Ngành Tài chính: Đề cao vai trò người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng

09:46 | 26/03/2018 Print
(TBTCVN) - Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính vừa ban hành Nghị quyết về thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) của Bộ Tài chính đến năm 2020.

Hiện đại hóa công tác quản lý hải quan giúp tinh giản tổ chức, bộ máy.

Hiện đại hóa công tác quản lý hải quan giúp tinh giản tổ chức, bộ máy.

Là cơ quan quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực với những lĩnh vực nhạy cảm như hoạt động quản lý tài chính, ngân sách, tài sản công, tiền vốn... , nên lãnh đạo Bộ Tài chính luôn coi trọng và quyết liệt chỉ đạo PCTN trong nội bộ ngành.

Không xử lý người đứng đầu nếu kịp thời khắc phục hậu quả

Nghị quyết đã đưa ra 8 nhóm nhiệm vụ chủ yếu, trong đó có nhiệm vụ nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức đơn vị trong PCTN. Nghị quyết nêu rõ: Các cơ quan, tổ chức của Bộ Tài chính phải xác định công tác PCTN là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, cấp bách để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Người đứng đầu phải gương mẫu, quyết liệt, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo PCTN. Người đứng đầu nếu làm tốt được biểu dương, khen thưởng; nếu để xảy ra tham nhũng nhưng kịp thời tự xử lý theo quy định và khắc phục hậu quả, báo cáo kịp thời với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, thì chỉ xử lý người có hành vi tham nhũng, không xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Đối với những vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện trong cơ quan, tổ chức, đơn vị Bộ Tài chính, người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp phải xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu nơi xảy ra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng nhưng không chủ động phát hiện, xử lý, nhất là đối với trường hợp bao che, ngăn cản xử lý tham nhũng.

Bộ Tài chính đã thực hiện nghiêm việc xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách. Một số trường hợp người đứng đầu đơn vị bị kết luận thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng đã bị xử lý theo quy định. Trong báo cáo mới đây của Bộ Tài chính cho thấy, có 9 trường hợp là lãnh đạo chi cục và cấp đội bị xử lý kỷ luật khiển trách; 5 trường hợp là lãnh đạo cấp cục, chi cục và cấp đội bị xử lý cảnh cáo khi để xảy ra sai phạm ở đơn vị mình.

Để PCTN hiệu quả, nghị quyết của Ban Cán sự Đảng đã đưa ra nhiệm vụ tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc, thống nhất trong toàn bộ các cấp đơn vị của Bộ Tài chính cơ chế phân cấp; tiêu chuẩn chức danh, quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác, nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong tổ chức hoạt động và thực thi công vụ. Việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng là nhiệm vụ được các cơ quan thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính thực hiện nghiêm túc trong thời gian qua. Kết quả trong năm 2017, các đơn vị của Bộ Tài chính thực hiện luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với 7.005 người (Tổng cục Hải quan 1.835 người; Tổng cục Thuế 4.089 người, Kho bạc Nhà nước (KBNN) 1.016 người...).

Sắp xếp tinh gọn bộ máy các tổ chức ngành dọc

Một trong những nội dung quan trọng được Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính quyết định đưa vào nghị quyết, đó là việc tăng cường quản lý, giám sát cán bộ, công chức, viên chức; hoàn thiện, thực hiện nghiêm các quy định về công tác tổ chức, cán bộ. Nghị quyết nhấn mạnh đến việc thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng đơn vị, tổ chức, khắc phục dứt điểm tình trạng chồng chéo, hoặc bỏ trống nhiệm vụ trong hoạt động quản lý; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy của ngành theo Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII bảo đảm tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; đổi mới, sắp xếp bộ máy tổ chức quản lý tài chính nhà nước phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ (cả ở trung ương và địa phương), nhất là sắp xếp lại bộ máy các tổ chức ngành dọc theo hướng tinh gọn, khoa học, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thông suốt từ trung ương đến địa phương.

Việc sắp xếp lại bộ máy các tổ chức ngành dọc theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả được Bộ trưởng Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tài chính trong năm 2018. Tại chuyến công tác một số tỉnh miền núi phía Bắc mới đây, nói chuyện với cán bộ, công chức của ngành, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ Tài chính sẽ thực hiện rà soát sắp xếp lại theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả và Nghị quyết 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Theo Bộ trưởng, ngành Tài chính sẽ kiên quyết sắp xếp có lộ trình để đảm bảo ổn định tổ chức, cán bộ. Đối với cơ quan thuế, Ban Cán sự Đảng đã có chủ trương thành lập chi cục liên vùng tỉnh, huyện; các cơ quan hải quan, KBNN… rà soát để sớm có báo cáo Bộ. Đây là nhiệm vụ trọng tâm trước mắt của Bộ Tài chính, nhất là trong điều kiện các cơ quan thuế, cơ quan hải quan, KBNN đã và đang cải cách, hiện đại hóa mạnh mẽ.

Một trong những biện pháp nhằm công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, nghị quyết của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính đã đề ra nhiệm vụ thực hiện thí điểm đổi mới tuyển chọn cán bộ vào chức danh lãnh đạo các cấp tại đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Tài chính. Ngoài ra, ngành Tài chính cũng thực hiện việc kiểm soát tài sản thu nhập, tăng cường công khai minh bạch trong thực thi công vụ; tăng cường thanh kiểm tra, giám sát, kiểm toán, nâng cao hiệu quả công tác giám định và thu hồi tài sản tham nhũng; kiện toàn tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN.

Nghị quyết của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính sẽ là “kim chỉ nam” để ngành Tài chính thực hiện nghiêm công tác PCTN trong nội ngành đến năm 2020, nhằm triển khai có hiệu quả các kết luận của Bộ Chính trị và nghị quyết của Chính phủ về PCTN.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam