Năm 2018: Bội chi ước giảm còn 3,67% GDP

17:56 | 28/09/2018 Print
Năm 2018, dự kiến tỷ lệ bội chi ở mức 3,67%, thấp hơn mục tiêu đề ra là 3,7%. Thu ngân sách dự kiến vượt dự toán 40.000 tỷ đồng, tương đương 3%. Tỷ lệ nợ công trên GDP ước khoảng 61%.

ĐHAT

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn phát biểu tại cuộc họp báo.

Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, tại cuộc họp báo thông tin về Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12, do Ban Tuyên giáo Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức sáng 28/9.

Thu ngân sách vượt dự toán 40.000 tỷ đồng

Tại cuộc họp báo, thông tin khái quát về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018 và dự toán NSNN năm 2019 sẽ được báo cáo tại Hội nghị Trung ương 8 sắp tới, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, kết quả thực hiện NSNN năm nay có nhiều điểm tích cực nổi bật.

Đó là, tỷ lệ huy động từ thuế, phí đạt trên 20,7% GDP. Thu NSNN dự kiến vượt dự toán hơn 40.000 tỷ đồng, tương đương 3% theo đúng nghị quyết của Quốc hội và yêu cầu của Chính phủ. Tỷ lệ bội chi năm 2018 ước khoảng 3,67% GDP, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra (3,7%).

Đặc biệt, nợ công ước tính đến 31/12/2018 sẽ đạt khoảng 61% GDP, xa dần mức trần 65% GDP và tiến gần đến mức an toàn là 60% GDP. Nợ nước ngoài của quốc gia cũng dưới ngưỡng 50% (ở mức 49,7% GDP).

Trong cơ cấu chi, chi đầu tư phát triển năm 2018 đạt 26,2% tổng chi ngân sách, cao hơn so với tỷ lệ các năm trước.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh, Chính phủ đã thẳng thắn đánh giá tình trạng chuyển giá, nợ thuế, thất thu trong nền kinh tế vẫn ở mức độ thách thức, cần có giải pháp khắc phục hiệu quả. Đồng thời, tình trạng giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả chưa cao.

Trong 9 tháng đầu năm, mức giải ngân ước được 48 – 49%. Như vậy, nếu tiếp tục thực hiện tốt và theo đúng luật cho phép là được giải ngân đến 31/1/2019 thì mức giải ngân cũng chỉ có thể đạt 88%, còn 12% vốn chưa giải ngân được. Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng đề cập đến tình trạng vốn ODA đã ký kết, có tiền nhưng chưa được triển khai thực hiện vẫn còn tồn tại ở các dự án lớn.

Đối với năm 2019, Chính phủ vẫn tiếp tục trình đề án bám sát yêu cầu Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị về cơ cấu lại ngân sách, đảm bảo vừa động viên đúng và đủ cho ngân sách, vừa đảm bảo khuyến khích nền kinh tế phát triển với mức huy động vào ngân sách khoảng 23,5% GDP, tỷ lệ thu từ thuế và phí khoảng 20,5% GDP, đảm bảo bội chi ở mức 3,6% GDP.

Nợ công đến 31/12/2019 còn 61,3% GDP. Nợ quốc gia với nước ngoài tiếp tục ở mức 49% GDP, trong giới hạn cho phép.

Tăng chi cho bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu

Trong năm 2019, một trong ba vấn đề trọng tâm trong chi tiêu ngân sách là tiếp tục tăng tỷ trọng đầu tư công, phấn đấu đạt 26 – 27% tổng chi ngân sách. Đồng thời, trong chi đầu tư phấn đấu giảm dần mức vay để đầu tư, tăng dần thặng dư thu chi trong nước cho đầu tư phát triển. Trọng tâm thứ hai là thực hiện 6 nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6, Trung ương 7, bố trí kinh phí để thực hiện tinh giản biên chế; bố trí kinh phí thúc đẩy xã hội hóa, tự chủ cho đơn vị sự nghiệp công, với mục tiêu hàng năm giảm 2,5% - 3% số người ở đơn vị sự nghiệp công hưởng ngân sách.

Cuối cùng, một vấn đề trọng tâm nữa là chi cho kinh tế xanh, bảo vệ môi trường. Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), thuế bảo vệ môi trường với một số hàng hóa sẽ tăng từ 1/1/2019. Đồng thời, UBTVQH yêu cầu bố trí tăng chi cho nhiệm vụ bảo vệ môi trường, phòng chống tác hại của biến đổi khí hậu đối với nền kinh tế.

Cũng tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho biết một số thông tin về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018. Theo đó, trong số 12 chỉ tiêu kế hoạch của năm, dự kiến có 8 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch. Về GDP, kế hoạch năm 2018 là 6,5 – 6,7%, trong báo cáo trình ra Trung ương dự kiến đạt chỉ tiêu 6,7%. Các chỉ tiêu đạt, vượt đảm bảo cho chúng ta duy trì ổn định vĩ mô, phát triển kinh tế, tạo tiền đề cho việc thực hiện kế hoạch năm 2019.

Ban Cán sự Đảng của Chính phủ, Chính phủ cũng đã phân tích để chỉ ra những hạn chế trong chính sách, chỉ đạo điều hành để kiến nghị các giải pháp cho năm 2019, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo đà tốt cho các năm cuối của kế hoạch 5 năm./.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam