TP. HCM thí điểm hợp tác công - tư trong y tế cơ sở

16:19 | 10/06/2017 Print
Sáng 10/6 tại TP.Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo nhà nước về đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập đã khảo sát về cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

pho thu tuong

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, buổi làm việc với thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất nước có ý nghĩa quan trọng: Giúp đoàn công tác đánh giá việc thực hiện các cơ chế chính sách đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập thời gian qua; báo cáo và đề xuất với Trung ương các giải pháp đẩy mạnh đổi mới cơ chế hoạt động đơn vị sự nghiệp công giai đoạn tới.

Phó Thủ tướng mong muốn TP. Hồ Chí Minh đánh giá khả năng đáp ứng các dịch vụ công của hệ thống đơn vị sự nghiệp hiện nay với người dân, doanh nghiệp; các giải pháp của địa phương trong giảm đầu mối, biên chế đi liền với giảm chi thường xuyên; tìm ra phương thức chi trả của Nhà nước hiệu quả qua các phương thức cấp phát, đấu thầu - đặt hàng dịch vụ công; mô hình quản lý về mặt Nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm cho biết trong 5 năm qua, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập và biên chế viên chức trên địa bàn đều tăng, từ 1.765 đơn vị lên 1.871 đơn vị (tăng 106 đơn vị), trong khi số đơn vị tự chủ được chi thường xuyên chỉ tăng 13 đơn vị lên 172 đơn vị. Về biên chế, số lượng người làm việc tăng 11.421 người, hiện đang ở mức 118.609 người.

Nguyên nhân là do tăng dân số cơ học quá nhanh nên thành phố phải mở rộng trường lớp, xây dựng mới trường, bệnh viện cũng như thành lập các đơn vị mới và bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho các đơn vị.

Tuy số lượng đơn vị sự nghiệp và biên chế tăng trong những năm qua nhưng Giám đốc Sở Tài chính Phan Thị Thanh cho biết, tỷ lệ chi thường xuyên của thành phố dự kiến sẽ giảm từ 53% (năm 2016) xuống còn 48% vào cuối năm nay.

Bà Phan Thị Thanh cho biết tới năm 2018, toàn thành phố sẽ có 55 bệnh viện sẽ tự chủ được chi phí thường xuyên. Còn với các trung tâm, trạm y tế thì phải hoàn thiện đầu tư thêm chứ chưa tự chủ được.

Đối với các đơn vị sự nghiệp ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch, tới năm 2021 có từ 30 - 40% đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên. Các đơn vị sự nghiệp thuộc các lĩnh vực khác sẽ có khoảng 60% bảo đảm chi thường xuyên.

Riêng với giáo dục, hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập chiếm 76% tổng số đơn vị công lập trên địa bàn. Hiện nay mới có 0,7% tổng số đơn vị giáo dục công lập bảo đảm chi thường xuyên.

Hoạt động của các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập lại phát triển mạnh mẽ trong những năm qua, đáp ứng nhu cầu đáng kể của xã hội, góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động; trình độ và tỷ lệ đào tạo học sinh, sinh viên ngày càng tăng; khám chữa bệnh, cấp cứu cho hàng triệu lượt người, góp phần giảm tải cho khối công lập,…

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết thêm, thành phố đã có đề án đẩy mạnh xã hội hóa trong y tế, giáo dục nhưng khó khăn hiện nay là các ngành phải có hướng dẫn thực hiện "nên làm không khéo thì bị thổi còi ngay”.

Thực tế, TP. Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện thí điểm hợp tác công tư (PPP) trong vận hành trạm y tế cấp phường, xã. Cụ thể, UBND quận 3 đã thực hiện hợp tác công tư với một doanh nghiệp tư nhân trong vận hành Trạm y tế phường 11.

Đánh giá đây là mô hình thí điểm hứa hẹn nhiều lợi ích cho xã hội, song Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, chủ trương của chính quyền là không được phân biệt đối xử đơn vị sự nghiệp nào là công hay tư nhưng phải rành mạch công - tư trong hợp tác, phân chia nguồn thu cho hợp lý và nghiên cứu xây dựng một pháp nhân cho kiểu hợp tác này.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề nghị TP. Hồ Chí Minh xây dựng danh mục các loại hình dịch vụ công cần sử dụng 100% ngân sách nhà nước và danh mục dịch vụ công không sử dụng ngân sách để làm tiền đề cho các đơn vị sự nghiệp công lập triển khai đổi mới hoạt động.

Phó Thủ tướng cũng chia sẻ việc thực hiện tự chủ tài chính trong hoàn cảnh hiện nay là không dễ do liên quan tới việc thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công và các vấn đề bảo đảm các yếu tố kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội. Đi liền với đó là tăng cường yêu cầu giám sát của Nhà nước của các bộ, ngành, địa phương và tự quản lý của các đơn vị sự nghiệp công.

Theo Báo Điện tử Chính phủ

Theo Báo Điện tử Chính phủ

© Thời báo Tài chính Việt Nam