Ổn định kinh tế vĩ mô phải là bệ đỡ cho mọi khát vọng

17:11 | 03/11/2020 Print
Chiều 3/11, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và kế hoạch 5 năm tới, một số đại biểu Quốc hội còn băn khoăn về mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6,5-7%. Bởi theo một số đại biểu, cần tính toán kỹ lưỡng hơn, phải coi mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô là nền tảng, bệ đỡ cho mọi khát vọng.

vũ tiến lộc

ĐB Vũ Tiến Lộc: Cơ hội thu hút vốn đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn! Ảnh: TL.

Nhiều điểm sáng trong “bức tranh” kinh tế

Đại biểu (ĐB) Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng, có rất nhiều điểm sáng trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam trong nhiệm kỳ qua.

“Điểm sáng đầu tiên là công cuộc phòng chống tham nhũng bước đầu đã có kết quả rõ nét, tạo được dấu ấn đột phá trong nhiệm kỳ này. Trong nhiệm kỳ này, chúng ta đã tập trung nhiều hơn vào nhiệm vụ cải cách thể chế, Chính phủ đã phát động thành công 3 đợt sóng cải cách thủ tục hành chính quan trọng, xoá bỏ hàng ngàn giấy phép con; cắt giảm và đơn giản hoá 50%-60% điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành, và hiện nay đang tiếp tục cắt giảm đơn giản hoá 20% các quy định hành chính liên quan đến kinh doanh” - vị Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nói.

Phân tích thêm về các điểm sáng, ĐB cho rằng, chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo được đẩy mạnh, hành trình xây dựng Chính phủ điện tử được tăng tốc; bên cạnh đó, chúng ta đã lên đường cao tốc hội nhập với thế giới qua 2 cuộc hội nhập đỉnh cao: CPTPP và EVFTA, góp phần mở rộng không gian thị trường và thúc đẩy cải cách thể chế theo những chuẩn mực quốc tế cao nhất.

Nhắc đến thành công thời gian qua, không thể không nhắc đến, trong đại dịch Covid - 19, tính ưu việt của thể chế chính trị ở Việt Nam và năng lực cạnh tranh cốt lõi của hệ thống kinh tế - xã hội Việt Nam lại một lần nữa toả sáng. Theo ĐB, đó là sự cố kết, đồng thuận của cả hệ thống chính trị, là khả năng chống chịu, kiên cường của người dân và cộng đồng doanh nghiệp mỗi khi đất nước lâm vào hoàn cảnh khó khăn.

ĐB Vũ Tiến Lộc ví von: “5 điểm sáng nói trên như 5 cánh sao của ngôi sao kinh tế Việt Nam đang tỏa sáng trên bầu trời của nền kinh tế thế giới đang có nhiều mây đen bao phủ. Việt Nam đang trở thành điểm đến an toàn cho cộng đồng kinh doanh quốc tế trên hành trình xây dựng các chuỗi cung ứng toàn cầu an toàn và có trách nhiệm hơn”.

Chia sẻ thêm với Quốc hội, ĐB cho biết: “Đại sứ Nhật Bản nói với tôi, trong số 30 doanh nghiệp Nhật Bản xin hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản để chuyển dịch đầu tư thì có tới 15 doanh nghiệp đã chọn Việt Nam. Tổng giám đốc tổ hợp Samsung tại Việt Nam cho biết, Trung tâm nghiên cứu phát triển lớn nhất Đông Nam Á đang được tập đoàn này xây dựng tại Thủ đô Hà Nội. Tuần trước, tại Diễn đàn doanh nghiệp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do VCCI chủ trì tổ chức, các doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký kết các thỏa thuận hợp tác đầu tư trị giá tới trên 11 tỷ USD, chủ yếu trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng và năng lượng tái tạo. Do đó, những cơ hội thu hút vốn đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn".

