Chính sách về cổ phần hoá đã được ban hành đầy đủ, kịp thời

22:53 | 05/04/2018 Print
Các chính sách pháp luật về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) và cổ phần hóa danh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011 – 2016 đã được ban hành đầy đủ, kịp thời, cơ bản bao phủ các lĩnh vực của ngành kinh tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập.

QH

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Trưởng đoàn Giám sát chủ trì buổi làm việc.

Ngày 5/4, Đoàn Giám sát của Quốc hội đã có buổi làm việc với đại diện Chính phủ về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát, dự thảo Biểu quyết của Quốc hội về chuyên đề Giám sát việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011 - 2016.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn Giám sát cho biết, triển khai Nghị quyết số 35, số 45 của Quốc hội, trong suốt thời gian dài, đoàn đã làm việc với 9 bộ, ngành và 8 địa phương, 12 tập đoàn, một số tổng công ty, DNNN. Sau khi tập hợp báo cáo của các bộ, ngành và 63 địa phương cũng như của các đoàn đại biểu quốc hội ở địa phương, Đoàn Giám sát đã hoàn thành dự thảo Báo cáo giám sát cũng như nghị quyết của cuộc giám sát này.

Tóm tắt về kết quả giám sát, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn Giám sát cho biết, việc hoàn thiện thể chế sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa DNNN nhìn chung đã kịp thời, đầy đủ hơn so với giai đoạn trước.

Nội dung các văn bản pháp luật đã có được tính bao quát, phạm vi điều chỉnh rộng, chất lượng văn bản đã từng bước được nâng cao. Hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn thiện làm rõ cơ sở pháp lý căn cứ cho việc thành lập mô hình tổ chức và hoạt động giúp cơ quan đại diện, chủ sở hữu nhà nước tăng cường quản lý, giám sát hiệu quả hoạt động và sử dụng vốn nhà nước ở các DN.

BT
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu tại buổi làm việc.

Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN là bước hoàn thiện có tính pháp lý cao nhất trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách đổi mới quản lý DNNN. Chính sách pháp luật về cổ phần hóa DNNN được ban hành dưới dạng nghị định, thông tư khá đầy đủ, kịp thời. Văn bản pháp luật về cổ phần hóa thường xuyên được tổng kết, sửa đổi nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn và đẩy mạnh công khai, minh bạch quá trình cổ phần hóa DNNN; xử lý dứt điểm những tồn tại về tài chính khi cổ phần hóa nhằm hạn chế tối đa khả năng thất thoát vốn có thể xảy ra trong quá trình cổ phần hóa.

Tuy nhiên, vẫn còn một số chủ trương chính sách chậm được thể chế hóa hoặc chưa được thể chế hóa đầy đủ, chưa có các giải pháp mang tính đột phá nâng cao hiệu quả trong việc quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa DNNN.

Nhìn chung nội dung các văn bản quy phạm pháp luật về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011 – 2016, cơ bản đã bao phủ các lĩnh vực của ngành kinh tế, đáp ứng yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa DN thuộc các thành phần kinh tế; đề cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các DN nhưng vẫn bảo đảm vai trò chỉ đạo, giám sát của nhà nước về việc công khai, minh bạch thông tin hoạt động của DN.

Báo cáo giám sát về chuyên đề này sẽ được trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 10/4. Sau đó, Đoàn Giám sát tiếp tục hoàn chỉnh báo cáo và đưa ra trình tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội./.

H.Y (theo Quochoi.vn)

H.Y (theo Quochoi.vn)

© Thời báo Tài chính Việt Nam