Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ: Thiếu cơ chế điều phối đủ mạnh

10:06 | 25/06/2019 Print
Ngày 25/6, tại Hưng Yên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị Phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ - một sự kiện nằm trong chuỗi các hội nghị mang tính chất liên vùng.

KTV

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng chủ trì Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ chiếm 32% GDP cả nước

Hiện nay có 4 vùng kinh tế trọng điểm là vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long, với 24 tỉnh, thành phố, chiếm 27,3% diện tích tự nhiên và 27% dân số cả nước, đóng góp 89% GDP đất nước.

Tuy nhiên, hiện chúng ta chưa có cơ chế, chính sách liên kết giữa các tỉnh trong vùng và giữa vùng đối với các vùng khác trong việc hợp tác phát triển kinh tế và giải quyết những vấn đề mang tính liên tỉnh, liên vùng.

Do đó, hội nghị diễn ra tại Hưng Yên tập trung thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội của vùng; các vấn đề về môi trường đầu tư, kinh doanh và hạ tầng đô thị, giao thông, phát triển logistics, nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển dịch vụ du lịch… trong vùng, nhằm đạt các mục tiêu nêu tại Quyết định 198/QĐ-TTg của Thủ tướng.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày cho biết, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có 7 tỉnh, thành phố (bao gồm cả Hà Nội), chiếm gần 32% GDP của cả nước và thu nhập bình quân đầu người đạt 4.813 USD năm 2018, gấp 1,86 lần so với mức trung bình cả nước, đứng thứ hai sau vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế xã hội (KTXH) vùng cũng còn không ít tồn tại, khó khăn.

Cụ thể, ngành dịch vụ hiện đang là ngành mũi nhọn và đóng góp lớn vào kinh tế của vùng nhưng tốc độ tăng trưởng của ngành này chưa bền vững. Cả 7 tỉnh, thành phố của vùng đều định hướng phát triển công nghiệp điện tử, phần cứng nhưng chỉ có Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh thu hút được các công ty có vốn đầu tư nước ngoài như Samsung, LG, Microsoft, Canon,... và cũng mới chỉ dừng lại chủ yếu gia công, lắp ráp phần cứng với giá trị gia tăng thấp.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của vùng giai đoạn 2016 - 2018 đạt 426,4 tỷ USD nhưng vùng không đóng góp trong thặng dư cán cân thương mại chung mà nhập siêu 40,781 tỷ USD. Ngoài ra tăng trưởng xuất khẩu chưa bền vững, năm 2017 xuất khẩu tăng 31,2% so với năm 2016, đến năm 2018 chỉ tăng 20% so với năm 2017.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) một số địa phương trong vùng vẫn ở mức trung bình thấp. Mặc dù số doanh nghiệp (DN) đăng ký mới đứng thứ 2 cả nước nhưng về quy mô vốn thì các DN trong vùng chủ yếu là DN nhỏ và vừa.

Các dự án FDI thâm dụng lao động chiếm tỷ lệ cao trong vùng. Các lĩnh vực khác như thu ngân sách, vấn đề dân số, nhập cư… cũng còn không ít vấn đề cần lưu ý. Đặc biệt, phát triển KTXH chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Hội đồng vùng chưa được trao quyền quyết các dự án liên kết

Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, thời gian qua các tỉnh, thành phố trong vùng, trong đó có Hà Nội đã tích cực tham gia, phối hợp trong quá trình xây dựng và thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển KTXH vùng; thực hiện tốt kế hoạch điều phối phát triển vùng, thiết lập hệ thống thông tin vùng... 15 tỉnh, thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đã ký biên bản hợp tác giai đoạn 2017 - 2020.

Tuy nhiên, đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, công tác điều phối và liên kết vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ vẫn có những tồn tại, vướng mắc, mà trước hết là chưa có thể chế rõ ràng về liên kết vùng với cơ chế điều phối đủ mạnh, rõ ràng để Hội đồng vùng và các địa phương trong vùng phối hợp hiệu quả.

Hội đồng vùng chưa được trao quyền trong việc quyết định các nguồn ngân sách cho các dự án mang tính liên kết địa phương. Do đó, Hội đồng vùng thực hiện các chủ trương, định hướng, chính sách, pháp luật hoàn toàn phụ thuộc vào bộ máy các cơ quan trung ương và địa phương. Những hoạt động tích cực gần đây của Hội đồng vùng cũng chỉ là sự phối hợp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của các bộ, ngành và các địa phương.

Liên kết phát triển chủ yếu khi cần giải quyết vướng mắc. Hiện chưa có phương thức liên kết hiệu quả giữa các địa phương về đào tạo, sử dụng lao động… Sự năng động trong phát triển ở một số địa phương chủ yếu do sáng kiến của lãnh đạo ở từng tỉnh. Hoạt động hợp tác chưa đồng bộ giữa các tỉnh, chủ yếu vẫn chỉ liên kết hợp tác với Hà Nội. Nhiều nội dung hợp tác chưa được thực hiện đầy đủ như việc liên kết xây dựng sản phẩm du lịch chung, đào tạo nguồn nhân lực...

Tính liên kết, tính đồng bộ về kết cấu hạ tầng giữa các tuyến giao thông liên vùng như các tuyến vành đai, các tuyến hướng tâm, các tuyến nối cảng biển, cảng hàng không và các cửa khẩu quốc tế chưa cao. Việc thiết lập hệ thống thông tin của vùng chưa được quan tâm đúng mức, chưa thiết lập được hệ thống cơ sở dữ liệu chung cho vùng.

Tại hội thảo, nhiều giải pháp để đẩy mạnh liên kết vùng đã được đề xuất, như quy hoạch không gian gắn với định hướng ưu tiên phát triển ngành, lĩnh vực cụ thể gắn với ưu tiên về chính sách đầu tư; tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện bộ máy tổ chức vùng, cụ thể hóa thể chế quản trị liên kết vùng gắn với chức năng, nhiệm vụ cụ thể để phát huy tính chủ động, sáng tạo của các thành viên Hội đồng vùng; tiến hành đánh giá kết quả và hiệu quả đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị trong thời gian vừa qua để xây dựng kế hoạch hoàn thành đầu tư các dự án trọng điểm, đồng thời, xây dựng kế hoạch đầu tư kết cấu hạ tầng quan trọng cho giai đoạn 2018 - 2020 và những năm tiếp theo…

Từ vai trò Chủ tịch Hội đồng vùng, Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất sớm nghiên cứu tổ chức lập quy hoạch vùng làm cơ sở cho các tỉnh, thành phố triển khai lập quy hoạch cấp tỉnh, thành phố thời kỳ 2021 - 2030, đảm bảo tính kết nối, đồng bộ các nội dung quy hoạch trong tổng thể phát triển của vùng.

Trước mắt, tập trung thực hiện liên kết giữa các địa phương trong vùng trên hai lĩnh vực chủ yếu: liên kết trong công tác lập quy hoạch phát triển và liên kết trong thu hút đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với phát triển kinh tế tri thức và cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển các ngành hàng có hàm lượng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn.../.

H.Y

H.Y

© Thời báo Tài chính Việt Nam