Đáng chú ý, một số ĐB đồng tình khi cho rằng, chúng ta đạt được nhiều kết quả tăng trưởng, mà không cần phải hy sinh các mục tiêu khác như lạm phát, tỷ giá hay nợ công. Ngược lại, theo ĐB Vũ Tiến Lộc, chính việc kiềm chế lạm phát dưới 4%, cộng với nỗ lực giữ tỷ giá ổn định và giảm nợ công xuống còn 56,1% GDP vào năm 2019 đã tạo ra các tiền đề quan trọng cho tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, dựa nhiều hơn vào yếu tố năng suất và chất lượng.

Phải lượng hóa cụ thể những “khát vọng”

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) dành thời gian để hiến kế vào kế hoạch kinh tế - xã hội và NSNN trong giai đoạn 5 năm tới (2021-2025). Theo ông, kế hoạch 5 năm tới có tầm quan trọng đặc biệt, “là khát vọng phát triển được lượng hóa”.

“Nếu hình dung cho chặng bay mới, 10 năm tới chúng ta cất cánh, bay nhanh hơn, gia nhập các quốc gia phát triển. Nếu chuyến bay không cất cánh được, hoặc không đủ tốc độ, thì khát vọng chỉ là khát vọng mà thôi” - ĐB Trương Trọng Nghĩa ví von.

Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, phải giải được các bài toán về: tăng trưởng, ngân sách, quốc phòng an ninh, quyền của người dân và huy động sức dân. Nói là bài toán bởi phải được xây dựng kỹ và khả thi. Do đó, ĐB đề nghị Chính phủ cần phải thể hiện rõ những vấn đề này trong báo cáo phát triển kinh tế - xã hội và NSNN trong giai đoạn tới, đặc biệt trong tình hình mới khi dịch Covid-19 đang phức tạp trên toàn cầu. Bởi theo quan điểm của ông, dịch Covid-19 có thể dẹp tan hy vọng của một quốc gia, nhưng có thể đưa một quốc gia khác đi lên.

“Cái gì cũng phải bàn sâu, muốn tăng trưởng nhanh phải tự chủ (tự chủ cái gì và như thế nào cũng phải bàn cụ thể), phải rà soát 3 khu vực kinh tế; du lịch không khôi phục thì hàng không và hàng loạt các lĩnh vực kinh tế khác sẽ suy sụp. Phải đánh giá sức mua và thị trường thế giới đã thay đổi, sẽ thay đổi ra sao, để khai thác thị trường nội địa 100 triệu dân. Tôi có cảm giác còn lúng túng, sơ lược” - ĐB Trương Trọng Nghĩa nói.

Về định hướng phát triển cho 5 năm tới, ĐB Vũ Tiến Lộc cho biết, mặc dù đồng tình với mục tiêu tăng trưởng kinh tế được Chính phủ đề xuất, nhưng đây là một mục tiêu đầy thách thức nếu như ta nhìn vào thực tiễn tăng trưởng suốt hơn một thập kỷ qua.

“Từ năm 2010 đến năm 2019, GDP của Việt Nam chỉ tăng trung bình 6,3%/năm. Nếu tính thêm cả năm 2009 và năm 2020, con số còn thấp hơn nữa. Bởi vậy, việc đặt mục tiêu tăng trưởng trung bình 6,5-7% trong 5 năm tới, theo tôi, là mục tiêu rất gian nan. Tương tự, mục tiêu GDP bình quân đầu người đạt 4.700 – 5.000 USD vào năm 2025 cũng sẽ cần phải có rất nhiều nỗ lực” - ĐB băn khoăn.

Qua phỏng vấn bên hành lang Quốc hội, một số ĐB cũng chia sẻ, vẫn còn băn khoăn với chỉ tiêu tăng trưởng đề ra cho 5 năm tới. Bởi theo các ĐB, quan trọng là tăng trưởng ổn định, bền vững, như ĐB Vũ Tiến Lộc nói: “Coi mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô là nền tảng cho mọi kế hoạch phát triển, là bệ đỡ cho mọi khát vọng bay lên”./.

ĐB Vũ Tiến Lộc: Mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025

“Tôi đề nghị phải quyết tâm thực hiện cho được trong nhiệm kỳ này mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm 3, 4 nền kinh tế có môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh tốt nhất trong ASEAN. Chính phủ cần có chương trình phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ nhằm tới mục tiêu có được ít nhất 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2025”.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam