ASEAN+3: Năng lượng là vấn đề được đặc biệt quan tâm

18:22 | 20/11/2020 Print
Kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng cao cấp Đông Á lần thứ 14, các nước ASEAN tái khẳng định tầm quan trọng của việc đảm bảo nguồn cung cấp ổn định và năng lượng sạch với mức giá hợp lý để hỗ trợ các hoạt động kinh tế, nhất là sau đại dịch Covid - 19.

asean

Đại diện Bộ Công thương tại buổi họp báo. Ảnh: T.U

Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho biết tại buổi họp báo công bố kết quả Hội nghị Bộ trưởng năng lượng ASEAN lần thứ 38 và các hội nghị liên quan tổ chức tối ngày 20/11.

Chia sẻ về kết quả của hội nghị, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, ASEAN +3 cam kết theo đuổi các biện pháp phục hồi kinh tế bền vững sau đại dịch trong lĩnh vực năng lượng bằng cách tăng cường quan hệ đối tác và đổi mới hướng tới an ninh năng lượng, năng lượng chuyển đổi và khả năng phục hồi năng lượng.

Bên cạnh đó, hướng tới một ngành năng lượng bền vững, các Bộ trưởng, Trưởng đoàn kỳ vọng, song song với Kế hoạch hành động ASEAN về năng lượng (APAEC), giai đoạn II 2021-2025, hợp tác năng lượng, nhất là ngành năng lượng của khu vực Đông Á (EAS) sẽ được tăng cường hơn nữa, cả ở cấp hoạch định chính sách cấp cao và cấp nghiên cứu hoặc thực thi.

Trong lĩnh vực tiết kiệm và hiệu quả năng lượng (EE&C), các Bộ trưởng, Trưởng đoàn ghi nhận tiến độ của các hoạt động được thực hiện theo các sáng kiến về hệ thống năng lượng phân tán (DES), tiềm năng tiết kiệm năng lượng và xây dựng lộ trình để thúc đẩy công nghệ tiết kiệm năng lượng (EE) cho các nước tham gia EAS.

Đồng thời, các Bộ trưởng, Trưởng đoàn ghi nhận việc Nhật Bản tiến hành thành công vòng kiểm toán năng lượng thứ ba tại Đảo Tablas, Philippines, trong đó cho thấy DES là một lựa chọn chính sách quan trọng để đáp ứng với sự sẵn có ngày càng tăng của các công nghệ lưới điện thông minh và phát điện nhỏ.

Trong lĩnh vực nhiên liệu sinh học cho giao thông vận tải và các mục đích khác (BTOP), các Bộ trưởng, Trưởng đoàn ghi nhận kế hoạch tiến hành nghiên cứu phân tích các kịch bản nhiên liệu cho giao thông vận tải trong tương lai của EAS, trong đó sẽ xem xét việc sử dụng bền vững nhiên liệu sinh học và các loại nhiên liệu thay thế cho phương tiện khác trong giai đoạn 2021-2024...

Đáng chú ý, các Bộ trưởng, Trưởng đoàn đều cho rằng, EAS EMM cần thiết phải theo đuổi một chính sách năng lượng thực tế và thực dụng để đạt được mục tiêu phục hồi kinh tế và giảm phát thải khí nhà kính. Theo đó, các Bộ trưởng, Trưởng đoàn tái khẳng định tầm quan trọng của việc đảm bảo nguồn cung cấp ổn định và năng lượng sạch với mức giá hợp lý để hỗ trợ các hoạt động kinh tế và cuộc sống hàng ngày, bao gồm việc sử dụng tất cả các nguồn năng lượng và công nghệ trong thời gian đại dịch bùng phát", Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh thêm.

Ngoài ra, tại hội nghị, các Bộ trưởng, Trưởng đoàn còn ghi nhận vai trò trung tâm của ASEAN trong EAS và cam kết của ASEAN đảm bảo rằng EAS sẽ tiếp tục là một thành phần không thể thiếu trong cấu trúc khu vực mà ASEAN ngày càng trở thành trung tâm, như đã được các nhà lãnh đạo EAS tái khẳng định tại Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 15 được tổ chức vào tháng 11/2020.

Thứ trưởng Đặng Hoàng An khẳng định, với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam cam kết nỗ lực hết mình cùng các nước thành viên để xây dựng, phát triển bền vững ngành năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng cho khu vực ASEAN. Để hoàn thành mục tiêu này, đại diện Việt Nam đề nghị các Bộ trưởng Năng lượng ASEAN quan tâm, thúc đẩy 6 ưu tiên:

Một là, thảo luận, thông qua được Kế hoạch hành động ASEAN về hợp tác năng lượng giai đoạn 2, 2021 - 2025 (APAEC Giai đoạn 2), trong đó đề xuất mục tiêu và hành động cụ thể để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng, tăng cường khả năng phục hồi qua trao đổi, hợp tác sâu hơn, tăng cường kết nối và trao đổi mua bán điện song phương và đa phương.

Hai là, thảo luận, thông qua được ấn phẩm “Triển vọng Năng lượng ASEAN lần thứ 6”, cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách các thông tin, hiểu biết về xu hướng, các thách thức của khu vực trong vấn đề năng lượng để tất cả các nước thành viên ASEAN tham gia tích cực vào quá trình này.

Ba là, thảo luận, thông qua mục tiêu về tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng khu vực ASEAN, là cơ sở để thúc đẩy việc phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo của khu vực trong giai đoạn tới. Đồng thời, đưa ra được các sáng kiến về chính sách nhằm tăng cường tích hợp năng lượng tái tạo vào lưới điện ASEAN, hướng tới tương lai ổn định về các nguồn năng lượng cho khu vực.

Bốn là, đề xuất các biện pháp, kế hoạch cụ thể để đẩy mạnh hơn nữa hợp tác về tiết kiệm và hiệu quả năng lượng nhằm đạt được mức giảm cường độ năng lượng tích cực hơn trong các năm tới.

Năm là, đề xuất các biện pháp, kế hoạch cụ thể để xây dựng nguồn nhân lực về quản lý, tài chính và công nghệ năng lượng ở các mức độ khác nhau để hướng tới các chính sách đa dạng hóa phát triển năng lượng trong khu vực ASEAN; nghiên cứu các cơ chế để thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng và đường dây truyền tải.

Sáu là, đưa ra các định hướng, hướng dẫn để tăng cường hiệu quả hoạt động của các tổ công tác, nhóm làm việc về các nội dung chuyên ngành trong hợp tác năng lượng ASEAN./.

Tố Uyên

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam