Khả thi với mục tiêu lạm phát năm 2019 khoảng mức 4%

10:10 | 04/01/2019 Print
(TBTCVN) - Tại hội thảo diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2018 và dự báo năm 2019 do Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) tổ chức sáng 3/1, nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình cho rằng, mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2019 dưới 4% là hoàn toàn có thể đạt được.

Nguồn hàng dồi dào sẽ góp phần bình ổn giá cả. Ảnh: T.T

Nguồn hàng dồi dào sẽ góp phần bình ổn giá cả. Ảnh: T.T

Thắng lợi kép trong năm 2018

Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), CPI bình quân năm 2018 sát với các dự báo, kịch bản điều hành giá đã được Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và đầu tư và các bộ, ngành, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngay từ đầu năm; diễn biến giá nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ. CPI các tháng đầu năm biến động theo hướng tăng dần qua các tháng từ mức 2,65% (tháng 1) tiến dần đến mức 3,01% (bình quân 5 tháng), tăng với tốc độ nhanh hơn trong 2 tháng tiếp theo lên mức 3,45% (bình quân 7 tháng) và dần ổn định trong khoảng 3,5 - 3,6% trong các tháng cuối năm. CPI bình quân cả năm 2018 tăng 3,54%.

Công tác chỉ đạo, điều hành giá năm 2018 đã góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ. Trong điều kiện tình hình kinh tế quốc tế có nhiều biến động tác động đến thị trường tài chính, tiền tệ, hàng hóa thế giới và trong nước, Bộ Tài chính đã chủ động tham mưu Chính phủ các biện pháp nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Lạm phát năm 2018 đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra ở mức dưới 4% và ổn định ở mức thấp; cung cầu thị trường được đảm bảo; điều hành giá nhất quán theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.

Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh nhận định: “Năm 2018 đi vào lịch sử kinh tế Việt Nam với một thành công kép hiếm có là GDP tăng trưởng tới 7,08%, mức tăng cao nhất kể từ năm 2008 đến nay trong khi CPI bình quân chỉ tăng 3,54% so với năm 2017, thấp hơn mức 4% được Quốc hội yêu cầu”.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đánh giá cao vai trò điều hành giá của Chính phủ và của Bộ Tài chính. Ông cho rằng, với vai trò thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài chính đã chủ động theo dõi, phối hợp với các bộ, ngành trong công tác điều hành giá, xây dựng kịch bản điều hành giá trong các giai đoạn ngắn hạn cũng như trong cả năm 2018. Việc xây dựng các kịch bản giá đã giúp Chính phủ trong điều hành giá sát với diễn biến thị trường và góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Lạm phát năm 2019 có thể thấp hơn năm 2018

Đó là nhận định của TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính. Theo ông, về tổng thể, có thể thấy rằng mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2019 gần như chắc chắn sẽ đạt được. TS. Nguyễn Đức Độ cũng lạc quan đưa ra dự báo: “nhiều khả năng lạm phát trong năm 2019 sẽ thấp hơn lạm phát 2018”.

TS. Nguyễn Đức Độ là người đưa ra dự báo khá chính xác về CPI năm 2018 khi vào giữa năm, một số mặt hàng thiết yếu giá tăng cao khiến dư luận lo ngại lạm phát khó giữ được ở mức dưới 4% như chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Ở thời điểm đó, ông cho rằng, giá xăng dầu sẽ “giảm nhiệt” vào cuối năm và sự ổn định của giá thịt lợn hơi sẽ không còn khả năng gây sức ép lên lạm phát. Ông cũng đưa ra một số kịch bản trong trường hợp hai mặt hàng này giá tăng cao thì lạm phát vẫn giữ được ở mức dưới 4%. Quả thật, những dự đoán của ông đã chính xác khi lạm phát năm 2018 đã được giữ ở mức thấp.

Năm 2019, Quốc hội đã quyết định CPI ở mức khoảng 4%. Để đạt được mục tiêu đó, theo Cục Quản lý giá, sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, do đó trong quản lý, điều hành giá cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt, chủ động. Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả các mặt hàng thiết yếu để kịp thời đề xuất các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm bình ổn giá nhất là thời điểm các dịp lễ, tết. Đối với việc thực hiện lộ trình thị trường một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, Tổng cục Thống kê để tính toán mức độ và thời điểm điều chỉnh phù hợp giúp kiểm soát mặt bằng chung, hạn chế tác động của chi phí đẩy đến sản xuất, tiêu dùng và đời sống của người dân.

Liên quan đến chi phí đẩy của mặt hàng hết sức quan trọng, là đầu vào của nền kinh tế đó là xăng dầu, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, trong năm 2019 phải đặc biệt lưu ý đến yếu tố chi phí đẩy của xăng dầu, do đó chúng ta phải chủ động nguồn cung xăng dầu trong nước để giảm những tác động của giá cả thế giới khi mặt hàng này tăng cao.

