Nỗ lực cải thiện thể chế, tái cơ cấu ngân sách

10:13 | 23/04/2018 Print
(TBTCVN) - Tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) so với GDP giảm nhanh hơn dự kiến đã gây khó khăn trong cân đối NSNN. Chính vì vậy, những năm gần đây, đặc biệt trong năm 2018.

Đảm bảo nguồn thu bền vững, góp phần phát triển kinh tế.  Ảnh: T.T

Đảm bảo nguồn thu bền vững, góp phần phát triển kinh tế. Ảnh: T.T

Ngành Tài chính tập trung thực hiện tái cơ cấu ngân sách, tái cơ cấu chính sách thu để đảm bảo nguồn thu bền vững, góp phần phát triển kinh tế.

Chuyển dịch cơ cấu thu - lời giải cho bài toán cân đối ngân sách

Chuyển dịch cơ cấu thu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tài chính trong năm 2018, đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiều lần khẳng định. Chính bởi thế, có lẽ chưa năm nào khối lượng sửa luật liên quan đến chính sách thuế lại lớn như năm nay.

Trong tổng số 5 luật và 2 nghị quyết Bộ Tài chính đang chủ trì soạn thảo, chỉ duy nhất có dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) là thuộc lĩnh vực khác, còn lại đều liên quan đến chính sách thuế. Có những dự án luật sửa đổi rất lớn, bao trùm nhiều chính sách như 1 luật sửa 6 luật; hay như một luật hoàn toàn mới là Luật Thuế tài sản. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang tập trung hoàn thiện trình các cấp có thẩm quyền một số nội dung liên quan đến Luật Quản lý thuế, Luật Thuế bảo vệ môi trường, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Biểu thuế bảo vệ môi trường; Nghị quyết của Quốc hội về xóa nợ thuế.

Từng phát biểu tại Quốc hội về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, Bộ Tài chính đang thực hiện quyết liệt các biện pháp cơ cấu lại thu ngân sách. Trong đó, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ để trình Quốc hội Luật Sửa đổi, bổ sung các luật về thuế. Về định hướng, các chính sách, chế độ về tài chính - NSNN được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới phù hợp với tình hình thực tế và cam kết hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính - NSNN, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính.

Trong bối cảnh nhu cầu chi không ngừng tăng cao, việc giải bài toán cân đối thu - chi là vô cùng khó. Tuy nhiên, những năm gần đây, ngành Tài chính đã tìm ra nhiều giải pháp tối ưu trong điều hành chính sách tài chính - ngân sách. Đặc biệt, vào cuối năm 2016, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Bộ Tài chính đã và đang thực hiện nhiều giải pháp cơ cấu lại nguồn thu ngân sách. Cơ cấu thu NSNN đang có chuyển biến tích cực, tỷ trọng thu nội địa đã tăng dần qua các năm. Nếu như năm 2011, tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu từ mức 61,5%, đến năm 2015 đã tăng lên 75%. Năm 2016 tỷ trọng này tăng lên 79% và năm 2017 chiếm hơn 81% trong tổng thu ngân sách.

Việc cơ cấu lại nguồn thu từng nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế. Theo TS. Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính, tốc độ tăng thu ngân sách so với GDP giảm nhanh hơn dự kiến. TS. Vũ Sỹ Cường cho rằng, cần thiết phải cải cách thuế để cải thiện nguồn thu, trong đó hướng đến một số loại thuế mà tỷ lệ trong tổng thu NSNN vẫn thấp hơn mức trung bình các nước đang phát triển ở châu Á. “Đây chính là những sắc thuế mà Việt Nam có thể kỳ vọng tăng thu trong tương lai như thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên và thuế tài sản”, TS. Vũ Sỹ Cường gợi ý.

Từ gợi ý chính sách này, thử nhìn đến Luật Thuế tài sản mới thấy, đây là sắc thuế ra đời sớm trong hệ thống thuế của đa số các quốc gia trên thế giới. Hiện có 174/193 nước thực hiện thu thuế tài sản với nhiều tên gọi khác nhau. Trong khi đó, ở Việt Nam, thuế thu trong quá trình sử dụng tài sản (thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp) lại chỉ chiếm khoảng 0,036% GDP. Dự án luật này nếu được hoàn thiện và thực thi, chúng ta sẽ có công cụ tài chính hữu hiệu quản lý việc sử dụng tài sản của tổ chức, cá nhân, đồng thời điều tiết một phần nhỏ thu nhập của tổ chức, cá nhân có nhiều tài sản nhà, đất, góp phần đảm bảo công bằng xã hội.

Tìm nguồn thu ổn định, bền vững

Tại Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra một trong các giải pháp: “Tập trung cơ cấu lại nguồn thu; hoàn thiện chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế;... khai thác tốt thuế thu từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường”. Các giải pháp đề ra của ngành Tài chính khi sửa đổi, bổ sung một loạt các chính sách thuế đã đi đúng định hướng đó. Đặc biệt, trong năm 2018, thách thức lại tiếp tục đặt ra cao hơn đối với ngành Tài chính khi hội nhập kinh tế quốc tế, việc giảm thuế suất đối với một số sắc thuế lớn và cắt giảm thuế quan được thực hiện một cách sâu rộng.

Trong bối cảnh đó, việc điều chỉnh chính sách thu (mặc dù đã từng bước được điều chỉnh) còn chậm so với yêu cầu của Kế hoạch Tài chính 5 năm 2016 - 2020. Thực tế trong giai đoạn 2011 - 2015, tỷ lệ huy động thu NSNN bình quân là 23,4% GDP (so với mục tiêu đề ra là 23 - 24% GDP); trong đó, động viên về thuế và phí đạt 21,6% GDP (thấp hơn mục tiêu đề ra là 22 - 23% GDP).

Nghị quyết về Kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm (2016 - 2020) đề ra mục tiêu bảo đảm tỷ lệ huy động vào NSNN không thấp hơn 23,5% GDP, trong đó từ thuế, phí, lệ phí khoảng 21% GDP; tỷ trọng thu nội địa bình quân khoảng 84 - 85%... Xét theo các lĩnh vực thu, thu nội địa ngày càng đóng vai trò quan trọng. Tỷ trọng thu nội địa tăng cao, mang lại sự ổn định, bền vững hơn cho NSNN, do đây chính là các khoản thu phát sinh từ hoạt động kinh tế trong nước. Để thực hiện các mục tiêu đó là việc không dễ, đòi hỏi sự vào cuộc không chỉ của ngành Tài chính mà của các cấp ủy, chính quyền địa phương.

Nhìn xa hơn, nhiều chuyên gia kinh tế đề nghị cần nâng cao chất lượng công tác dự báo thu, khắc phục tình trạng chi vượt dự toán và thực hiện tốt kỷ luật tài khóa. Đồng thời, cần tiếp tục nghiên cứu ban hành các chính sách thu nội địa, mở rộng cơ sở thu thuế để giảm sự phụ thuộc của NSNN từ một số nguồn thu, tăng cường sự bền vững của thu ngân sách.

Hiện có 174/193 nước thực hiện thu thuế tài sản với nhiều tên gọi khác nhau. Trong khi đó, ở Việt Nam, thuế thu trong quá trình sử dụng tài sản (thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp) lại chỉ chiếm khoảng 0,036% GDP. Nếu không có dự án luật này, chúng ta không có công cụ tài chính hữu hiệu quản lý việc sử dụng tài sản của tổ chức, cá nhân, đồng thời điều tiết một phần nhỏ thu nhập của tổ chức, cá nhân có nhiều tài sản nhà, đất, góp phần đảm bảo công bằng xã hội.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam