộ luật Hình sự 2015, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017, Luật Phòng chống tham nhũng… Cùng với đó là kỷ luật đảng, như Quy định số 102 của Bộ Chính trị, được ví như tuyên ngôn “báo tử” cho tư tưởng nghỉ hưu là hết chuyện, là "hạ cánh an toàn”; Quy định số 85 của Bộ Chính trị về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Lần giở trước đèn

Tháng 10/2011, lần đầu tiên, vấn đề “lợi ích nhóm” được đề cập tại một diễn đàn chính thức là Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, trong bài phát biểu kết thúc Hội nghị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Khi đó, Tổng Bí thư cảnh báo nguy cơ về “lợi ích nhóm” rằng: “Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách đầu tư phải có tầm nhìn xa, không bị “tư duy nhiệm kỳ”, tư tưởng cục bộ, bệnh thành tích, chủ quan duy ý chí hay “lợi ích nhóm” chi phối…”.

Tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp Quốc hội thứ 4 (tháng 10/2012), Tổng Bí thư tiếp tục nhắc đến nguy cơ này, một cách trực diện hơn nhiều bằng những đúc kết rất dân dã lợi ích nhóm là một thứ liên kết móc ngoặc với nhau thành đường dây vì “miếng ăn”, mà “miếng ăn là miếng tồi tàn/mất ăn một miếng, lộn gan lên đầu”… Từ sự mở màn của Tổng Bí thư, trong suốt cả năm 2012, vấn đề “lợi ích nhóm” thâu tóm quyền lực kinh tế làm cho lòng dân không yên luôn là tâm điểm sôi sục của dư luận.

Diễn đàn Quốc hội bắt đầu những kỳ họp ròng rã với muôn vàn bức xúc, trăn trở của đại biểu Quốc hội về “lợi ích nhóm”. Tháng 9/2012, trong báo cáo “Từ bất ổn vĩ mô đến con đường tái cơ cấu” Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã lần đầu tiên đưa ra một loạt những nhận định mang tính chất “bom tấn” về lợi ích nhóm. Theo đó, ủy ban này cho biết những nhóm lợi ích ở Việt Nam hoạt động rất linh hoạt, theo từng vụ việc và vây quanh một số cá nhân nhất định. Lợi dụng tính thiếu công khai, minh bạch, các nhóm lợi ích thường tiếp xúc theo “quan hệ” cá nhân. Có thể đặt quan hệ trực tiếp hay qua con cái, thân quen mà chất kết dính là lợi ích tiền bạc. Lợi ích nhóm ở Việt Nam có đặc trưng là liên quan đến những người có chức, có quyền, nhất là quyền liên quan đến cán bộ, tài chính, ngân sách, đầu tư, đất đai, rừng biển…

Tại Kỳ họp thứ ba (tháng 5/2012), Phó Trưởng đoàn Quốc hội tỉnh Bình Dương Huỳnh Ngọc Đáng kêu gọi Quốc hội cảnh giác với tác động của các nhóm lợi ích. Ông Đáng tiếp tục nhắc lại vấn đề này tại Kỳ họp thứ 5, (tháng 5/2013) một cách gay gắt hơn khi nhận định, trong bức tranh kinh tế đất nước đang có nhiều mảng tối, thì sự hiện diện của nhóm lợi ích, càng khiến nó trở nên tối tăm hơn. Sự tồn tại và thao túng của nhóm lợi ích, khiến cho không ít doanh nghiệp hiện chỉ còn cách ngao ngán và nín thở chờ bị thôn tính…

Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Nguyễn Thị Khá đặt câu hỏi liệu việc “phát hiện tham nhũng nhiều, xử lý nhẹ có tiêu cực không? Có lợi ích nhóm không? Có độc lập trong điều tra, khởi tố, xét xử hay không?”. Bởi theo bà, các vụ án tham nhũng lớn, đối tượng đã tính kỹ đường đi nước bước để đạt được mục đích và cùng liên kết với nhau để che giấu tội, tìm cách chạy tội. Lợi ích nhóm ở đó, chứ còn tìm ở đâu…

Thông điệp 4 “không”

Tuy nhiên, thời điểm bấy giờ, chiến đấu thế nào với lợi ích nhóm vẫn là con đường mịt mùng, khi ngay về khái niệm “lợi ích nhóm” cũng còn chưa rõ ràng. Tại một Hội thảo về “Thực trạng, xu hướng và giải pháp phòng chống “lợi ích nhóm” ở nước ta hiện nay”, do Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tổ chức vào ngày 3/1/2014, nhiều ý kiến cho rằng việc chưa có sự thống nhất trong nhận diện “lợi ích nhóm” không chỉ gây khó khăn cho những người làm công tác xây dựng Đảng và công tác kiểm tra của Đảng, mà bản thân những người làm công tác nghiên cứu khoa học cũng gặp khó khăn.

Lợi ích nhóm là sản phẩm tất yếu của kinh tế thị trường. Có lợi ích nhóm đa số, lợi ích nhóm thiểu số, lợi ích nhóm tiêu cực, lợi ích nhóm tích cực. Dù vậy, các ý kiến cũng đi đến được thống nhất “lợi ích nhóm” xuất hiện với tần suất dầy đặc trong suốt thời gian qua trong đời sống kinh tế và chính trị của Việt Nam, luôn gắn với nghĩa tiêu cực là chủ yếu.

Lợi ích nhóm ở Việt Nam là trở lực lớn trong quá trình thực hiện quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; làm méo mó chính sách, gây thiệt hại lớn đối với tài sản của Nhà nước; làm tha hóa đội ngũ cán bộ, công chức, đảo lộn những chuẩn mực, giá trị đạo đức xã hội; làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ…

Và, phải đến nhiệm kỳ 2016 - 2020, cuộc tổng tiến công vào lợi ích nhóm mới thực sự được “khai hỏa” . Trong bài viết cho dịp Tết Độc lập năm 2016, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chỉ thẳng: “chưa bao giờ trong lịch sử hơn 70 năm Nhà nước ta lại xuất hiện những biểu hiện tiêu cực như hiện nay “tư bản thân hữu”, “lợi ích nhóm”, “sân sau của gia đình”; xuất hiện sự cấu kết quyền lực với lợi ích kinh tế, lèo lái chính sách, dàn dựng để tạo ra các cú “áp-phe” lớn mang lại lợi ích “khủng” cho một số cá nhân và phe nhóm... gây thiệt hại khôn lường cho ngân sách nhà nước, làm chao đảo nền kinh tế”.

Các vụ án tham nhũng lớn, đặc biệt nghiêm trọng được đem ra xét xử hay chưa xét xử, thấy thấp thoáng "bóng dáng" của những cán bộ nắm giữ vị trí quản lý, thậm chí cả cán bộ quản lý ở cấp cao.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát đi thông điệp, “không khoan nhượng, không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ. Kiên quyết loại bỏ những cán bộ hư hỏng, tham nhũng ra khỏi bộ máy”. Hàng loạt luật đã được sửa đổi, bổ sung để siết chặt vòng vây, như sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Bộ luật Hình sự 2015, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017, Luật Phòng chống tham nhũng… Cùng với đó là kỷ luật Đảng, như Quy định số 102 của Bộ Chính trị, được ví như tuyên ngôn “báo tử” cho tư tưởng nghỉ hưu là hết chuyện, là "hạ cánh an toàn”; Quy định số 85 của Bộ Chính trị về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Đặc biệt, Quy định số 1 của Bộ Chính trị về trách nhiệm và thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra trong công tác phòng, chống tham nhũng nêu, đảng viên ở bất cứ cương vị công tác nào, có dấu hiệu tham nhũng đều phải được xem xét làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Các vụ đại án hiện thân của lợi ích nhóm lần lượt bị đưa ra ánh sáng pháp đình. Có thể kể đến như vụ đại án Đinh La Thăng và đồng phạm phạm tội tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Ngay lúc này, khi đang chịu án tù 30 năm, Đinh La Thăng tiếp tục bị truy tố trong vụ án xảy ra tại Công ty CP Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB).

Đại án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm phạm tội tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam – PVC và Công ty cổ phần Bất động sản Điện lực dầu khí Việt Nam – PVP Land. Đại án Hà Văn Thắm và đồng phạm phạm tội tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương – Ocean Bank. Đại án Trần Phương Bình và đồng phạm phạm tội tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á – DAB. Đại án Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm phạm tội tại Công ty Bắc Nam 79 và Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á – DAB…

Tiếng vọng sau 8 năm

Trong cuộc tổng tấn công, ngay từ phút đầu của trận chiến, ngân hàng đã nổi lên là lĩnh vực tồn tại dữ dội nhất của lợi ích nhóm. Trả lời trước Quốc hội ngày 13/11/2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, “tôi khẳng định có lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực nhất định. Cả một ngân hàng chỉ phụ thuộc vào quyết định của một vài ông, kiểm soát hết hoạt động thì các khách hàng thân quen được hưởng lợi ích”.

Song tình hình thực tế không nhẹ nhàng như lời này của ông Bình. 8 năm sau, khi đã là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Văn Bình nhận kỷ luật cảnh cáo của Bộ Chính trị vì những vi phạm, khuyết điểm trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Đoàn Trần

Đoàn Trần

© Thời báo Tài chính Việt Nam