Theo TS. Lê Quốc Phương, Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Bộ Công thương, năm 2019 để giữ mức lạm phát dưới 4% là một thách thức đối với cơ quan quản lý, khi dự kiến sẽ điều chỉnh giá điện, điều chỉnh giá theo lộ trình một số dịch vụ y tế, giáo dục; giá nhiên liệu tăng theo giá thế giới… Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình cho rằng, với việc thực hiện quyết liệt các giải pháp đề ra và sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, chúng ta có thể thực hiện được mục tiêu CPI dưới 4% trong năm 2019./.

* Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam:

Người tiêu dùng thấy “dễ thở” hơn

Ông Nguyễn Mạnh Hùng
Ông Nguyễn Mạnh Hùng  

Nhìn thị trường ở góc độ người tiêu dùng, năm 2018 là năm giá cả được giữ ổn định khi Chính phủ chủ trương giữ giá điện; giá xăng dầu 21 lần điều chỉnh cả tăng và giảm, nhưng giảm nhiều hơn và liên tiếp giảm trong 5 lần cuối năm. Thị trường không biến động, người tiêu dùng thấy “dễ thở” hơn. Tuy nhiên, chất lượng thị trường lại là điều đáng bàn, hàng giả, hàng kém chất lượng, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đáng báo động đã ảnh hưởng tới người tiêu dùng.

Năm 2019, giá cả có những yếu tố không thuận, như chiến tranh thương mại giữa các nước lớn và chủ nghĩa bảo hộ sẽ tiếp tục đặt ra thách thức mới cho kinh tế nước ta. Tuy nhiên, với những kết quả của năm 2018, cùng với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ tháng 1/2019, sẽ tạo sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các doanh nghiệp trong nước biết tận dụng cơ hội do CPTPP đem lại thì chúng ta có quyền hy vọng năm 2019, tình hình kinh tế nước ta tiếp tục phát triển, thị trường giá cả tiếp tục ổn định và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi.

* Ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia kinh tế:

Phải kiểm soát giá để làm lành mạnh thị trường

Ông Vũ Vinh Phú
 Ông Vũ Vinh Phú

Cần có mô hình quản lý mới đó là các chợ đầu mối hiện đại, văn minh bao gồm: tập trung các đầu mối hàng hoá để lên sàn giao dịch tại chợ, đảm bảo kiểm soát chất lượng và công khai, minh bạch trong giao dịch mua bán trước khi lan toả tới các khâu bán lẻ trong địa bàn thành phố. Nhận thức thì đã có, song tiếc rằng, những đề án chợ đầu mối hàng trăm triệu đô như ở Thủ đô Hà Nội cách đây một vài năm vẫn còn nằm trên giấy. Chính vì vậy, việc cung ứng nguồn hàng và lưu thông hàng hoá trên thị trường Hà Nội cũng như các thành phố khác còn rất phức tạp, lòng vòng và không thể quản lý được giá cả và chất lượng. Gót chân Asin của hệ thống phân phối Việt Nam đã lộ rõ cần phải khắc phục. Đó là bức tranh cơ bản của thị trường giá cả và hệ thống phân phối Việt Nam cần nghiên cứu trong thời gian sắp tới.

Những năm gần đây, giá cả tăng thì ít nhưng rớt giá thì nhiều; hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường vẫn còn, do đó, phải kiểm soát giá cả để minh bạch hoá thị trường.

* Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long:

Cần thực hiện nhiều giải pháp

Ông Ngô Trí Long
Ông Ngô Trí Long  

Giữ lạm phát năm 2019 ở mức 4% là thách thức không nhỏ, khi các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng năm 2018 như: đẩy nhanh đầu tư, nới tăng trưởng dư nợ tín dụng, điều chỉnh giá dịch vụ công. Nếu tăng trưởng năm 2019 là 6,6% sẽ là mức tối ưu không gây áp lực lên lạm phát, tăng trưởng 6,8% và cao hơn nữa sẽ là mức gây áp lực lạm phát.

Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố tác động lên lạm phát vẫn còn có các yếu tố thuận lợi. Đó là, tác động trễ của yếu tố tiền tệ đến lạm phát từ năm 2018 sang năm 2019 không lớn; giá hàng hoá thế giới sẽ không gây áp lực lên lạm phát do dự báo ít biến động và giá dầu dự báo chỉ tăng 10% so với mức tăng 20% của năm 2018.

Dự báo, lạm phát năm 2019 tiếp tục ở mức thấp, khoảng 4% trong các năm 2019, 2020.

Minh Anh - Đức Minh

Minh Anh - Đức Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam